Góp ý cho Luật Báo chí, Bộ TT&TT tổ chức hội thảo, công khai trên mạng

22/05/2015 07:54
ĐỨC MINH
(GDVN) - Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì soạn thảo Luật Báo chí trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015 để thông qua vào kỳ họp tháng 3/2016.

Thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì xây dựng Luật Báo chí thay thế Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015, sáng 21/5 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí.

Đến dự có ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cùng đại diện của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đại diện tổ chức chính trị xã hội, các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo sở TT&TT một số tỉnh phía Bắc, và một số cơ quan báo chí...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: Bộ TT&TT được giao chủ trì soạn thảo Luật Báo chí trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015 để thông qua vào kỳ họp tháng 3/2016.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Qua tổng  kết 15 năm thi hành và  xu hướng phát triển của báo chí trong thời gian tới, việc xây dựng Luật Báo chí lần này cần đáp ứng các yêu cầu: Luật Báo chí phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng pháp luật, phục vụ có hiệu quả công cuộc công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Minh
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Tại Hội thảo, các đai biểu tập trung trao đổi, thảo luận về: Phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí; cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí; tiêu chuẩn của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí; giải thích từ ngữ, khái niệm; Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí; thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí...

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) bao gồm 6 chương, 58 điều. Trong đó có 35 điều mới và 23 điều có sửa đổi, bổ sung so với Luật Báo chí hiện hành. Khi Luật Báo chí (sửa đổi) được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí.

Ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đồng tình với việc xây dựng dự thảo Luật Báo chí là cần thiết, đồng thời đề nghị không quy định Tổng Biên tập cơ quan báo chí phải có bằng đại học chuyên ngành báo chí, vì thực tế nhiều Tổng Biên tập hiện nay không học báo chí, vì vậy chỉ nên quy định là có trình độ đại học.

Đặc biệt là cần xem xét hoạt động tác nghiệp của nhà báo có được coi là thi hành công vụ không nhằm bảo vệ quyền lợi cho người làm báo…

Đại diện cho Thông tấn xã Việt Nam cũng đã nêu kiến nghị liên quan tới quy định về loại hình báo chí. Theo đó, bản tin thông tấn trước là báo in, nhưng giờ đang chuyển dần sang phát tin online. Bởi vậy, không nên đưa loại hình thông tấn này vào báo chí in.

Luật Báo chí nên bổ sung quy định về các trường hợp phải cải chính trên báo chí, trong đó có trường hợp thông tin gây hiểu lầm. Trường hợp này hiện đang phổ biến không kém thông tin sai sự thật, cũng gây tổn hại nhiều về uy tín, danh dự, kinh tế cho đối tượng bị ảnh hưởng.

Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa ra một loạt kiến nghị, đề xuất. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất quy định rõ hơn khái niệm về liên kết, cụ thể liên kết là cùng hợp tác sản xuất và phân chia lợi nhuận. Bổ sung hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan và các quy định khác của Luật Sở hữu trí tuệ.

Một số đại diện của các sở TT&TT như Quảng Trị, Thanh Hóa, Bắc Giang cũng đã chia sẻ những ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Báo chí.

Trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý chặt chẽ hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương.

Một số tờ báo của địa phương này thì không nên đặt văn phòng đại diện ở các địa phương khác mà chỉ nên tập trung phản ánh hoạt động tại địa phương mình, theo đúng tôn chỉ, mục đích của báo.

Đại diện Báo Giao thông vận tải cho rằng việc quy định phóng viên thường trú phải có thẻ nhà báo như vậy sẽ hạn chế cơ hội làm báo của các bạn trẻ.

Nếu phóng viên thường trú hoạt động độc lập tại địa phương khi chưa lập Văn phòng thường trú thì bắt buộc phải có thẻ nhà báo, còn nếu phóng viên thuộc Văn phòng đại diện thì có nhất thiết phải có thẻ nhà báo không cũng cần được quy định rõ trong luật…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, tiêu chuẩn đầu tiên đối với phóng viên thường trú là phải có thẻ nhà báo, bởi thực tế lâu nay có tình trạng nhiều cơ quan báo chí tuyển người không đủ tiêu chuẩn hoặc cử người chưa có thẻ nhà báo làm phóng viên thường trú.

Nhiều người trong số này đã lợi dụng danh nghĩa báo chí gây phiền phức, quấy nhiễu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương...

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định: "Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm. Ban soạn thảo, Tổ Biên tập sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý. Qua Hội thảo đã thấy có nhiều nội dung mới, phải suy nghĩ, sửa chữa.

Sau Hội thảo lần này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo Góp ý xây dựng Luật Báo chí tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 28/5/2015 tới.

Dự thảo Luật Báo chí đã được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông để xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tổ chức, cá nhân.

ĐỨC MINH