Đừng im lặng, hãy cùng lên tiếng!

04/12/2016 06:59
Phan Tuyết
(GDVN) - Hy vọng, sau Sóc Trăng sẽ có nhiều tỉnh thành khác lên tiếng về việc học sinh ngồi nhầm lớp, tránh tình trạng “lùa” học sinh lên lớp ồ ạt như hiện nay.

LTS: Sau nhiều trường hợp phát hiện "học sinh ngồi nhầm lớp", cô giáo Phan Tuyết kêu gọi những nhà làm công tác giáo dục hãy lên tiếng để chấm dứt triệt để tình trạng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Cách đây chưa lâu dư luận bàng hoàng vì tin một học sinh trường Tiểu học Lý Đạo Thành (TP Sóc Trăng) lên lớp 6 nhưng không biết đọc, biết viết bị nhà trường trả về học lại chương trình lớp 1. 

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã cho kiểm tra, rà soát ở tất cả các trường tiểu học trên toàn địa bàn, phát hiện hàng trăm em học sinh đọc viết chưa thành thạo. 

Trong đó, thành phố Sóc Trăng có khoảng 70 em, các huyện khác là 30-40 em. Những học sinh này hiện nay đang được giáo viên phụ đạo thêm và bước đầu đã có tiến bộ ít nhiều.

Giáo viên cần lên tiếng để chấm dứt tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Giáo viên cần lên tiếng để chấm dứt tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Đầu tiên phải thừa nhận không phải tỉnh thành nào trong cả nước cũng đủ dũng cảm để rà soát tất cả học sinh bậc tiểu học như Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng vừa làm. 

Nếu kiểm tra một cách chặt chẽ, công tâm thì ở bất cứ địa phương nào cũng có học sinh chưa đọc viết thông thạo nhưng vẫn lên lớp. 

Hy vọng với cách làm quyết liệt này, ở tỉnh Sóc Trăng từ nay về sau sẽ không còn tình trạng học sinh lên tới lớp 6 vẫn không thể viết nổi tên mình.

Trở lại câu chuyện cậu học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng bị trả về học lại lớp 1, ngành giáo dục Sóc Trăng cũng đã kỉ luật cảnh cáo đối với hiệu trưởng, và khiển trách các giáo viên.

Việc kỉ luật cảnh cáo hiệu trưởng nhà trường là thỏa đáng. Nhưng việc khiển trách tất cả giáo viên (từ lớp 1 đến lớp 5) xem chừng quá mạnh tay. 

Với vai trò một giáo viên đang hàng ngày giảng dạy trên lớp, xin được trao đổi một số suy nghĩ của mình để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn.

Đừng im lặng, hãy cùng lên tiếng! ảnh 2

Chúng ta chỉ có toàn học sinh khá giỏi, giáo dục đã cất cánh rồi chăng?

Ngoài hiệu trưởng, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về giáo viên dạy lớp 1.

Học sinh học xong lớp 1 nếu chưa nhớ hết các âm vần mà vẫn cho lên lớp 2, chắc chắn các em sẽ ngày càng học dốt hơn và rơi vào tình trạng tái mù chữ là điều hiển nhiên. 

Bởi ở lớp 2, không có môn học vần mà là phân môn tập đọc.

Học sinh không còn học các chữ cái, cách ghép vần, cách phát âm… các em buộc phải đọc trơn một cách lưu loát để hiểu văn bản. 

Trong lớp, giáo viên dù cố gắng tới đâu cũng chỉ có thể dành cho những học sinh này hơn các em khác dăm bảy phút là nhiều. 

Có thầy cô xin miễn cho các em học một số môn chuyên như Mĩ thuật, Thể dục, Kĩ thuật, Âm nhạc để hướng dẫn lại cho các em kiến thức của lớp 1 nhưng các em tiến bộ cũng rất chậm. 

Đã không biết đọc, biết viết, học sinh có ở lại lớp 2 vài năm thì vẫn vậy. Nhưng nếu các em được ở lại lớp 1 thêm năm nữa, chắc chắn sẽ học tiến bộ hơn rất nhiều. 

Tôi biết một giáo viên dạy lớp 4, trong lớp có một học sinh không biết đọc biết viết. 

Đừng im lặng, hãy cùng lên tiếng! ảnh 3

Ngồi nhầm lớp - lỗi không chỉ do dối trá hay bệnh thành tích

Khi ban giám hiệu yêu cầu giáo viên này phải nỗ lực kèm cho học sinh ấy phần đọc viết.

Thầy giáo ấy đã trả lời thẳng thừng “Trách nhiệm của tôi không phải dạy kèm kiến thức lớp 1”. 

Mà quả thật, dù thầy có nỗ lực dạy kèm đến đâu, em ấy cũng không thể tiến bộ ngay được vì đã mất gốc rồi.

Chỉ có xuống học cùng với học sinh lớp 1 mới may ra cải thiện được.

Nói thế để thấy được, nếu học sinh đọc viết yếu mà cứ buộc phải lên lớp như thế là chúng ta đang hại cả cuộc đời các em. 

Trong thực tế, nhiều học sinh cứ bị đẩy lên lớp cho trường đạt chỉ tiêu, lên hết bậc tiểu học những học sinh này đành phải nghỉ học để đi biển, đi bán vé số, ở nhà lông bông… vì không thể vào học được lớp 6.

Hy vọng, sau Sóc Trăng sẽ có nhiều tỉnh thành khác lên tiếng về việc khảo sát tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp và cương quyết buộc những học sinh đọc, viết yếu phải lưu ban ngay từ lớp 1, tránh tình trạng “lùa” học sinh lên lớp một cách ồ ạt như hiện nay.

Phan Tuyết