Gợi ý giải đề môn ngữ Văn của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia

22/06/2017 13:26
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Gợi ý giải đề và thang điểm của môn Ngữ văn trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia diễn ra vào sáng nay (22/6).

Đề thi quốc gia môn Ngữ văn năm 2017 diễn ra vào sáng 22/6, được ra theo cấu trúc gồm 2 phần: phần Đọc hiểu (3 điểm) ra một văn bản nghị luận và 4 câu hỏi; phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: câu Nghị luận xã hội (2 điểm) và câu Nghị luận văn học (5 điểm)

Đề thi môn Ngữ Văn của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017. (Ảnh: Nguyễn Văn Lự)
Đề thi môn Ngữ Văn của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017. (Ảnh: Nguyễn Văn Lự)

Dưới đây là gợi ý giải đề và thang điểm của môn Ngữ văn trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia diễn ra vào sáng nay (22/6). 

PHẦN I: GỢI Ý GIẢI ĐỀ MÔN NGỮ VĂN

A. YÊU CẦU CHUNG

- Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

- Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

B. YÊU CẦU CỤ THỂ

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu ( 3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận. (Trả lời đúng (0,5 điểm); trả lời nhiều phương thức không cho điểm).

Câu 2: Thí sinh có thể nêu: thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ; thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. (Mỗi ý: 0,25 điểm).

Câu 3: Thí sinh viết về thấu cảm của các hành vi theo những cách khác nhau. 

Cần làm rõ: đứa trẻ ba tuổi chìa con gấu bông…là chia sẻ và muốn đứa bé sơ sinh vui lên; cô gái chia sẻ khi hiểu nỗi cực nhọc của bạn, khó khăn, đau khổ của bạn trên giường bệnh; cậu bé Bồ Đào Nha chia sẻ, hiểu nỗi buồn và an ủi một người hâm mộ cao to gấp rưỡi đang khóc khi đội Pháp thất bại, sau đó mới ăn mừng…
(nêu được ý hoặc hiểu ý, diễn đạt rõ ý (1,0 điểm); nếu tỏ ra hiểu và viết được ý (0,5 điểm).

Câu 4: Thí sinh có những cách hiểu khác nhau. Cần làm rõ các ý cơ bản:

Đồng tình với ý kiến: Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm: Ta hiểu người, thấu cảm họ sẽ khơi dậy những xúc cảm, tình cảm và ý nghĩa, hành động chia sẻ và cảm thông; sẽ suy nghĩ và hành động đúng.
(nêu cơ bản nội dung (1,0 điểm); nếu tỏ ra hiểu ý và diễn đạt được (0,5 điểm).

Giám khảo cân nhắc cho điểm, hiểu ý nhưng diễn đạt hạn chế (0,75 điểm).

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

Câu 1 (2,0 điểm)

* Yêu cầu chung:

Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về đoạn văn nghị luận xã hội để viết đoạn khoảng 200 chữ, tương đương nửa trang giấy thi. Đoạn văn viết có cảm xúc; diễn đạt dễ hiểu, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (0,5 điểm)

- Điểm 0,5 điểm: Đoạn văn đầy đủ phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Câu mở đoạn nêu được đúng chủ đề; phần thân đoạn, các câu văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; câu kết đoạn nêu được ý khái quát về vấn đề. 

- Điểm 0,25: Viết được đoạn văn nhưng chưa đảm bảo mạch lạc, chính xác về bố cục ba phần. 

- Điểm 0: Không biết viết đoạn văn hoặc quá ngắn, sơ sài vài câu. 

b) Nêu đúng vấn đề (1,25 điểm)

Suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Yêu cầu thí sinh diễn đạt cụ thể nội dung trả lời của câu hỏi 2 phần đọc hiểu.

Thí sinh có thể viết theo cách trình bày đoạn văn khác nhau nhưng cần làm rõ các gợi ý sau: Thấu cảm là chia sẻ và cảm thông sâu sắc với người xung quanh, người gần gũi và thân thiết. Thấu cảm giúp chúng ta rất nhiều: xóa hận thù, xóa phân biệt, xóa khoảng cách giữa chúng ta. Thấu cảm còn mang lại nhiều thân thiện, giúp đỡ và ân nghĩa, ân tình. Thấu cảm còn làm chúng ta sống bình yên và hạnh phúc trong sự hiểu biết và sẻ chia...

- Điểm 1,25 : Cơ bản đáp ứng được các nội dung; diễn đạt rõ ràng; liên kết câu chặt chẽ. 

- Điểm 0,75: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các nội dung; diễn đạt, liên kết câu còn lúng túng.

- Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các nội dung trên; có thể còn lỗi câu và dùng từ, chính tả.

- Điểm 0: hiểu sai lạc nội dung hoặc không viết được đoạn văn. 

c) Sáng tạo (0,25 điểm) 

- Điểm 0,25: cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu  tố biểu  cảm,…); thể hiện được cảm xúc chân thành và sâu sắc về nội dung.

- Điểm 0: cách diễn đạt lan man; mắc nhiều lỗi dùng từ, dựng câu; chữ viết cẩu thả hoặc sai chính tả nhiều. 

Câu 2 (5,0 điểm)

* Yêu cầu chung:

Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học (0,5 điểm) 

- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. 

- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần mở bài, thân bài, kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần thân bài chỉ có 1 đoạn văn. 

- Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. 

b) Về kĩ năng:

Có kĩ năng phân tích, cảm nhận thơ. Từ đó biết cách viết một bài nghị luận văn học có kết cấu đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc. Bài viết cần có những đánh giá, bình luận sắc sảo, diễn đạt biểu cảm.

c) Về kiến thức:

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm và đoạn trích trong đề bài. 
 
- Cảm hứng về đất nước và con người qua đoạn thơ: Đất nước hào hùng, tươi đẹp và giản dị, gần gũi, giàu truyền thống…

* Cảm nhận về đất nước trong đoạn thơ trích Đất Nước 

- Về nội dung:

Đất Nước thật bình dị, gần gũi mà thiêng liêng trong cuộc sống đời thường, rất đỗi cụ thể và gợi cảm xúc thân thương, hấp dẫn của lứa tuổi trẻ gắn với tình bạn học trò, tình yêu trong sáng, hồn nhiên và mơ mộng. (nơi anh đến trường, nơi em tắm, nơi hò hẹn, nơi đánh rơi chiếc khăn..).

Đất Nước thật vĩ đại, thật đáng tự hào với những trầm tích lịch sử, địa lý, văn hóa về vật chất và tinh thần được lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ nối tiếp nhau: nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước, ngôn ngữ văn hóa – tiếng Việt, dẫn thủy nhập điền phát triển nông nghiệp… Đó là Đất Nước của nhân dân kết tinh công sức, trí tuệ, tâm huyết của bao thế hệ người Việt trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

- Về nghệ thuật:

Cách sử dụng điệp từ (Đất Nước), điệp cấu trúc (Đất Nước là nơi…); những động từ diễn tả cuộc sống sinh hoạt đời thường: đến trường, tắm, hò hẹn, đánh rơi bay về, về ở … chất chính luận và trữ tình và âm điệu câu thơ, điệu nói có tính chân thực và khái quát về suy nghĩ và hành động của đồng bào cùng chung nguồn gốc (những ai đã khuất, những ai bây giờ, yêu nhau và sinh con đẻ cái…cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ).

- Cảm hứng về đất nước lắng đọng ở chiều sâu văn hóa với những giá trị văn hóa truyền thống bền vững được khái quát một cách sâu sắc gợi những suy tư về cuộc sống hiện tại, quá khứ lịch sử và cội nguồn văn hóa, văn hiến truyền thống.

- Thể thơ tự do với nhịp điệu linh hoạt trong biểu đạt những cảm xúc, cách sử dụng điệp từ, điệp cấu trúc, hàng loạt động từ,… giọng điệu tâm tình dễ đi vào lòng người,…thể hiện rõ nét phong cách trữ tình – chính luận của thơ Nguyễn Khoa Điềm.
 
* Bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm tuy được viết trong chiến tranh ác liệt ở Bình Trị Thiên 1974, thời chống Mỹ cứu nước. 

Cảm hứng ca ngợi và tự hào về đất nước và nhân dân, giàu tính chính luận của nhà thơ hiện đại trưởng thành trong những năm tháng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.  

Chương V của trường ca Mặt đường khát vọng và đoạn thơ trong đề bài có một đóng góp riêng đặc sắc thể hiện cái nhìn mới mẻ, gắn với lịch sử, văn hóa dân gian, địa lí và cuộc sống của các tác giả về đất nước tạo nên chất trữ tình chính luận rất lãng mạn, hấp dẫn, phù hợp với đối tượng thanh niên vùng tạm chiếm trong âm hưởng của câu chuyện tình yêu lứa đôi anh và em của thơ ca cách mạng hiện đại, trẻ trung, mới lạ.

Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. 

- Điểm 3,5: Đáp ứng được các yêu cầu, có thể còn một vài lỗi nhỏ.

 - Điểm 3,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, có thể còn một vài lỗi diễn đạt, dùng từ.

 - Điểm 2,0: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu, hiểu đoạn thơ nhưng còn hạn chế về kỹ năng. 

- Điểm 1,0: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu, chưa hiểu hoặc diễn đạt lan man ý thơ. 

- Điểm 0,25: Bài hiểu sai hoặc suy diễn tùy ý hoặc chỉ viết một đoạn văn. 

- Điểm 0: Không làm hoặc làm sai lạc đề bài. 

d) Sáng tạo (0,5 điểm) 

- Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.  

- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 

- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm) 

- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 

- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 

- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 

Lưu ý:
Giám khảo cân nhắc cho điểm phù hợp để nắm chất lượng học sinh thực tế. Không vận dụng như chấm thi chính thức.

PHẦN III: NHẬN XÉT VỀ ĐỀ THI

Đề thi Ngữ văn  trung học phổ thông quốc gia năm 2017, cơ bản phù hợp với đối tượng học sinh lớp 12, giải tỏa được băn khoăn lớn của thầy trò và phụ huynh. Không có việc mỗi thí sinh một mã đề riêng, nên các trò cũng yên tâm hơn rất nhiều vì Bộ Giáo dục không nói trước môn Ngữ văn chỉ có một đề bài chung cho mọi thí sinh. 

Đề thi theo cấu trúc đã công bố và rất truyền thống ở câu nghị luận văn học. Phần đọc hiểu thí sinh dễ dàng làm được câu 1 và 2 (dựa luôn vào ngữ liệu thấu cảm là.. là..); câu 3, 4 đòi hỏi thí  sinh hiểu đúng và làm sao để diễn đạt thành đoạn văn 5-6 dòng trở lên để lấy mỗi câu 1,0 điểm. Đó là tính phân hóa của câu hỏi đọc hiểu. Nếu nêu ý ra một hai dòng thì có thể chỉ đạt 0,25 điểm cho câu 3 và câu 4.

Câu viết đoạn văn 200 chữ cũng không khó. Đa số thí sinh sẽ hiểu được ý nghĩa lớn và thiết thức về sự thấu cảm trong cuộc sống. Nếu giám khảo chấm chặt tay, nghĩa là coi trọng hành văn và câu từ, chính tả thì thí sinh chỉ được 1,0 điểm là nhiều. Những bài khá giỏi có thể viết dài hơn và thuyết phục hơn có thể đạt tối đa 2,0 điểm dành cho tuyển sinh khối xã hội.

Câu nghị luận văn học 5 điểm: đề bài hỏi đoạn thơ tiêu biểu của chương V, không khó với nhiều học sinh. Cách biểu đạt của tác giả và cách giảng của thầy cô cũng giúp thí sinh nêu được ý chính. Nhiều em thuộc lòng hoặc sử dụng tài liệu (nếu coi thi không nghiêm?!) sẽ làm tốt câu này. Ý 2 của câu hỏi muốn thí sinh bình luận quan niệm về Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm cũng chỉ là sự phát triển thêm phần đánh giá khi phân tích đoạn thơ này, bài thơ này.

Điều khác biệt bài điểm khá giỏi là thí sinh học để thi đại học môn Ngữ văn sẽ có nhiều cơ hội thể hiện ngôn từ và biểu đạt hiểu biết hơn. Đề Văn kiểu này nhắm đến số đông, thi để tốt nghiệp hơn là chọn những thí sinh xuất sắc cho ngành Ngữ văn của đại học.

Đó cũng chính là hạn chế của đề Ngữ văn trong cuộc thi “hai trong một” hiện nay.
Chúng ta, bao giờ mới có thể mang đến cho thí sinh, những tú tài hiện đại, nghị bàn về một đề văn mở, tự do và sáng tạo?

Nguyễn Văn Lự