Giáo viên sợ bị điều lên làm cán bộ phòng, sở giáo dục

11/12/2017 09:53
Tấn Tài
(GDVN) - Nhiều giáo viên sợ bị điều động về làm cán bộ quản lý tại các phòng, sở giáo dục vì không còn được hưởng ưu đãi nghề nghiệp, thâm niên như nhà giáo.

Ngày 8/12, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo "góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục".

Tham dự hội thảo có lãnh đạo, đại diện các sở giáo dục của 10 tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Phú Yên cùng các giáo viên, hiệu trưởng một số trường ở khu vực miền trung.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ các quan điểm về những vấn đề nóng trong luật giáo dục hiện nay như:

nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học từ Trung cấp lên Cao đẳng, miễn học phí ở bậc học trung học cơ sở, lương nhà giáo.

Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với dự thảo Luật lần này và mong muốn quốc hội sớm thông qua để đi vào triển khai.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật có 120 điều, sửa đổi 29 điều và các đại biểu cho ý kiến về 29 điều sửa đổi này, bởi đây là những điều căn cốt.

Lên chức nhưng giảm lương, giảm phụ cấp

Ông Hoàng Bá Thiềm - Trưởng phòng giáo dục thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) nêu lên một thực tế là nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo các phòng và sở giáo dục đào tạo đang chịu nhiều thiệt thòi về chế độ lương, phụ cấp, bình xét danh hiệu...

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến để điều chỉnh dự thảo Luật cho phù hợp. Ảnh: TT
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến để điều chỉnh dự thảo Luật cho phù hợp. Ảnh: TT

Bởi theo Luật Giáo dục thì những người này chưa được công nhận là nhà giáo nên không được hưởng ưu đãi nghề nghiệp, thâm niên như nhà giáo.

Cũng theo ông Thiềm, trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục lần này cũng không đề cập đến vấn đề này.

"Chúng tôi vốn dĩ là giáo viên lâu năm rồi được điều động lên phòng, lên sở, rồi ra Bộ... Lên đó rồi thì có được hưởng chế độ như nhà giáo không?

Chúng tôi mấy chục năm đi dạy, thiệt thòi nhiều rồi, giờ về Phòng giáo dục làm quản lý, sao lại cắt hết thâm niên, phụ cấp".

Ông Thiềm dẫn ra một câu chuyện có thực về một phó trưởng phòng giáo dục của một huyện sắp về hưu đã than phiền rằng:

"Nếu kiếp sau em cũng chỉ làm giáo viên thôi. Chứ còn mức lương của cán bộ phòng, sở giáo dục thấp quá mà công việc thì nhiều, vất vả hơn".

Giáo viên sợ bị điều lên làm cán bộ phòng, sở giáo dục ảnh 2Tăng lương giáo viên, miễn học phí thành điểm nóng góp ý sửa Luật Giáo dục

Ông Thiềm cho hay, nên xem xét đưa vào Luật giáo dục nội dung: những người đã từng là nhà giáo khi về làm việc tại phòng, sở giáo dục thì được hưởng chế độ như nhà giáo.

Bởi nếu không làm như vậy thì các phòng, sở giáo dục rất khó để tuyển người. Không ai về làm việc mà chế độ đãi ngộ bị cắt hết như vậy cả.

Đồng quan điểm trên, ông Ngô Quang Hưng - Phó giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên phân tích, các đồng chí làm việc ở phòng, sở giáo dục các địa phương không chỉ thiệt thòi về lương, công việc mà còn thiệt thòi về việc bầu chọn các danh hiệu.

"Nếu anh làm cán bộ quản lý thì không nằm trong diện xét danh hiệu nhà giáo ưu tú. Dù trước đó, anh đã nhiều năm giảng dạy tốt, được điều đồng về làm quản lý.

Đây là một bất cập và nên chăng, chúng ta nên mở rộng cái định nghĩa Nhà giáo", ông Hưng nói.

Dù đã có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề này nhưng trong dự thảo luật lần này vẫn không được đưa vào.

Do đó, ông Hưng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích rõ vì sao lại không đưa vào dự thảo luật, có vướng chỗ nào không, gặp trục trặc chỗ nào?

Lương nhà giáo phải đủ nuôi sống gia đình

Về vấn đề lương cho giáo viên, ông Hà Thanh Quốc - giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, chế độ nhà giáo mới nghe thì mừng nhưng tính khả thi sẽ đến đâu?

ông Hà Thanh Quốc - giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, lương nhà giáo phải điều chỉnh để đủ nuôi sống gia đình. Ảnh: TT
ông Hà Thanh Quốc - giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, lương nhà giáo phải điều chỉnh để đủ nuôi sống gia đình. Ảnh: TT

"Ai ở miền Nam trước chiến tranh (trước năm 1975) đều biết mức lương giáo viên có thể nuôi cả gia đình.

Lương cao như vậy thì mới tuyển được người giỏi, có đủ tâm và tầm. Chỉ cần một người làm nghề giáo là nuôi đủ cả gia đình.

Nếu lần này điều chỉnh được mức lương thì Bộ trưởng sẽ là người nổi tiếng", ông Quốc nói.

Giáo viên sợ bị điều lên làm cán bộ phòng, sở giáo dục ảnh 4Học sinh giỏi không học sư phạm, có phải chỉ vì lương giáo viên quá thấp?

Cũng theo ông Quốc, tại Quảng Nam đã khuyến khích các em học giỏi nên chọn ngành sư phạm với một lời hứa: "nếu học giỏi ra trường về gặp tôi sẽ nhận".

Theo lời ông Quốc thì có em đã đỗ vào Đại học Bách Khoa rồi nhưng vẫn chọn con đường về học sư phạm.

Hiện ông đã có trong tay danh sách 12 em học giỏi như thế và sau này sẽ về địa phương giảng dạy.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ cho hay, việc nâng lương cho giáo viên là mong muốn cuả Đảng Nhà nước từ năm 1996 đến nay.

Nếu được Quốc hội thông qua lần này thì sẽ góp phần nâng cao đời sống giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục.

"Riêng đối với chế độ đối cho cán bộ quản lý giáo dục, khi xây dựng chế độ thâm niên với nhà giáo cũng đã đặt ra vấn đề này.

Cho nên điều giáo viên từ trường lên phòng, sở giáo dục công tác thì vẫn bảo lưu 3 năm ngạch bậc (hưởng phụ cấp). Bộ sẽ tiếp thu và điều chỉnh cho phù hợp hơn", ông Độ nói.

Tấn Tài