Giáo viên nâng chuẩn học nhởn nhơ, giảng viên đào tạo hưởng bổng lộc

03/12/2017 07:43
Thuận Phương
(GDVN) - Điều cần thiết hơn cả là Bộ Giáo dục cần có kế sách thiết thực đổi mới hệ thống các trường sư phạm, đổi mới chương trình đào tạo, cách dạy và thu hút người tài

LTS: Với mong muốn giúp bạn đọc có thêm một góc nhìn mới về việc nâng cao trình độ giáo viên, là người trong cuộc, trong bài viết này cô giáo Thuận Phương đã có những chia sẻ xung quanh việc bồi dưỡng giáo viên ở nhiều địa phương trong cả nước.

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Trong hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục nhằm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vừa qua do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã có nhiều ý kiến đề xuất nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.

Cụ thể, Dự thảo sửa đổi bổ sung điểm a khoản 1 Điều 77 như sau: "Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên tiểu học".

Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc nâng chuẩn trình độ là phù hợp với xu thế hiện nay khi tại nhiều quốc gia đã yêu cầu Giáo viên tiểu học phải có trình độ thạc sĩ.

Ông đã đề xuất:

"Dự kiến, những người có trình độ trung cấp còn công tác từ 1-5 năm thì địa phương bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu, không yêu cầu đi đào tạo lại để có bằng cao đẳng.

Còn những người còn công tác trên 5 năm thì nâng chuẩn với các hình thức đào tạo linh hoạt và phù hợp".[1]

Nâng chuẩn trình độ cho giáo viên (Ảnh minh họa: laodong.vn).
Nâng chuẩn trình độ cho giáo viên (Ảnh minh họa: laodong.vn).

Chuyện bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ giáo viên đạt và vượt chuẩn thì địa phương tôi đã làm cách đây hơn chục năm về trước với nhiều hình thức như động viên giáo viên học đại học từ xa, tại chức, vừa học vừa làm...

Nhờ thế, giáo viên tiểu học nơi địa phương chúng tôi công tác hiện nay gần như 100% giáo viên đã có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Chuẩn hóa giáo viên lên trình độ cao đẳng, đại học

Đối tượng giáo viên được chuẩn hóa lên trình độ cao đẳng là những giáo viên có trình độ 12+1 và 9+3. Thời gian đào tạo là 2 năm nhưng thực chất là học mỗi năm 2 tháng hè.

Giáo viên dạy hệ cao đẳng là những thầy cô dạy tại trường cao đẳng sư phạm của tỉnh. Những giáo viên được đi học lớp chuẩn hóa cao đẳng không phải nộp học phí vì đã có ngân sách nhà nước chi trả.

Những giáo viên đi học hệ đại học từ xa, tại chức, vừa học vừa làm là những thầy cô có trình độ 12+2, 12+3. Thời gian học cũng 2 năm, mỗi năm 2 tháng hè.

Giáo viên theo học các hình thức này phải nộp học phí. Bởi theo quy định hiện hành những giáo viên này đã có trình độ đạt chuẩn. Ai muốn học trên chuẩn thì tự đăng kí và theo học.

Dù học với hình thức nào thì những loại hình đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên kiểu này cũng có khá nhiều điểm chung.

Học nhởn nha rồi ai cũng tốt nghiệp

Giáo viên chỉ cần học vài buổi là biết cách kiểm tra của giảng viên, lúc đó học viên thích thì đi học không thì thôi. Nói là học 2 tháng hè nhưng gom lại ngày thực học chắc cũng chẳng có là bao.

Có thầy cô thường xuyên điểm danh và không theo một quy luật nào cả nên học viên buộc phải có mặt đầy đủ. Có thầy cô cứ vào học đầu giờ là điểm danh nên một số học viên cứ đến lớp cho có mặt xong lại "chuồn".

Có giáo viên chẳng bao giờ điểm danh hoặc giao hẳn việc này cho lớp trưởng thích làm gì thì làm.

Giáo viên nâng chuẩn học nhởn nhơ, giảng viên đào tạo hưởng bổng lộc ảnh 2

Giáo viên tiểu học có bị loại ra khỏi ngành nếu không đạt chuẩn cao đẳng?

Học từ xa quản lý còn lỏng lẻo hơn nhiều nên một số thầy cô không cần đi học cho đến ngày thi tốt nghiệp.

Không phải giáo viên lười mà học nhởn nha.

Theo một số thầy cô “kiến thức học thiếu tính thực tế, ít phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy trên lớp”.

Cụ thể, giáo viên phải học Toán cao cấp.

Những dạng toán này, sinh viên chính quy học còn vật vã huống gì đến những thầy cô vốn chỉ có trình độ 12 +1, 12+2 thậm chí là 9+3 đã thôi học quá lâu.

Rồi những môn Triết học, Kinh tế chính trị…dài lòng thòng mà cũng vô cùng khó hiểu. Thế là ngồi nghe cứ như vịt nghe sấm nên mệt mỏi, chán nản cũng là điều dễ hiểu.

Ngày thi, đề thi hầu hết nằm trong đề cương giáo viên cho trước đó. Giám thị coi thi chỉ làm mỗi nhiệm vụ phát giấy thi, kí và thu bài thi của thí sinh còn làm bài kiểu gì họ cũng chẳng cần chú ý.

Với kiểu coi thi không thể nào dễ hơn thế nữa thì thầy cô tha hồ mà quay tài liệu, copy bài của nhau. Nhờ đó, khi công bố kết quả gần như 100% giáo viên đều vượt qua ải vũ môn.

Ai hưởng lợi từ những khóa bồi dưỡng thế này?

Trước hết là giáo viên, xong khóa học, người cầm được bằng cao đẳng, người có tấm bằng đại học.

Nhưng nếu hỏi “Bạn nâng cao được gì từ lần bồi dưỡng nâng chuẩn này?” Ngoài một số ít thầy cô học thật thì không ít giáo viên cũng chỉ biết cười trừ lảng sang chuyện khác.

Nhưng dù sao điều họ thu được lớn nhất là có tấm bằng chứng minh mình đã đạt hoặc vượt chuẩn theo quy định.

Nhà trường, Phòng Giáo dục sở tại cũng có thành tích ghi trong báo cáo hàng năm giáo viên được bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Không thể bỏ qua những lợi ích mà giảng viên các trường cao đẳng, đại học nhận được.

Một giảng viên bật mí: “Ở trường, thầy cô giáo nào cũng thích được đi dạy ở các tỉnh vì thù lao trả một tiết dạy cho giảng viên khá cao.

Một đợt đi dạy về, có giảng viên mang về vài ba chục triệu vì chỉ nhận không phải chi” (tiền sinh hoạt phí hàng ngày cũng được ban cán sự các lớp lo hết).

Ngoài số tiền giảng viên được trả theo quy định, còn có vô số bổng lộc khác như quà cáp từ các lớp học, phong bì, tiền bồi dưỡng…

Chuyện bồi dưỡng giáo viên lên chuẩn có cấp thiết trong giai đoạn hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cho rằng việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học là hoàn toàn phù hợp đồng thời là yếu tố then chốt để thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ nếu để trình độ trung cấp thì giáo viên tiểu học khó đáp ứng nhiệm vụ.

Giáo viên nâng chuẩn học nhởn nhơ, giảng viên đào tạo hưởng bổng lộc ảnh 3

Giáo dục - “bú tí” mãi bao giờ mới lớn?

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là đúng nhưng nâng cao bằng cách nào cho thật sự hiệu quả mới là chuyện khó.

Chứ động viên, rồi bắt buộc thầy cô đi học chuẩn hóa (từ xa, tại chức, vừa học vừa làm) như thời gian vừa qua, học nhởn nha rồi cũng có bằng, nghĩ cũng chẳng được gì.

Giáo viên vừa mất thời gian, vừa hao tốn tiền bạc mà ngân sách nhà nước cũng phải  mất đi một khoản tiền không hề nhỏ để trả công cho công tác tổ chức, cho tiền lương giảng viên, cho việc mua sắm tài liệu…

Chưa nói đến việc, trong thời điểm hiện nay, ngân sách nhà nước đang phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ cho việc thay sách, đổi mới chương trình.

Với học sinh tiểu học, kinh nghiệm thực tế cho thấy, kĩ năng đứng lớp của thầy cô mới quyết định đến chất lượng giáo dục.

Những giáo viên còn 5 năm công tác trở lên cũng đã có đủ kinh nghiệm giảng dạy và giáo dục học sinh. Thế nên chưa cần thiết phải gấp rút nâng chuẩn cho giáo viên lúc này.

Điều cần thiết và cấp bách hơn hết là Bộ Giáo dục cần phải có kế sách thiết thực đổi mới hệ thống các trường sư phạm, đổi mới chương trình đào tạo, cách dạy, có chính sách ưu đãi hấp dẫn để hút học sinh giỏi, học sinh xuất sắc đến với ngành sư phạm.

Đây mới chính là nòng cốt để xây dựng nên một nền giáo dục chất lượng và toàn diện.

Tài liệu tham khảo:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-vien-tieu-hoc-co-bi-loai-ra-khoi-nganh-neu-khong-dat-chuan-cao-dang-post181818.gd[1]

Thuận Phương