Hàng loạt "ông lớn" thua lỗ nhiều tỷ đồng vì chưa làm đã tiêu cực

20/03/2018 06:00
Vũ Phương
(GDVN) - Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quốc doanh đầu tư trái ngành thua lỗ nghìn tỷ đồng do sự cẩu thả khâu phê duyệt dự án cũng như tiêu cực, lợi ích nhóm.

Hàng loạt các “ông lớn” là các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước “vác” hàng ngàn tỷ đồng đầu tư ngoài ngành thiệt hại, thua lỗ nặng bị “bêu tên” khiến dư luận giật mình xót xa trước những số tiền “khủng” của Nhà nước có thể bị "bốc hơi". 

Trước việc đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả, Nghị định 91 ra đời nhằm "cấm cửa" các doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và quỹ đầu tư.

Tuy nhiên, trái đắng đầu tư tay trái của khối doanh nghiệp quốc doanh là số vốn đã góp khó thu hồi vốn nhà nước, thậm chí chỉ thu hồi được phần rất nhỏ và không loại trừ khả năng mất trắng.

Thực tế, trong những năm 2009, làn sóng đầu tư bất động sản có sức hút lớn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt với các “ông lớn” là các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước.

Bởi thời điểm đó nguồn cung khan hiếm khiến giá bất động sản leo thang cao ngất ngưởng, có những dự án chỉ mới vẽ trên giấy đã bán hết.

Hàng loạt "ông lớn" thua lỗ nhiều tỷ đồng vì chưa làm đã tiêu cực  ảnh 1Sabeco đầu tư ngoài ngành lỗ 440 tỷ đồng chỉ là phần nổi của tảng băng

Các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước là đối tượng lấn sân mạnh nhất vào bất động sản.

Những cái tên tiêu biểu như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam… xuất hiện ở khắp nơi với những dự án đầu tư hoành tráng.

Vào thời điểm nóng nhất về bất động sản, theo số liệu của Bộ Tài chính, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành gần 22.000 tỷ đồng, trong đó có đến 5.379 tỷ đồng vào bất động sản.

Gần đây, câu chuyện Sabeco vung tiền đầu tư vào 10 công ty gây thua lỗ 444,7 tỷ đồng và chưa nộp ngân sách 2.400 tỷ đồng vừa được Kiểm Toán Nhà nước chỉ rõ.

Sabeco chỉ là một doanh nghiệp trong số hàng chục cơ quan, đơn vị của ngành công thương đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ nặng. Đến nay, nhiều dự án của ngành công thương đầu tư hàng ngàn tỷ đồng phải để không, chờ bán sắt vụn.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích: “Khi mở cửa, hội nhập kinh tế vấn đề đặt ra là làm như nào, huy động, sử dụng vốn sao cho linh hoạt, cho hiệu quả cao vì vậy doanh nghiệp Nhà nước có điều kiện về tài chính có thể đầu tư ngoài ngành.  

Tuy nhiên, việc đầu tư ra ngoài ngành của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước do không đúng chuyên môn, không đúng ngành nghề chức năng được giao, thiếu kinh nghiệm quản lý dẫn đến đầu tư không hiệu quả, thua lỗ nặng”.

Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ Sabeco chưa nộp ngân sách 2.400 tỷ đồng, thua lỗ do đầu tư ngoài ngành trên 440 tỷ đồng và mức thưởng cho lãnh đạo công ty có vấn đề. Ảnh: PLO
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ Sabeco chưa nộp ngân sách 2.400 tỷ đồng, thua lỗ do đầu tư ngoài ngành trên 440 tỷ đồng và mức thưởng cho lãnh đạo công ty có vấn đề. Ảnh: PLO

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm chỉ rõ nguyên nhân: “Anh đầu tư tay trái, nhân sự không được đào tạo, trình độ người quản lý còn hạn chế, đặc biệt quản lý lĩnh vực ngoài ngành còn lỏng lẻo cộng với cơ chế pháp luật chưa khép kín dẫn đến thất bại.

Hơn nữa, lúc đầu doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước cứ nghĩ đầu tư ra ngoài ngành sẽ có hiệu quả ngay, nhưng sau thì rủi ro, lỗ nặng, khó thu hồi vốn”.

Tiến sĩ Kiêm cho biết thêm: “Trước đây không cho doanh nghiệp Nhà nước đầu tư tay trái vì lãnh đạo doanh nghiệp chỉ được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành đó.

Căn cứ vào chuyên môn, công tác tổ chức cán bộ mới bố trí cán bộ vào làm quản lý lĩnh vực đó mới phù hợp.

Nhưng khi cho phép các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước được đầu tư ngoài ngành thì những cán bộ đó khó điều hành, chỉ đạo được lĩnh vực mới vì có am hiểu đâu, thậm chí chưa làm đã tiêu cực. 

Nghiệp vụ không có mà anh cứ đầu tư ra thì rõ ràng rủi ro rất lớn, mất vốn là điều khó tránh.

Lẽ ra chúng ta phải có cơ chế giám sát, quản lý, đồng thời có chế tài để xử lý đi cùng, nhưng chúng ta lại không có dẫn đến mạnh ai nấy làm, đua nhau đầu tư ngoài ngành.

Khi phát hiện ra sai phạm thì xử lý không được nghiêm túc. Giải pháp đưa ra cũng chỉ yêu cầu doanh nghiệp rút vốn về.

Việc rút vốn cũng không có cơ chế rõ ràng, ai rút được nhiều thì rút, chưa rút được cũng không sao thì làm sao thu hồi vốn hiệu quả được.

Hàng loạt "ông lớn" thua lỗ nhiều tỷ đồng vì chưa làm đã tiêu cực  ảnh 3"Ông lớn" đầu tư ngoài ngành, hàng trăm tỷ đồng "bay hơi"

Từ đó, mà việc phát hiện ra sai phạm, nhưng xử lý không kiên quyết, không nghiêm nên điều đó trở thành phổ biến. Như chỉ riêng Bộ Công Thương đã có đến 12 dự án chồng chất lên nhau, lãng phí hàng ngàn tỷ mà chưa giải quyết vấn đề một cách triệt để”.

Cũng theo Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, vừa rồi ra quy định cấm đầu tư ngoài ngành, doanh nghiệp nào đầu tư ngoài ngành phải xin phép các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, việc rút vốn, thoái vốn đối với việc đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước trước đó còn rất chậm và đang bị mắc kẹt. Việc thoái vốn, rút vốn này làm cũng chưa được nghiêm túc.

Hơn nữa, chưa có cơ chế, chưa có kỷ cương nhằm thắt chặt việc đầu tư ngoài ngành. Đến nay việc đầu tư ngoài ngành chưa thấy cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm. Người quản lý, người đứng đầu doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước để thất thoát vốn Nhà nước chưa bị xử lý nghiêm.

Hay xử lý liên quan đến vật chất như bồi hoàn số tiền làm thất thoát của Nhà nước cũng chưa ghi nhận trường hợp nào.

Cũng theo Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, kết luận của Kiểm toán Nhà nước về Sabeco thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, chi thưởng vượt mức trên 12 tỷ đồng cho lãnh đạo là trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp sau đó là trách nhiệm của bộ chủ quản. Cần phải quy trách nhiệm đến nơi đến chốn, xử lý đảm bảo nghiêm minh.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, cần phải truy trách nhiệm người đứng đầu để doanh nghiệp đầu tư trái ngành gây thua lỗ nhiều tỷ đồng cho ngân sách. Ảnh: N.Q
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, cần phải truy trách nhiệm người đứng đầu để doanh nghiệp đầu tư trái ngành gây thua lỗ nhiều tỷ đồng cho ngân sách. Ảnh: N.Q

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho hay: “Giai đoạn những năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường chứng khoán bùng nổ, dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp đổ vào Việt Nam nhiều khiến nhiều doanh nghiệp quốc doanh muốn tăng trưởng nóng đã đầu tư ngoài ngành một cách tràn lan.

Nhiều lĩnh vực được cho là “hot” thời điểm bấy giờ mà các doanh nghiệp quốc doanh rót tiền vào như chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bất động sản…

Việc rót vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước có cả doanh nghiệp đầu tư theo phong trào, nhưng cũng có doanh nghiệp đầu tư có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm khi đầu tư tràn lan, không nghiên cứu kỹ.

Nói đầu tư ngoài ngành có dấu hiệu tiêu cực vì có sự “lót tay”, hoa hồng, hay sự an chia, mua bán tài sản ở trong đó.

Ngoài năng lực người quản trị doanh nghiệp Nhà nước, cộng với tiêu cực đã dẫn đến đầu tư ngoài ngành thua lỗ nặng”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cũng chỉ rõ: “Hoạt động của không ít doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước còn khá mập mờ, thiếu minh bạch nên khó giám sát. Như Sabeco chẳng hạn nhiều năm liền “trốn” niêm yết, dù từ năm 2004 doanh nghiệp này đã nằm trong doanh nghiệp niêm yết.

Chúng tôi nói rất quyết liệt việc yêu cầu Sabeco niêm yết. Chỉ một thời gian sau lợi nhuận của Sabeco đã tăng lên hàng ngàn tỷ đồng. Đó không phải là chuyển biến về sự quản trị doanh nghiệp, hay nhân sự mà khi anh minh bạch, công khai hoạt động kinh doanh thì anh phải làm tốt, giảm tiêu cực thì sẽ tăng trưởng.

Nếu Sabeco niêm yết sớm thì lợi nhuận còn lớn hơn nhiều. Bởi vậy, muốn phát triển doanh nghiệp Nhà nước vững mạnh cần thiết phải cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán để xã hội giám sát”.

Kiểm toán Nhà nước vừa có văn gửi Bộ Công Thương nêu rõ Sabeco đã đầu tư lỗ với số tiền 444,7 tỷ đồng khi rót vốn vào 10 khoản đầu tư dài hạn. Số tiền trích lập dự phòng do thua lỗ bằng 77,8% giá trị đầu tư. Đây đều là các khoản đầu tư vào lĩnh vực trái ngành như ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính.

Cơ quan kiểm toán đề nghị Bộ Công Thương làm rõ trách nhiệm tập thể cá nhân liên quan đến việc đầu tư thua lỗ và chưa nộp ngân sách 2.400 tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ vấn đề chi thưởng cho lãnh đạo Sabeco cũng có vấn đề. Báo cáo cho thấy Sabeco chi tiền thưởng của năm tài chính 2015 (chi trong năm 2016) cho Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng là 12,7 tỷ đồng, bằng 20,3 tháng lương thực hiện bình quân của người quản lý.

Trong khi đó, mức tối đa mà doanh nghiệp được thưởng theo quy định tại Nghị định 71 năm 2013 chỉ là 1,5 tháng lương.

Vũ Phương