Giáo viên rất khó trao đổi với học sinh về vấn đề xâm hại tình dục

13/04/2017 09:12
Diệu Thuần
(GDVN) - Do ảnh hưởng về văn hóa và là một vấn đề nhạy cảm nên giữa giáo viên và học sinh rất khó trao đổi với nhau về xâm hại tình dục.

Đó là khẳng định của cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Trần Văn Ơn (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa giả định do trường và Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em thành phố tổ chức, chủ đề ''Xâm hại tình dục đối với trẻ em''.

Phiên tòa thu hút sự quan tâm của hàng ngàn phụ huynh và học sinh của trường. Đặc biệt, có những câu hỏi của các nữ sinh đưa ra làm các thầy cô và các luật sư vô cùng bất ngờ.

Cha mẹ đừng vô tâm với con

Phiên tòa lấy tình huống giả định là chị Nguyễn Thị Tuyết và anh Ngô Văn Đại là bạn thân. Con gái chị Tuyết là bé Huỳnh Bảo Ngọc (sinh ngày 10/1/2004).

Ngày 24/9/2016, Đại xin phép chị Tuyết để được đứa bé Ngọc đi chơi. Được đồng ý, Đại đưa con gái bạn đến quán nhậu chơi đến 23 giờ cùng ngày mới về.

Vì đã khuya nên Đại chở bé Ngọc về nhạ mình luôn. Tại đây, Đại ngủ chung với bé Ngọc, rồi dùng tay sờ khắp người cô bé.

Rất nhiều học sinh nữ đặt câu hỏi liên quan đến vấn để xâm hại tình dục với trẻ em khiến các thầy cô bất ngờ - ảnh: T.A
Rất nhiều học sinh nữ đặt câu hỏi liên quan đến vấn để xâm hại tình dục với trẻ em khiến các thầy cô bất ngờ - ảnh: T.A

Sau đó, bé Ngọc mang chuyện kể với mẹ. Bức xúc, chị Tuyết báo công an.
Đại bị viện kiểm sát truy tố Đại tội ''dâm ô với trẻ em''. Hội đồng xét xử nhận định rằng, hành vi của Đại rất nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em gái, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an nên cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, giáo dục bản thân bị can.

Tòa tuyên bị cáo 2 năm 6 tháng tù. Đồng thời, yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho bị hại 30 triệu đồng.

Luật sư Trần Thị Hồng Việt (chủ tọa phiên tòa) nhận định rằng, hiện nay, có rất nhiều phụ huynh thiếu cảnh giác và quan tâm đến con như trường hợp của chị Tuyết. Chính vì thế, tình huống được đưa ra trong phiên tòa rất dễ gặp trong đời sống hằng ngày. 

''Hành vi của bị cáo rất đáng bị lên án và xử nghiêm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhắc đến trách nhiệm của chị Tuyết nữa. 

Con gái còn nhỏ đi chơi và qua đêm với người khác giới mà chị ấy chẳng lo lắng hay hỏi han gì là quá vô tâm. Chính sự dễ dãi ấy của chị Tuyết đã vô tình đưa bé Ngọc trở thành nạn nhân của vụ án'', luật sư Vân nói.

Các nữ sinh mạnh dạn đặt câu hỏi

Đã có rất nhiều cầu hỏi của các bạn học sinh nữ giành cho Hội đồng xét xử khi phiên tòa kết thúc. Em Nguyễn Lê Khanh, học sinh lớp 9A2 hỏi: ''Nếu cả nạn nhân và người phạm tội dâm ô đều nhỏ tuổi thì sẽ xử lý thế nào?”. 

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, người đã thành niên có hành vi dâm ô với trẻ em mới bị tội dâm ô, còn người chưa thành niên không bị kết tội nhưng sẽ có những biện pháp giáo dục, giáo dưỡng đối với người đó.

Câu hỏi của Lê Thế Hưng, học sinh lớp 9A2 thì: ''Tình huống xâm hại tình dục với trẻ em xảy ra nhưng nếu nạn nhân tự nguyện thì có bị phạm tội không?”. Một học sinh khác hỏi rằng: ''Nếu người xâm hại và người bị xâm hại cùng huyết thống thì sẽ bị xử lý thế nào?''.

Theo luật sư Hòa, Bộ luật hình sự đã quy định rất rõ trong các vụ dâm ô hay xâm hại tình dục với trẻ em, nạn nhân dù tự nguyện hay không cũng bị xử lý nghiêm như nhau. Đối với trường hợp người cùng huyết thống thì luật không quy định rõ trongtội dâm ô trẻ em. Tội giao cấu là một vấn đề khác.

Nữ học sinh khác thắc mắc: ''Nắm tay và ôm hơn nhau có bị coi là xâm hại tình dục không?''. Luật sư Hòa khẳng định: ''Chắc chắn đó không phải là hành vi xâm hại tình dục. 

Tuy nhiên, từ cái nắm tay, hôn nhau có thể dẫn tới chuyện xâm hại tình dục thì còn tùy ở mức độ như thế nào''.

Bà Hòa nhắc học sinh: "Các em phải biết như thế nào là tình thương yêu, như thế nào là lợi dụng tình thương yêu để xâm hại tình dục.

Đừng vì một sự giận dỗi hay buồn chán nào đó mà bỏ gia đình sống lang thang. Vì, khi đã đi lang thang, các em có nguy cơ bị xâm hại rất lớn, kẻ cả em trai hay em gái. Hậu quả cũng vô cùng lớn nếu các em sống buông thả, không biết tự bảo vệ mình''.

Luật sư Hòa cho biết, bà rất bất ngờ với những câu hỏi của các nữ sinh đưa ra.

Giáo viên khó trao đổi với học sinh

Bàn về vấn đề trên, cô An cho rằng, đây là lần đầu tiên trường tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề nhạy cảm - Xâm hại tình dục với trẻ em. ''Lúc đầu tôi nghĩ, học sinh sẽ rất ngần ngại khi hỏi luật sư.

Tôi không ngờ rằng, học sinh lại rất hào hứng và chú ý theo dõi phiên tòa cũng như đặt nhiều câu hỏi chính xác, có chiều sâu'', cô An nói.

Cô cũng cho rằng, phiên tòa đã cũng cấp rất nhiều kiến thức, thông tin về giới tính và pháp luật cho học sinh. Qua đó, giúp học sinh biết cách tự bảo vệ mình trước những cạn bẫy.

Cô khuyên các học sinh hãy biết giữ khoảng cách trong tình bạn, tình yêu ở tuổi học trò để bảo vệ mình. Làm được điều đó sẽ tránh được các trường hợp học sinh thì quá nhỏ mà đã vi phạm pháp luật về chuyện nhạy cảm vì thiếu hiểu biết về giới tính.

Theo cô An, trước đây, trường đã tổ chức các chuyên đề để giáo dục giới tính và kỹ năng tự bảo vệ mình cho học sinh. Tuy nhiên, vấn đề xâm hại tình dục là chủ đề đầu tiên trường kết hợp tổ chức.

''Xâm hại tình dục là chủ đề rất khó đối với cả giáo viên và học sinh. Hiện nay, do ảnh hưởng về văn hóa và là một vấn đề nhạy cảm nên giáo viên rất khó để trao đổi với học sinh'', cô An nói.

Cô An kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa chương trình giáo dục giới tính, xâm hại tình dục, dâm ô... vào sách giáo khoa, để trang bị cho học sinh kiến thức và học cách tự bảo vệ mình. Bởi hiện nay, chương trình học trong sách giáo khoa chưa bắt nhịp với những vấn đề phức tạp của xã hội.

Diệu Thuần