Đừng để chiếc phong bì làm méo mó tình cảm thầy trò

16/11/2016 09:46
Khánh Văn
(GDVN) - Nhiều phụ huynh bày tỏ “lòng biết ơn” thầy cô bằng những cái phong bì hay món quà đắt tiền đã làm mai một đi tình nghĩa thầy trò.

LTS: Trước ngày trọng đại, tôn vinh các nhà giáo, thầy Khánh Văn có đôi điều chia sẻ tâm sự về nghề.

Thầy bày tỏ quan điểm “nói không với phong bì” trong ngày Nhà giáo Việt Nam.

Với thầy, ngày này chỉ cần tặng thầy cô những bó hoa tươi, những tấm thiệp kèm lời chúc giản dị, bởi những chiếc “phong bì” có thể làm méo mó tình thầy trò cao đẹp.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Nghề giáo cũng là một nghề trong xã hội nhưng nó mang tính đặc thù riêng bởi đây là ngành đào tạo con người.

Ngoài truyền đạt kiến thức thì người thầy còn phải hướng dẫn các học trò của mình hướng tới những giá trị về đạo đức, nhân cách, sống có lí tưởng, hoài bão mà nghĩ tới tương lai.

Chính vì thế mà những người thầy dù ở thời kì nào cũng mang một vị thế rất riêng, rất khác.

Bởi là nghề đào tạo con người trong xã hội nên mảng giáo dục được nói đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thời kinh tế thị trường, thời mà văn hóa, đạo đức truyền thống ít nhiều bị mai một qua thời gian nên cũng có những người thầy đã tự đánh mất mình, không vượt qua được những cám dỗ và chạy theo lối sống thực dụng.

Đừng để chiếc "phong bì" làm ảnh hưởng đến tình cảm thầy trò đáng trân quý. (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Đừng để chiếc "phong bì" làm ảnh hưởng đến tình cảm thầy trò đáng trân quý. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Điều này, cũng đồng nghĩa với hình ảnh người thầy đang bị thách thức trước cuộc sống của xã hội hiện tại. Vì thế, mỗi năm đến ngày 20/11, những người giáo viên như chúng tôi bao giờ cũng được dư luận xã hội nhắc đến.

Đó là những lời chúc tri ân, những câu chuyện đầy tính nhân văn của tình thầy trò nhưng cũng có rất nhiều câu chuyện, rất nhiều bài báo nói về chuyện những chiếc phong bì, chuyện tặng thầy cô giáo những món quà xa xỉ.

Chuyện một số Sở Giáo dục cấm nhà trường huy động tiền của phụ huynh để tặng và chăm lo cho thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam là đúng.

Bởi đọc những thông tin như vậy chắc phần lớn các thầy cô giáo chạnh lòng cho cái nghề mà mình đang theo đuổi.

Sự chạnh lòng không phải là những món quà hay cái phong bì của một số thầy cô ở đâu đó được phụ huynh chăm sóc.

Mà đó là sự cảm thấy tại sao những đơn vị trường học của một số địa phương vẫn tồn tại khái niệm huy động phụ huynh góp tiền để chăm lo và tặng quà cho thầy cô.

Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng...

Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng...

(GDVN) - Đã gần nửa cuộc đời gắn với nghề dạy học, nhưng không hiểu sao, mỗi năm đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, lòng tôi cứ man mác buồn.

Điều đó có thật sự cần thiết không khi mà mỗi thầy cô đều đã có lương.

Trong khi, cuộc sống của biết bao gia đình phụ huynh học sinh đang phải chạy ăn từng bữa hay đang phải gồng mình để tránh lũ lụt.

Cuộc sống thầy cô giáo giờ đây có khó khăn về vật chất không? Chắc chắn rằng phần lớn giáo viên sẽ trả lời là “có” bởi đó là sự thật.

Song, điều cần thiết là sự tôn trọng của mọi người, nhất là cách ứng xử của một số lãnh đạo và cán bộ quản lí đối với người thầy trong cái ngày gọi là ngày “Nhà giáo”.

Nếu có thể chi được thì nhà trường có thể làm một bữa tiệc nho nhỏ, còn không có thể làm Lễ kỉ niệm xong rồi trò chuyện, tọa đàm giữa lãnh đạo - giáo viên - phụ huynh.

Viêc này sẽ ý nghĩa hơn nhiều nếu phải huy động tiền để đãi tiệc cho thầy cô giáo. Bởi huy động như vậy gây nên sự phản cảm cho xã hội.

Mỗi năm có một ngày để xã hội tôn vinh “nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí”. Cái đạo lí thầy trò từ ngàn xưa của người Việt chúng ta là tính “tôn sư trọng đạo”, là lòng biết ơn và kính trọng thầy cô giáo.

Chuyện học trò tặng thầy cô tấm thiệp, bó hoa tươi, thăm hỏi thầy cô kèm thêm một vài lời chúc đã là nét đẹp bao nhiêu thế hệ học trò. Và, có lẽ chỉ cần thế thôi cũng đủ ấm lòng những thầy cô đã và đang đứng lớp.

Thời hiện đại, cuộc sống đủ đầy hơn nên đâu đó bắt đầu hình thành lễ nghĩa.

Nhiều phụ huynh đợi đến ngày này để bày tỏ “lòng biết ơn” thầy cô bằng những cái phong bì hay món quà đắt tiền đã làm mai một đi tình nghĩa thầy trò.

Nhiều thầy cô giáo vẫn lạnh lùng cầm những bó hoa tươi có kèm thêm chiếc phong bì mà không một chút ưu tư. Những việc làm như thế đã và đang làm cho tình thầy trò thêm méo mó.

Bởi, chiếc “phong bì” lớn lắm và cũng nặng nề lắm. Nó không chỉ làm mất đi nét đẹp của văn hóa truyền thống mà còn đưa thầy cô đến những chuyện khó xử trong giảng dạy các em sau này.

Những thầy cô giáo giảng dạy ở thành phố hoặc những vùng có điều kiện thuận lợi, cho dù cuộc sống vẫn còn muôn vàn khó khăn nhưng vẫn cảm thấy đủ đầy hơn nhiều so với những đồng nghiệp đang công tác ở những vùng núi, hải đảo xa xôi.

Còn nhớ, năm ngoái sau ngày 20/11 nhiều tờ báo đăng tải một số hình ảnh kỉ niệm của các trường vùng khó khăn mà cảm thấy thương cho đồng nghiệp của mình vô cùng.

Trường lớp xiêu vẹo, trò ngồi co ro trong cái lạnh đầu mùa.

Nhìn mấy chữ được viết trên tấm bảng gỗ để giữa sân trường để kỉ niệm buổi lễ mà buồn đến nao lòng.

Khó khăn như thế mà các thầy cô vẫn bám trụ để đem con chữ đến cho học trò mới thấy tấm lòng của người thầy vĩ đại làm sao.

Những món hoa tươi thắm các em học sinh kính tặng thầy cô. (Ảnh: Báo KTĐT)
Những món hoa tươi thắm các em học sinh kính tặng thầy cô. (Ảnh: Báo KTĐT)

Là giáo viên, tôi cũng là phụ huynh có con đang học tại một trường Tiểu học ở trung tâm thành phố.

Nhưng chưa bao giờ gia đình tôi tặng quà cho thầy cô giáo dạy con mình, năm nào đến ngày này vợ chồng tôi cũng lên mua cho con mình một vài bó hoa tươi để cháu tặng thầy cô đang giảng dạy.

Kèm theo đó, chúng tôi còn hướng dẫn cháu cách tặng và cả những lời chúc thầy cô.

Những năm đầu cháu còn tị nạnh nói là có nhiều bạn trong lớp có ý định tặng quà. Sau này, như đã thành thói quen, cháu không bao giờ có ý định tặng quà nữa.

Những bó hoa tươi thắm luôn là món quà mà cháu nhắc tới ngày này để tặng thầy cô. Và, cháu vẫn học tập bình thường, vẫn được thầy cô yêu mến…

Người Việt Nam ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo” và đó đã và đang là nét đẹp của văn hóa truyền thống của dân tộc và chúng ta cần phải giữ gìn nét đẹp đó.

Tuy nhiên, để nét đẹp văn hóa được nguyên vẹn bản chất của nó đòi hỏi mỗi người thầy phải là những nhà sư phạm chân chính, không vụ lợi.

Chúng ta dạy học trò về đạo đức và nhân cách làm người, dạy về lòng yêu thương, sự kính trọng thì việc nhận phong bì của học trò, của phụ huynh không chỉ gây nên sự phản cảm mà còn đang đánh cược nhân cách người thầy trước những đôi mắt của học trò.

Khánh Văn