Giáo viên Hà Nội dạy thêm phải đăng ký

14/04/2011 15:47

Với các trường dạy học 2 buổi/ngày, việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ thực hiện trong các buổi học ở trường, không dạy thêm. 

 

Chỉ đạo này của UBND TP.Hà Nội có hiệu lực từ ngày 18/4 tới đây. Theo quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thì ngoài các trường học 2 buổi/ ngày - Hà Nội yêu cầu không dạy thêm cho học sinh tiểu học; đồng thời, các cơ sở giáo dục ĐH và CĐ không được dạy chương trình phổ thông.

Tuy nhiên, đối với học sinh tiểu học, nếu gia đình có yêu cầu nhận quản lý học sinh ngoài giờ học, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, luyện tập kỹ năng đọc viết... thì được phép tổ chức dạy thêm, nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Thời gian học thêm không quá 2 tiết/buổi học và không quá 2 buổi/tuần; mỗi nhóm trông giữ không quá 25 học sinh.

Quy định cũng nêu rõ, học sinh THCS không quá 2 tiết/buổi học, không quá 3 buổi/tuần; học sinh THPT là không quá 3 tiết/buổi và không quá 3 buổi/tuần. Số học sinh mỗi lớp học thêm không quá 45 người , riêng bậc tiểu học mỗi nhóm trông giữ không quá 25 học sinh.

Theo quy định mới này, nếu là giáo viên đương nhiệm tham gia dạy thêm thì phải có ý kiến chấp thuận của thủ trưởng đơn vị có ghi trong đơn đăng ký tham gia dạy thêm.

Việc cấp phép hoặc gia hạn giấy phép dạy thêm được phân cấp cho Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT. Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng giao trách nhiệm quản lý đầu mối, chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã... trong việc quản lý dạy thêm, học thêm cho Sở GD-ĐT.

Một điểm mới nữa trong quy định này đã quy định rõ trách nhiệm của hiệu trưởng và người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong việc xét duyệt, chấp thuận cho cán bộ, giáo viên của đơn vị có đủ tiêu chuẩn được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường và tổng hợp danh sách báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.

Nội dung, phương pháp dạy thêm học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách cho học sinh, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông và đặc điểm tâm sinh lý của người học; không dạy quá nhiều, quá sức tiếp thu của người học, đảm bảo quyền lợi của người học thêm và nêu cao trách nhiệm của người dạy thêm.

Việc học thêm hay không học thêm là quyền của người học; mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền...

Cuối năm 2010, phản ánh về chế độ chính sách hiện hành với giáo viên phổ thông thành phố, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, thu nhập từ lương của giáo viên dựa trên hệ thống chính sách chế độ tiền lương chung, chưa phù hợp với mức chi phí sinh hoạt tại thủ đô.

Cũng do xuất phát từ nguyên nhân này, để tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu cuộc sống, hầu hết giáo viên đều phải dạy thêm.

Cùng thời điểm đại diện ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho đây là nguồn gốc của tình trạng bùng nổ dạy thêm ảnh hưởng không nhỏ đến tính nghiêm túc của nghề sư phạm, cũng như mối quan hệ giữa thầy và trò.

Kết quả khảo sát của Công ty tư vấn quản lý và chuyển đổi tổ chức (T&C Consulting) thực hiện dưới sự chủ trì của Thanh tra Chính phủ, tiến hành tháng 5/2010 dẫn số liệu, trên 45% phụ huynh thừa nhận việc học thêm là gánh nặng tâm lý, thời gian và tài chính. 40-45% giáo viên thừa nhận việc dạy thêm của mình làm cho phụ huynh học sinh cảm thấy yên tâm. Và đến 72% phụ huynh nghĩ rằng chỉ học chương trình chính khóa cho con là không đủ. Và đặc biệt, theo điều tra, trên 575 giáo viên cho rằng, có những người không giỏi vẫn tự mình tổ chức dạy thêm.

Thông số này được công bố tại hội thảo “Chính sách và thực hành chống tham nhũng trong ngành giáo dục Việt Nam; con đường hướng tới kết quả và giám sát tiến trình" giữa tháng 10/2010.

Về việc học thêm - dạy thêm, khảo sát này cho biết tần suất tham gia học thêm 44% là do nhà trường tổ chức; 49% do thầy cô dạy thêm riêng: 49% và do cơ quan ngoài tổ chức là 36%. Có đến 82-85% phụ huynh thừa nhận việc dạy thêm là bình thường và mọi người quen đều cho con học thêm.

Theo Kiều Oanh (Vietnamnet)