Hà Nội tăng 300% phí gửi xe, ai hưởng lợi?

06/12/2017 06:56
Trinh Phúc
(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Hoài Nam lo ngại: “Hiện doanh nghiệp khai thác trông giữ xe trên địa bàn trung tâm của thành phố thu lớn nhưng đóng cho Nhà nước thì ít".

Đề xuất đã lấy ý kiến rộng rãi, công khai?

Chiều 5/12, tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 15, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20 ngày 6/2/2016 về một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ ô tô tăng thấp là 50% và tăng cao nhất là 300% so với mức cũ, với giá trị tuyệt đối tăng tương ứng từ 20.000 đồng/m2/tháng đến 160.000 đồng/m2/tháng.

Mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ xe đạp, xe máy tăng thấp nhất là 5.000 đồng/m2/tháng và cao nhất là 90.000 đồng/m2/tháng, tuỳ theo khu vực, tuyến phố theo nguyên tắc mức phí cao nhất thuộc 12 tuyến phố khu bảo tồn đô thị cấp 1, vùng lõi quận Hoàn Kiếm và giảm dần xa trung tâm.

Mức phí tăng không áp dụng với địa bàn thị xã Sơn Tây, các huyện ngoại thành và một số tuyến đường phố, các quận từ vành đai 3 trở ra.

Bà Hồ Vân Nga, Phó Trưởng ban Kinh tế, Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra về tờ trình và dự thảo Nghị quyết của UBND thành phố (ảnh hanoimoi.com.vn).
Bà Hồ Vân Nga, Phó Trưởng ban Kinh tế, Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra về tờ trình và dự thảo Nghị quyết của UBND thành phố (ảnh hanoimoi.com.vn).

Báo cáo thẩm tra về tờ trình và dự thảo Nghị quyết, bà Hồ Vân Nga, Phó Trưởng ban Kinh tế, Ngân sách Thành phố cho biết, Dự thảo Nghị quyết  đã được Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng đúng trình tự, đăng tải công khai, lấy ý kiến các tổ chức, đơn vị, đối tượng chịu sự tác động ảnh hưởng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và được Sở Tư pháp thẩm định theo quy định.

Hà Nội tăng 300% phí gửi xe, ai hưởng lợi? ảnh 2Hà Nội sẽ giảm hơn 7.400 biên chế công chức, viên chức trong năm 2018

Về phương thức thu nộp ngân sách, Ủy ban nhân dân trình thu theo m2 đối với diện tích sử dụng trông giữ phương tiện theo truyền thống và thu theo tỷ lệ phần trăm doanh thu đối với mục đích sử dụng ứng dụng công nghệ thông minh là hợp lý.

"Thời gian áp dụng từ ngày 11/2/2018 là không trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là năm 2017 không tăng thuế, phí làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh" - bà  Hồ Vân Nga nêu.

Tiền phí gửi xe ai hưởng lợi?

Trước khi bấm nút thông qua, Đại biểu Hoàng Huy Được (Ba Vì) đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề: “Tôi hiểu rằng, đường cho người đi xe, vỉa hè cho người đi bộ.

Để vỉa hè cho người đi bộ thực sự và chỗ có đủ điều kiện để trông giữ xe nhằm đáp ứng yêu cầu là cần thiết”.

Cũng theo ông Huy Được, trong những ngày gần đây, dư luận rất bức xúc về việc nâng cấp vỉa hè. "Chưa nói đến câu chuyện nâng cấp thế nào, đá ra làm sao, điều quan trọng nhất là Thành phố đã chi ngân sách để nâng cấp vỉa hè.

Vậy việc thu phí để tái đầu tư là cần thiết. Vấn đề đặt ra là làm sao minh bạch", đại biểu Hoàng Huy Được nói.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đại biểu quận Hoàng Mai (ảnh nguồn hanoimoi.com.vn).
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đại biểu quận Hoàng Mai (ảnh nguồn hanoimoi.com.vn).

Còn theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Hoàng Mai) nêu, trong các nhóm giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông có giải pháp về kinh tế.

Vì vậy, khi tiếp cận Nghị quyết này, không nên đặt vấn đề Hà Nội thu thêm bao nhiêu tiền, không phải vì cần một vài trăm tỷ đồng thu từ vỉa hè để trông giữ xe ô tô mà là dùng biện pháp kinh tế để giảm ùn tắc, điều tiết giao thông.

Đại biểu Nam cũng đồng tình với đại biểu Hoàng Huy Được về việc quản lý để chấn chỉnh lạm thu, hay những tổ chức, cá nhân tự ý trái phép lập bãi trông giữ xe hoặc thu quá giá.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh đến thực trạng giá trông giữ xe theo quy định là thấp nhưng người dân vẫn phải trả mức giá rất cao khi gửi xe ở các khu vực trung tâm nội đô.

“Bản thân tôi vào ngày cuối tuần nếu đi vào nội đô như khu vực trung tâm Hoàn Kiếm phải gửi ô tô với giá không dưới 50.000 đồng đến 100.000 đồng”, đại biểu Nam cho biết.

Do đó, ông Nam cho rằng không có lý do gì mà một doanh nghiệp khai thác trông giữ xe trên địa bàn trung tâm của thành phố thu lớn nhưng đóng cho Nhà nước rất thấp.

“Vậy ai thụ hưởng? Xin khẳng định chỉ những người hoạt động trái phép thụ hưởng, người dân lưu hành không được thụ hưởng, Nhà nước, cụ thể là Thành phố cũng không thu được nhiều.

Vì thế, thành phố dứt khoát phải quy hoạch lại điểm đỗ giao thông  tĩnh; phải có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư giao thông tĩnh và giao thông thông minh;

Đồng thời dứt khoát chấn chỉnh những sai phạm của những người tổ chức các bến, bãi và thu trái phép”- ông Nam nói.

Trinh Phúc