Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học mới - Góp ý từ một giáo viên

22/07/2015 08:03
Trần Sơn
(GDVN) - Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học mới có một số thay đổi cho phù hợp với thực tế, tuy nhiên một số điểm chưa tương thích với các văn bản hiện hành.

LTS: Dư luận những ngày qua băn khoăn về một số điểm quy định trong Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học của Bộ GD&ĐT. 

Trong phạm vi bài viết này, thầy giáo Trần Sơn mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình về một số nội dung bất cập mà chưa được bàn tới. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới bạn đọc ý kiến này. 

Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học mới đang được Bộ GD&ĐT đưa ra để lấy ý kiến đông đảo các cấp quản lý từ các Sở GD&ĐT đến các trường Tiểu học và dư luận xã hội.

Trên các báo điện tử Tuổi trẻ, Dân trí, Việt Nam nét, Giáo dục Việt Nam... đã có nhiều góp ý cho Dự thảo này về:

Sĩ số học sinh trong một lớp; về số tiết dạy bình quân của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trên một tuần; về cách gọi lớp trưởng hay chủ tịch hội đồng tự quản; về bàn giao học sinh cho trường THCS; về nhiệm vụ và cơ cấu của tổ chuyên môn; về thành phần các hội đồng trong Nhà trường; về chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên;...

Ở đây, tôi xin được góp ý thêm về một số nội dung khác không trùng lặp với các ý kiến đã góp ý:

Vai trò mờ nhạt của giáo viên trong việc khen thưởng học sinh


Khoản 1, Điều 45 Khen thưởng và kỉ luật trong Dự thảo quy định: “Học sinh có tiến bộ vượt bậc, có thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện được Nhà trường và các cấp quản lí giáo dục khen thưởng theo các hình thức: 

a) Khen trước lớp;

b) Khen trước toàn trường;

c) Tặng giấy khen”.

Như vậy là Dự thảo chưa quy định rõ việc giáo viên được khen học sinh vì chỉ có “Nhà trường và các cấp quản lí giáo dục” được khen thưởng học sinh. 

Điều này lại mâu thuẫn với chính hình thức khen thưởng ở Điểm a (khen trước lớp). Phải chăng khen trước lớp cũng phải do “Nhà trường và các cấp quản lí giáo dục” đến lớp để khen học sinh? 

Trong thực tế thì hình thức khen trước lớp chủ yếu là do giáo viên thực hiện.

Dự thảo chưa quy định rõ việc giáo viên được khen học sinh(Ảnh: baodatviet.vn)
Dự thảo chưa quy định rõ việc giáo viên được khen học sinh(Ảnh: baodatviet.vn)

Hơn nữa, khen trước lớp cũng là một hình thức đánh giá học sinh mà theo Thông tư 30 thì “đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất” (Điều 4 Nguyên tắc đánh giá) vì hơn ai hết, giáo viên là người nắm rõ nhất thành tích của học sinh lớp mình. 

Do vậy, để phù hợp với hình thức khen thưởng trong chính Khoản 1, phù hợp với Thông tư 30 và để thể hiện rõ vai trò của giáo viên trong việc khen thưởng học sinh nên bổ sung thêm giáo viên vào chủ thể khen thưởng học sinh. 

Nghĩa là Khoản 1, Điều 45 nên bổ sung đầy đủ như sau: “Học sinh có tiến bộ vượt bậc, có thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện được giáo viên, Nhà trường và các cấp quản lí giáo dục khen thưởng theo các hình thức...”. 

Hồ sơ phục vụ hoạt động giáo dục trong trường chưa logic, chưa thống nhất

Điều 30 trong Dự thảo về Hồ sơ phục vụ hoạt động giáo dục trong trường chưa được quy định đầy đủ và thiếu logic như: không quy định hồ sơ của tổ văn phòng, hồ sơ của giáo viên chưa thống nhất đầu sổ và các nội dung trong sổ, hồ sơ của tổ chuyên môn không tương thích với các nhiệm vụ theo quy định của nó. 

Tại Khoản 2, Điều 19 Tổ văn phòng trong Dự thảo có quy định các nhiệm vụ của tổ văn phòng, trong đó:

Điểm a quy định: “Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ theo tuần, tháng, năm nhằm phục vụ cho việc thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học và hoạt động giáo dục của Nhà trường”. 

Điểm c quy định: “Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của các thành viên trong tổ theo kế hoạch của Nhà trường”.

Chỉ cần căn cứ vào hai nhiệm vụ này thì hồ sơ của tổ văn phòng ít nhất cũng phải cần có kế hoạch hoạt động (năm, tháng, tuần), sổ ghi kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của các thành viên trong tổ. Như vậy là cần phải có quy định cụ thể về hồ sơ của tổ văn phòng.

Tương tự, đối với tổ chuyên môn, vì trong Dự thảo quy định về hồ sơ chỉ có sổ ghi nội dung các cuộc họp chuyên môn nên Điều lệ cũng cần quy định cụ thể các loại hồ sơ cho phù hợp với các quy định về nhiệm vụ của tổ này.

Ví dụ: kế hoạch hoạt động (năm, tháng, tuần), sổ ghi kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả giảng dạy, giáo dục và quản lí sử dụng sách, thiết bị của các thành viên trong tổ.

Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học mới - Góp ý từ một giáo viên ảnh 2

Học sinh làm chủ tịch: Quan trọng học sinh có hứng thú hay không?

(GDVN) - Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về tên gọi “chủ tịch và phó chủ tịch” thay cho chức danh “lớp trưởng”, liệu thuật ngữ này có biến đổi suy nghĩ của trẻ?

Về hồ sơ giáo viên, Dự thảo chưa đưa ra phương án thống nhất tên và nội dung ghi chép trong từng sổ ví dụ: 

Điểm b, Khoản 2, Điều 20 có ghi: “Sổ chuyên môn (gồm các nội dung theo dõi chất lượng học sinh, dự giờ, ghi chép sinh hoạt chuyên môn) hoặc tách riêng sổ theo dõi chất lượng học sinh”. 

Điểm c có quy định: “Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm lớp hoặc dùng chung với sổ theo dõi chất lượng học sinh”. 

Theo ý kiến của tôi, để thuận lợi cho giáo viên, nên quy định sổ chuyên môn chỉ để ghi chép các nội dung dự giờ, ghi chép sinh hoạt chuyên môn; còn sổ theo dõi chất lượng học sinh nên tách riêng (đối với các giáo viên không làm công tác chủ nhiệm) và tích hợp với sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm).

Ngoài ra, các hồ sơ khác cũng cần quy định cụ thể để nó đáp ứng được các yêu cầu về kiểm định chất lượng giáo dục với vai trò là các minh chứng.

Trên đây là một số ý kiến góp ý của tôi, một giáo viên Tiểu học. Chúng tôi rất mong ban soạn thảo chắt lọc, tiếp thu các ý kiến góp ý của tất cả mọi người quan tâm tới giáo dục (đặc biệt là các ý kiến từ các trường Tiểu học - đối tượng áp dụng trực tiếp của Điều lệ này) để xây dựng Điều lệ trường tiểu học có chất lượng, phù hợp với thực tế.

Trần Sơn