Giáo viên chúng tôi đã chán sáng kiến kinh nghiệm lắm rồi

18/05/2017 06:40
Thanh An
(GDVN) - Giáo viên chúng tôi đã chán sáng kiến kinh nghiệm lắm rồi. Chuyện đã tồn tại biết bao nhiêu năm nay và không biết đến bao giờ kết thúc?

LTS: Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không lấy việc đăng ký sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí thi đua khiến nhiều giáo viên vui mừng.

Tác giả Thanh An bày tỏ nỗi chán ngán với việc viết sáng kiến kinh nghiệm và đề xuất Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham mưu với Chính phủ về những bất cập của Nghị định 56 trong việc viết sáng kiến kinh nghiệm. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trước thông tin Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời cử tri Bình Định: “Từ năm học tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không lấy việc đăng ký sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí thi đua” đã nhận được sự đồng thuận của nhiều giáo viên đứng lớp. 

Đây thực sự là một tin không thể nào vui hơn đối với các nhà giáo. Nếu, Bộ trưởng Nhạ làm được điều này có thể đã là một “kì tích” cho ngành giáo dục trong nhiệm kì của ông.
    
Từ lâu, sáng kiến kinh nghiệm đã là một lực cản và gây không biết bao nhiêu những bất bình trong công tác xét thi đua cuối mỗi năm học

Vài trang giấy vô thưởng vô phạt, cộng với cách chấm thiếu lương tâm của một số vị được cơ cấu ngồi trong ban giám khảo cũng đủ khiến cho công tác thi đua khen thưởng trở nên thật ảo khó lường. 

Nhiều giáo viên họ coi thường thành tích nên không bao giờ viết sáng kiến kinh nghiệm bởi nó không có giá trị thực tiễn và họ bất bình vì cách bố trí giám khảo của một số địa phương, một số lãnh đạo coi trọng đồng tiền mà sẵn sàng bất chấp tất cả.
    
Địa phương chúng tôi công tác có hơn 60 đơn vị trường học từ cấp Mầm non đến Trung học cơ sở thuộc quản lí của Phòng giáo dục. 

Tất cả các vị trí của Phòng giáo dục có hơn chục người, vậy mà chừng ấy con người chấm sáng kiến kinh nghiệm cho toàn huyện. 

Giáo viên đã chán sáng kiến kinh nghiệm lắm rồi. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Giáo viên đã chán sáng kiến kinh nghiệm lắm rồi. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Hàng ngàn đề tài được các đơn vị cơ sở gửi lên, mỗi người chấm hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm.

Bởi qui định mỗi sáng kiến kinh nghiệm phải có 2 người chấm. Rất nhiều các thành viên trong Hội đồng bộ môn không được Phòng phân công chấm. 

Những người biết và am hiểu chuyên môn thì đứng ngoài cuộc, những người bỏ dạy lâu năm hoặc không cùng chuyên môn lại được bố trí làm giám khảo.
    
Khi chỉ còn 10 ngày nữa là năm học kết thúc, Phòng giáo dục mới gửi kết quả chấm sáng kiến kinh nghiệm về các trường. Nỗi niềm chờ đợi của giáo viên sau gần 7 tháng mới được công bố. 

Một kỉ lục về một về sự chậm trễ nhưng có lẽ những lãnh đạo của Phòng cũng không thể chấm nhanh hơn được! 

Những sáng kiến kinh nghiệm được nhà trường đánh giá cao khi gửi đi tất cả đều rớt, mấy cái nhà trường gửi vớt thì lại đậu vì phần lớn họ đều là chỗ thân quen với các lãnh đạo Phòng. 

Niềm vui, nỗi buồn của giáo viên đan xen khi ngày xét thi đua năm học đã cận kề.

Người đậu thì mừng như mở cờ trong bụng vì cơ hội đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua đã nằm trong tầm tay vì năm nay trường chỉ có 4 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện/ 60 giáo viên trong trường. 

Người rớt, họ không buồn vì lỡ cơ hội xét các danh hiệu mà buồn vì những người được ngồi làm giám khảo từ nhiều năm nay.
    
Có nhiều môn học mà không có cán bộ Phòng Giáo dục cùng chuyên môn. Khi đã không cùng chuyên môn thì làm sao chấm chuyên môn của người khác? 

Giám khảo có chuyên môn là Toán đi chấm sáng kiến kinh nghiệm môn Thể dục; giám khảo chuyên môn là Hóa đi chấm đề tài môn Văn, môn Sử… Ôi, cán bộ Phòng giỏi đến mức như vậy sao? 

Đi dự giờ khác chuyên môn còn nói là chấm …phương pháp. Chứ đi chấm đề sáng kiến kinh nghiệm thì chấm cái gì? Chẳng lẽ đi chấm lỗi chính tả, dò xem chữ nào sai thì trừ điểm!

Nghịch lí đến thế là cùng. Vậy mà họ có quyền chấm người này đậu, người kia rớt…..

Nay, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói sáng kiến kinh nghiệm không dùng để xét thi đua thì trân quí vô cùng. Sáng kiến kinh nghiệm đã cướp đi quyền lợi của rất nhiều giáo viên khác, bởi vì những qui định của Nghị định 56

Tuy nhiên, nếu chỉ nói không dùng sáng kiến kinh nghiệm để xét thi đua từ năm học sau mà vẫn lấy việc viết sáng kiến kinh nghiệm để đánh giá công chức, viên chức thì vẫn chẳng có tác dụng nhiều. 

Nên chăng, là một tư lệnh ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần tham mưu với Chính phủ về những bất cập của Nghị định 56 trong việc viết sáng kiến kinh nghiệm. 

Nếu không, việc viết sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên vẫn là việc bắt buộc hàng năm. 
     
Giáo viên chúng tôi đã chán sáng kiến kinh nghiệm lắm rồi. Chuyện đã tồn tại biết bao nhiêu năm nay và không biết đến bao giờ kết thúc?

Thanh An