Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chỉ rõ nguyên nhân kìm hãm giáo dục Hà Nội phát triển

03/05/2018 06:40
Như Hải
(GDVN) - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội áp dụng tuyển sinh một thời điểm cho cả trường công lập và tư thục là không phù hợp, cần phải sớm thay đổi.

Vấn đề này được Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn nêu ra tại "Hội thảo tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp" được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức vào ngày 26/4 vừa qua.

Tại hội thảo, lãnh đạo nhiều trường tư thục bày tỏ bức xúc trước việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội siết tuyển sinh đầu cấp.

Họ cho rằng, việc siết chặt thời gian tuyển sinh đầu cấp là đi ngược với chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường học, gây khó cho phụ huynh và học sinh.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, thành viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia (ảnh Lại Cường).
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, thành viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia (ảnh Lại Cường).

Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các trường tư thục, Giáo sư-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, thành viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia phát biểu: “Khi chúng ta mở rộng xã hội hóa, có nghĩa là chấp nhận sự đa dạng và tương ứng với nó phải có những cơ chế, chính sách phù hợp với từng loại hình trường và phải mang tính hệ thống, thường xuyên được cập nhật, theo kịp xu thế phát triển của thời đại.

Việc áp dụng một khung thời gian, một hình thức tuyển sinh, một cơ chế quản lý đang tự mâu thuẫn với chính sách mở cửa này”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chỉ rõ nguyên nhân kìm hãm giáo dục Hà Nội phát triển ảnh 2Sở siết tuyển sinh đối với trường tư thục, Bộ cần vào cuộc

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, với việc quy định siết tuyển sinh đầu cấp không những không tạo động lực phát triển mà còn bị kìm hãm.

Điều này gây bức xúc cho những nhà đầu tư cũng như thiệt thòi cho phụ huynh, học sinh và đã tạo ra sự thiếu chuyên nghiệp trong quản lý.

Phân tích sâu thêm, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, trường công lập có ngân sách nhà nước cấp, có định biên chế giáo viên, có sẵn nguồn học sinh lúc nào cũng xếp hàng vào thì trường ngoài công lập phải hoàn toàn tự lo.

“Trường ngoài công lập sống hay chết là do họ tự lo”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các cấp có thẩm quyền cần phải tạo những điều kiện thuận lợi cho nhà trường phát triển, loại bỏ ngay những tư duy quản lý áp đặt.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng khẳng định, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội áp dụng tuyển sinh một thời điểm cho cả trường công lập và tư thục là không phù hợp, vì điều này khiến phụ huynh mất đi các cơ hội lựa chọn nơi học tập phù hợp cho con em mình, thậm chí phải dồn dập "chạy đua" trong một khoảng thời gian ngắn.

Hơn nữa, xét ở một góc độ nào đó thì các trường tư thục vận hành như một doanh nghiệp, các khoản thu chi phải được xây dựng dự trù từ sớm và thông qua Hội đồng quản trị phê duyệt, lỗ lãi ra sao sẽ quyết định mức đầu tư của các cổ đông.

Do vậy, khối trường tư thục cần phải có sự chủ động về số lượng học sinh trước khi ký kết các hợp đồng về nhân sự và các dịch vụ.

Chia sẻ thêm những khó khăn mà các trường ngoài công lập phải đối mặt khi bị siết tuyển sinh, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Trường ngoài công lập có thể đã phải chi nhiều tiền cho các hoạt động quảng bá, đón tiếp phụ huynh đến tham quan, tìm hiểu, tổ chức hội thảo… nhưng phải chờ đến thời điểm tuyển sinh chung như vậy có thể xảy ra hai trường hợp.

Một là trường sẽ quá tải (nếu là trường hot), hai là trường không tuyển đủ số lượng chỉ tiêu do bị phụ huynh học sinh bỏ rơi.

Có nghĩa là nhà trường sẽ không chủ động được cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các khoản khác đi theo. Trong cả hai trường hợp khủng hoảng thừa hay thiếu chỉ tiêu thì đều ảnh hưởng đến chất lượng của nhà trường”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chỉ rõ nguyên nhân kìm hãm giáo dục Hà Nội phát triển ảnh 3Bộ mở, Sở đóng

Cũng theo phân tích của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì phụ huynh cần có một khoảng thời gian đủ dài để tìm trường và xem xét, đánh giá xem cơ sở đào tạo nào thực sự phù hợp cho con em mình thông qua các buổi trao đổi trực tiếp với nhà trường, tham gia hội thảo theo dõi thông tin trên web từng trường...

Ngược lại, các trường cũng cần có sự lựa chọn những học sinh và phụ huynh có chung quan điểm và có thể đồng hành lâu dài với nhà trường; trong đó đáng lưu ý dù là các trường tư thục nhưng hướng đào tạo không giống nhau.

Đây thực sự đây là một cuộc “hôn nhân” đòi hỏi phải có quá trình tìm hiểu và qua các bước cần thiết để đi đến “đám cưới” - một quá trình hoàn toàn tự nguyện, đàng hoàng, minh bạch, phù hợp với nhu cầu và vì lợi ích của hai bên.

“Việc áp dụng một hình thức tuyển sinh, một thời điểm tuyển sinh đối với cả công lập và tư thục khiến cho phụ huynh mất đi các cơ hội lựa chọn mà phải dồn dập chạy đua trong một khoảng thời gian ngắn”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định.

Bàn luận thêm về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các nhà trường tự xây dựng chương trình nhà trường, đổi mới phương pháp – các trường sẽ tự lựa chọn đâu là thế mạnh mang thương hiệu riêng của trường.

Có trường muốn đẩy mạnh và phương pháp học tập trải nghiệm, cho phép học sinh được tự chủ và đòi hỏi học sinh phải có các kỳ thi;

Có trường lại muốn lấy học sinh giỏi, có khả năng học nhiều áp lực, đầu tư các cuộc thi…thì trường cần có những bài kiểm tra tương ứng để chọn học sinh.

Do đó, việc cơ quan quản lý không cho phép các trường được kiểm tra đầu vào là chưa hợp lý”.

Từ những hạn chế này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đề xuất, đã đến lúc cần cho phép các trường tư thục được phép xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp đặc thù nhà trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương chỉ cần phê duyệt và công khai trên website của Sở và của trường bao gồm chỉ têu, quy trình, thời gian, tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn, chi phí…

Còn riêng đối với tuyển sinh lớp 1, lớp 6 và lớp 10 thì khối trường tư thục cần được phép tuyển sinh từ tháng 3 hàng năm.

Ngoài ra, cũng cần cho phép các trường được kiểm tra đầu vào để lựa chọn học sinh phù hợp, chỉ có điều cần nghiêm cấm hoàn toàn là việc luyện thi.

Như Hải