Hà Nội có còn là “Tràng An thanh lịch”?

05/01/2019 06:50
Xuân Dương
(GDVN) - Nếu câu chuyện đón năm mới dương lịch 2018 và 2019 lặp lại ở khu vực Hồ Gươm, người dân cả nước sẽ nghĩ gì về thủ đô “ngàn năm văn hiến”?

Còn một tháng nữa, người Việt sẽ đón giao thừa năm Kỷ Hợi, nếu câu chuyện đón năm mới dương lịch 2018 và 2019 lặp lại ở khu vực Hồ Gươm, người dân cả nước sẽ nghĩ gì về thủ đô “ngàn năm văn hiến”?

Viết mấy dòng này, vừa là nỗi bức xúc của một người dân Kẻ Chợ, vừa muốn gửi đến ông Bí thư Thành ủy, ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Có một câu không thể không nói, liệu có nên đưa ra lời khuyên với người Hà Nội, rằng hãy ngừng một chút chuyện ca ngợi tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2018, cao nhất 3 năm gần đây (7,37%), hay là tạm gác sang bên những dự báo sáng sủa về kinh tế thủ đô năm 2019 mà chuẩn bị tinh thần đón “sự bùng nổ văn hóa” của một bộ phận không hề nhỏ người Hà Nội – và có thể cả du khách thập phương – trong dịp đón giao thừa năm Kỷ Hợi. 

Rộng ra một chút, hãy lường trước những gì có thể xảy ra khi người Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh - hai trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng nhất, lớn nhất cả nước - đón năm mới âm lịch 2019 như thế nào.

Người Kẻ Chợ xưa tự hào về mảnh đất kinh kỳ với câu thơ:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

“Không thanh lịch” vẫn là người Tràng An là nói về Tràng An xưa chứ không phải những người Hà Nội đón năm mới 2019 bằng cách biến vườn hoa khu vực Hồ Gươm thành bãi rác.

Vườn hoa Hồ Gươm sau đêm 1/1/2019 (ảnh Vietnamnet.vn)
Vườn hoa Hồ Gươm sau đêm 1/1/2019 (ảnh Vietnamnet.vn)

Lời bài hát “Hà Nội – Niềm tin và hy vọng”, của tác giả Phan Nhân có câu:

“Mặt hồ gươm vẫn lung linh mây trời,

Càng toả ngát hương thơm hoa Thủ đô”.

Có lẽ tác giả không nghĩ đến có ngày một bộ phận rất không nhỏ người Hà Nội đã không ngại ngần nghiền nát “hương thơm hoa Thủ đô”dưới gót chân mình, họ sĩ diện với những thứ “thời thượng” được coi là “văn hóa” đang khoác trên mình, những bộ trang phục hợp mốt, những đôi giày đắt tiền chứ không phải tự hào bởi truyền thống dung dị, thanh lịch người xưa để lại.

Liệu có thể khẳng định, rằng đa số người Hà Nội ngày nay văn minh, lịch sự hơn ngày xưa, đặc biệt là cán bộ, công chức và giới trẻ?

Hà Nội có còn là “Tràng An thanh lịch”? ảnh 2Hà Nội những năm 2000 - lời khen và … “Thiên lý trường gậy”

Phải mất hàng tháng nhân viên Công ty cây xanh Hà Nội mới tạo được những thảm hoa lung linh màu sắc xung quanh Hồ Gươm, sao nhiều người lại “vô tư” dẫm nát thành quả lao động của người khác như vậy?

Để chống lại nhiều hành vi kém văn minh của những người xả rác trên phố, phá hoại vườn hoa, xin kiến nghị thành phố nên thực hiện các biện pháp sau:

- Tăng cường tuyên truyền ý thức người dân thủ đô tham gia các hoạt động ngoài trời vào các dịp lễ tết, đặc biệt là ở những khu vực tâm linh như đình, chùa, Hồ Gươm,…

- Tăng thêm camera giám sát các khu vực vui chơi giải trí công cộng.

- Quy định hình thức xử phạt là lao động công ích tại những nơi công cộng với những người xả rác bừa bãi.

- Sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt (FindFace) kết hợp với tàng thư của ngành Công an, sau khi đối chiếu tìm ra người vi phạm phải phạt thật nặng, riêng với các cháu thiếu niên, vị thành niên, phạt những cha mẹ không biết bảo ban con cái đi theo.

Về phần mềm nhận diện khuôn mặt, có rất nhiều sản phẩm của nước ngoài, chẳng hạn phần mềm của NTechLab của Nga, nhóm thiết kế đã thử nghiệm nhận diện tới 20 triệu khuôn mặt. 

Trước 500.000 hình ảnh của hơn 20.000 người dùng, công nghệ của NTechLab có tỷ lệ thành công là khoảng 73%, cao hơn so với Google tỷ lệ thành công là 70%. [1]

Hà Nội có còn là “Tràng An thanh lịch”? ảnh 3Hà Nội - “Sáng kiến vặt” và những chuyện không vặt

Tại Việt Nam hệ thống nhận dạng khuôn mặt BKFace do nhóm sinh viên đại học Bách Khoa Hà Nội, đại học Ngoại Thương và đại học Kinh tế quốc dân thực hiện đã đạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2017”

Theo các tác giả, khả năng nhận dạng khuôn mặt lên tới 96%, khả năng nhận diện cảm xúc là 73%.

Đặc biệt khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài (NEC Corp,...) sản phẩm BKFace có chi phí rẻ hơn từ 25%-30% so với các sản phẩm cùng tính năng. [2]

Chúng ta nói quá nhiều chuyện giáo dục ý thức, nhưng đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi dịp lễ hội là đường phố lại biến thành bãi rác.

Vì sao thành phố chưa thể loại bỏ hành vi (hay thói quen?) xấu xí này?

Chưa có thiết bị giám sát, không đủ người theo dõi hay thiếu chế tài xử lý?

Xin trích dẫn Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Mục c, d khoản 2 điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường;

d) Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

Như vậy, hành vi xả rác trên vỉa hè, lòng đường là hành vi vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung và chế tài xử lý hành vi này là xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. 

Cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải khôi phục lại tình trạng như ban đầu đối với hành vi này.

Hành vi dẫm nát vườn hoa nơi công cộng bị xử lý thế nào?

Khoản 2 điều 53 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về “Vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa” quy định:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ”.

Như vậy không thể nói không có chế tài xử lý mà chỉ có thể do chính quyền thủ đô chưa quyết tâm loại bỏ những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng.

Trang bị hệ thống camera theo dõi và phần mềm nhận diện khuôn mặt có thể tốn một ít kinh phí, đổi lại có những cái lợi không thể tính bằng tiền:

Thứ nhất, tình trạng an ninh nhất định sẽ tốt lên, tội phạm sẽ không dám hành động bừa bãi;

Thứ hai, người dân sẽ không “vô tư” vi phạm pháp luật mà không bị trừng phạt;

Thứ ba, lấy lại thiện cảm của du khách sẽ làm tăng lượng khách du lịch đến thủ đô,…

Lợi nhiều như thế nên công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng, rất mong ông Bí thư Thành ủy và ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố lưu tâm xem xét.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://genk.vn/phan-mem-nhan-dien-khuon-mat-nay-dang-lam-nguoi-nga-khiep-so-va-my-co-the-la-nan-nhan-tiep-theo-20160502215018779.chn

[2]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/he-thong-nhan-dang-khuon-mat-bkface-418248.html

Xuân Dương