Gian lận điểm thi ở Hà Giang đã rõ, còn địa phương nào chưa bị lộ không?

18/07/2018 06:23
BÙI NAM
(GDVN) - Nếu có coi thi, chấm thi “lỏng, chặt” thì người chịu nhiều thiệt thòi, bất công nhất chính là các em học sinh và các trường đại học, cao đẳng.

LTS: Vụ việc điểm thi cao bất thường ở Hà Giang đã chính thức bị lộ, đặt ra câu hỏi còn địa phương nào có sai phạm như trên mà chưa bị lộ không, tác giả Bùi Nam đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vậy là biết bao nghi vấn về điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao quá bất thường ở Hà Giang dần dần hạ màn.

Nghi vấn đó hoàn toàn có cơ sở khi ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng cung cấp cho báo chí là qua rà soát, đúng là có sai phạm trong quá trình chấm thi.

Qua đó, xác định có hàng chục bài thi chấm sai lệch về điểm số do có đối tượng gây ra sai phạm này.

Đây chưa phải là kết luận cuối cùng, chắc chắn một đối tượng không thể gây ra sự việc “tày đình” như trên.

Các em thí sinh tham dự kì thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh minh hoạ: Baohagiang.com).
Các em thí sinh tham dự kì thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh minh hoạ: Baohagiang.com).

Rồi đây tất cả sẽ được lôi ra ánh sáng nhưng cách giải quyết nhanh chóng, kịp thời, quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy Hà Giang đã phần nào lấy lại uy tín của Bộ Giáo dục, của tỉnh Hà Giang cũng như phần nào trả lại sự trong sạch, công bằng trong giáo dục.

Hệ quả từ việc làm sai lệch kết quả thi là quá lớn

Sau khi có nghi vấn về điểm thi trung học phổ thông Quốc gia cao bất thường trong đó có rất nhiều em đạt điểm 9, có nhiều em đạt trên 27 điểm, có nhiều em thi thử đạt 2, 3 điểm nhưng thi tốt nghiệp đạt 8, 9 điểm hay nhiều em đạt điểm tổ hợp các môn xét vào đại học rất cao nhưng các môn còn lại rất thấp…

Đó là những điều rất khó có thể xảy ra nên sai phạm được dự đoán từ trước, rất may Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc nhanh chóng và kịp thời để lấy lại niềm tin trong nhân dân nhưng hệ quả về nó là không thể xóa được.

Thứ nhất, nghi vần về coi thi, chấm thi “lỏng, chặt” mà dư luận nghi ngờ không phải trong kỳ thi năm nay mà trong các kỳ thi trước là điều có cơ sở.

Hàng trăm bài thi ở Hà Giang được sửa từ 1 điểm lên 9 điểm

Sau khi kết thúc kỳ thi lại râm ran nhau câu chuyện có địa phương coi thi dễ dãi nhằm cho các em có kết quả tốt.

Bên cạnh đó, dư luận cũng nghi ngờ về cách làm bài trắc nghiệm trên giấy thi (bôi đen câu trả lời bằng bút chì) quá dễ cho việc xóa và sửa lại câu khác của hội đồng chấm thi nếu muốn gian lận.

Vậy là câu chuyện về nghi vấn điểm thi cao bất thường ở Hà Giang đã chính thức bị lộ, nhưng câu hỏi được đặt ra là còn địa phương nào có sai phạm như trên và chưa bị lộ không?

Câu hỏi này thật khó trả lời nhưng nó tạo ra tâm lý không an tâm, nghi ngờ về một kỳ thi trong sạch, trung thực khi giao cho các địa phương tổ chức.

Việc làm này chính là làm mất uy tín quá lớn đối với Hà Giang, mất uy tín cả với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia năm nay.

Thứ hai, nếu sai phạm không được phát hiện thì sẽ có rất nhiều em học yếu, không đủ năng lực nhưng được vào các trường đại học, từ đó tạo ra lượng sinh viên yếu kém về trình độ.

Có thể chưa chắc các em được đi hết chặng đường đại học (do năng lực yếu không theo kịp chương trình) mà quan trọng hơn là tước đi cơ hội đỗ vào đại học của hàng chục em học sinh giỏi khác.

Đó là điều bất công quá lớn mà các em phải gánh chịu do việc làm sai phạm của một số cá nhân.

Còn các em học sinh được sửa chữa và nâng điểm các em học sinh không sai (có thể sai do nâng đỡ hoặc do người thân gửi gắm), nhưng bây giờ và sẽ còn rất lâu nữa các em sẽ bị đàm tiếu, dư luận dèm pha…

Gian lận điểm thi ở Hà Giang đã rõ, còn địa phương nào chưa bị lộ không? ảnh 2Học sinh giỏi ở Hà Giang bị khủng bố vì tố cáo có gian lận

Cuộc đời các em sẽ khó phát triển, các em sẽ ảo tưởng về kết quả học tập của mình, các em sẽ chủ quan, ỷ lại… và bây giờ là nơm nớp lo sợ.

Các em thật là những người đáng thương hơn đáng trách, rất mong sau khi vụ việc được phanh phui, xử lý… thì cả xã hội sẽ bao dung, tạo điều kiện tối đa cho các em phát triển.

Những việc tỉnh Hà Giang cần làm ngay

Nhanh chóng khởi tố vụ án vi phạm quy định về quy chế chấm thi, làm sai lệch kết quả bài thi và giao cho công an Tỉnh điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiến hành hủy các điểm đã công bố ở các bài thi có vi phạm, chấm lại tất cả các bài thi có nghi vấn, sửa chữa điểm thi để trả lại đúng kết quả thật của các em, để các em còn kịp nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng khác.

Xử lý kỷ luật nghiêm minh (kể cả hình sự) các tập thể và cá nhân có sai sót trong toàn bộ quá trình chấm thi tránh tình trạng tái diễn. Cần có cuộc cách mạng triệt để dẹp trừ nạn tiêu cực trong thi cử.

Dù sự việc có xử lý như thế nào đi chăng nữa thì chúng ta phải đánh giá thật rằng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia còn quá nhiều điều phải làm về quản lý coi thi, chấm thi, nhiệm vụ của các thanh tra, chính quyền địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Nếu có coi thi, chấm thi “lỏng, chặt” thì người chịu nhiều thiệt thòi, bất công nhất chính là các em học sinh và các trường đại học, cao đẳng (học sinh yếu được đỗ, học sinh giỏi lại trượt và trường đại học mất cơ hội tuyển được những sinh viên giỏi).

Bên cạnh đó, việc chi cả ngàn tỉ đồng (từ ngân sách nhà nước) để kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 97,57%, cũng như các năm trước luôn cao hơn 90% (năm 2017 là 97,42%; năm 2016 là 92,93%; năm 2015 là 91,58%) hầu hết các em không đỗ tốt nghiệp chủ yếu do điểm liệt là điều không đáng, thậm chí lãng phí hàng ngàn tỉ đồng.

Gian lận điểm thi ở Hà Giang đã rõ, còn địa phương nào chưa bị lộ không? ảnh 3Hà Giang nên nhớ rằng thi trắc nghiệm không thể có chuyện “học tài thi phận”

Bây giờ, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo không đánh giá học sinh qua kiến thức mà đánh giá bằng năng lực và phẩm chất.

Nhưng, năng lực con người là vô hạn và khác nhau nên có học sinh có năng lực tốt ở môn này nhưng có năng lực chưa tốt ở môn khác là điều dễ hiểu.

Nên rất mong Bộ Giáo dục bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia này, giao quyền xét tốt nghiệp và thi vào đại học, cao đẳng cho các trường.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng trong cả nước về tuyển sinh như thế ngân sách đỡ tiêu tốn hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm và quan trọng là các trường sẽ lựa chọn được những học sinh có năng lực thật sự đáp ứng nhu cầu của nhà trường.

Để tránh tình trạng như ở hiện nay và giải tỏa những nghi ngờ trên thì rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có những thay đổi kịp thời, không cho các cá nhân có cơ hội để vi phạm.

Với cách làm việc khoa học, tinh thần quyết liệt, khách quan, cầu thị… tôi tin rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có nhưng giải pháp phù hợp trong thời gian sớm nhất.

BÙI NAM