Đừng đùa với tiền của dân!

21/04/2014 08:33
Ngọc Quang
(GDVN) - Một đồng cũng là mồ hôi, nước mắt của dân, vậy nên Bộ GD & ĐT càng phải thận trọng với đề án đổi mới sách giáo khoa.

Xuất hiện trên truyền hình tối 20/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phạm Vũ Luận đã đưa ra một thông điệp “xoa dịu dư luận” rằng, tờ trình Chính phủ gửi tới Thường vụ Quốc hội về vấn đề đổi mới SGK phổ thông không hề nhắc tới tiền. Cũng có nghĩa là con số 34.000 tỷ đồng chi cho đổi mới SGK do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời tại Thường vụ Quốc hội, khiến dư luận sôi lên sùng sục mấy ngày nay chẳng qua chỉ là một con số vu vơ.

Bộ trưởng Luận lý giải, con số ấy do một số nhóm chuyên gia đưa ra, nhưng không nói rõ nhóm chuyên gia ấy có phải của Bộ không? Nếu không phải “nhóm chuyên gia” của Bộ vì sao ông Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lại đem ra trả lời ở Thường vụ Quốc hội? Và lạ hơn, chẳng lẽ Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không biết cấp dưới (thay mặt Bộ trưởng) sẽ báo cáo thế nào tại Thường vụ Quốc hội?

Nhiều người bảo, nếu chơi môn bóng đá, hẳn Bộ trưởng Luận sẽ rất giỏi kỹ thuật “bật tường” khi khéo léo gạt phắt con số 34.000 tỷ đồng đi. Có nghĩa là buổi báo cáo Thường vụ lần này chỉ có ý xin thông qua để tiếp tục đưa ra Quốc hội bàn về chuyện ra nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình, SGK phổ thông. Còn tiền nong tính sau!

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phủ nhận con số 34 nghìn tỷ đồng, nhưng chưa đưa ra được con số cụ thể để đổi mới chương trình - SGK.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phủ nhận con số 34 nghìn tỷ đồng, nhưng chưa đưa ra được con số cụ thể để đổi mới chương trình - SGK.

Nghe những lời giải thích của Bộ trưởng Luận, hẳn nhiều người sẽ hoang mang không hiểu rồi đây chương trình này sẽ tiêu hết bao nhiêu tiền và hiệu quả thực sự của nó ra sao? Bởi ngay nội dung của đề án này cũng đang tồn tại quá nhiều vấn đề, mà chính ông Ksor Phước – Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc đã phải thốt lên: “Tôi hoang mang chưa thấy cái mới là cái gì? Nói nhiều về SGK rồi, giờ quyết tâm đột phá là cái gì? Khó mới yêu cầu Bộ giáo dục làm, dễ thì không cần”.

Nhưng hài hước hơn là ngay sau phiên báo cáo của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại Thường vụ Quốc hội, Bộ Giáo dục tiếp tục tổ chức cuộc họp báo để nói về đề án này, nhưng lại bố trí những người có chuyên môn hời hợt về SGK phổ thông để trả lời.

Vì vậy, thật dễ hiểu khi tại buổi họp báo, ông Đỗ Ngọc Thống - Vụ phó Vụ Giáo dục trung học, thường trực Ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình - SGK hồn nhiên ví von, việc báo cáo tại Thường vụ Quốc hội chỉ là buổi “bảo vệ” thử luận án; rằng tên đề án khiến nhiều người hiểu lầm, thực tế chương trình và sách giáo khoa chỉ tốn khoảng 5 nghìn tỷ, còn lại là các hạng mục khác (khoảng 7-8 mục).

Vậy là ngay cả một cán bộ có chức danh ở Bộ GD & ĐT cũng không nắm được con số thật chi cho đổi mới chương trình – SGK là bao nhiêu? Nói cách khác, Bộ trưởng Luận vẫn đang “giữ bí mật” đến phút cuối về chi phí, hoặc Bộ trưởng cũng chưa biết chính xác đề án này cần bao nhiêu tiền?

Không phải đến bây giờ Bộ GD & ĐT mới bị “mắng” vì luẩn quẩn trong chuyện tiền nong ở đề án đổi mới SGK. Còn nhớ vào năm 2011, bộ này đã tổ chức một cuộc hội thảo "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa Phổ thông sau năm 2015", con số lúc ấy đặt ra còn khủng khiếp hơn: 70 nghìn tỷ đồng!

Chánh Văn phòng Bộ GD & ĐT khi ấy là ông Phạm Mạnh Hùng thông tin, trong đó số tiền chi cho việc biên soạn chương trình - SGK chỉ khoảng 962 tỷ, còn lại là chi cho xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35 nghìn tỷ; mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30 nghìn tỷ; Triển khai thí điểm chương trình, sách giáo khoa 3.591 tỷ đồng; đào tạo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cánn bộ quản ý 397 tỷ đồng.

Từ khi tổ chức hội thảo này đến giờ đã gần 3 năm trôi qua, vậy mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và cả Bộ Giáo dục vẫn quanh quẩn chưa đưa ra được một đề án cụ thể và một con số nào đó nhằm đạt được mục tiêu đề ra? Bởi vậy không khó hiểu khi GS Nguyễn Minh Thuyết nói rằng: “Bộ Giáo dục muốn đổi mới SGK phổ thông nhưng chưa thoát khỏi tình trạng duy ý chí…”.

Cần phải nhắc lại câu chuyện về những con số tiền tỷ ấy để nói rằng, có lẽ bản thân Bộ trưởng và Bộ Giáo dục phải nghiêm túc hơn với “tiền của dân”, dù chỉ là “khái toán”. Nói như GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD & ĐT: “Bộ GD&ĐT đưa ra từ khái toán, đấy là từ mù mờ. Một việc quan trọng với tương lai dân tộc, với thế hệ trẻ, từ tiền thuế của nhân dân mà khái toán thì không thể chấp nhận được".

Tiền của dân, dù là một đồng cũng không thể nói đùa!

Ngọc Quang