Hiệu trưởng ĐH Thăng Long: Quá trình đào tạo quan trọng hơn đầu vào

03/03/2013 12:20
Quyên Quyên
(GDVN) -Theo TS Phan Huy Phú, thế hệ trẻ Việt Nam đã tốt nghiệp THPT đều có khả năng phát triển tốt. Như vậy, đối với bậc đại học quá trình đào tạo quan trọng hơn chất lượng đầu vào. Điểm thi đại học không đánh giá được khả năng của con người.
Ngày 2/3/2013 “Open day” là ngày hội của 800 học sinh đến từ 11 trường phổ thông trung học trên địa bàn Thành phố Hà Nội diễn ra tại Trường ĐH Thăng long. Trong ngày hội này, học sinh phổ thông được đóng vai sinh viên trên lớp do giảng viên Trường Đại học Thăng Long giảng dạy, tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ sinh viên trường Đại học Thăng Long, tham quan toàn bộ cơ sở vật chất hiện đại của trường. “Open day” là một ngày hội diễn ra thường niên của Trường ĐH Thăng Long từ năm 2010. Qua nhiều năm tổ chức, ngày hội phát triển hơn về quy mô và ý nghĩa, thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn học sinh cuối cấp 3 đang có nhiều thắc mắc trước khi bước vào ngưỡng cửa đại học.

Trường học của những cái đầu tiên

Trường ĐH Thăng Long được biết đến là ngôi trường ĐH ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam. Nữ giáo sư tiến sĩ toán học Hoàng Xuân Sính là một trong những người khởi xướng thành lập trường. 

Trường ĐH Thăng Long cũng là ngôi trường đầu tiên áp dụng mô hình đào tạo tín chỉ, cho phép sinh viên được lựa chọn chương trình học.

Hơn 800 sinh viên đã có mặt tại Trường ĐH Thăng Long trong ngày hội Open day
Hơn 800 sinh viên đã có mặt tại Trường ĐH Thăng Long trong ngày hội Open day

Song song với việc đổi mới phương pháp đào tạo, nhà đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam. Nhắc đến trường Thăng Long, sinh viên sẽ tự hào về phòng tự học tình yêu. Phòng học này được khánh thành đúng dịp Valentine năm 2012, là món quà của thầy Trương Ngọc Kim- Phó chủ tịch HĐQT ĐH Thăng Long dành tặng cho sinh viên. Do yêu cầu hợp tác giáo dục ngày càng lớn, trường đã đầu tư xây dựng 18 phòng ở cao cấp với trang thiết bị nội thất đạt tiêu chuẩn khách sạn 4 sao… 

Trường ĐH Thăng Long hoạt động trên nguyên tắc không vì mục tiêu chia lợi nhuận, tạo một môi trường giáo dục lành mạnh, tôn trọng tính trung thực, tình yêu thương và tinh thần hợp tác. Cho đến nay, trường đã hết sức trung thành với mục tiêu không vì lợi nhuận. Chính vì sự trung thành này mà nhà trường đã được sự giúp đỡ vô tư của Trường ĐH Quản lý Paris về học bổng cũng như học thuật, hay sự giúp đỡ về tài chính của các tổ chức phi chính phủ. Và có lẽ cũng do đó mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuyển đổi đầu tiên Trường ĐH dân lập Thăng Long trong 19 trường Đại học dân lập cả nước thành Trường ĐH Thăng Long phi lợi nhuận. Nhà trường cũng tin tưởng, với mục đích không vì lợi nhuận trường sẽ phát triển tốt, vững vàng trong tương lai và sẽ có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng một xã hội học tập công bằng.

ĐH Thăng Long hướng chuẩn tiếng Anh TOEIC 550

Trong ngày hội “Open day”, phần hỏi-đáp giữa học sinh THPT và Trường ĐH Thăng Long đã cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích về tuyển sinh, chương trình đào tạo. Đại diện học sinh Trường THPT Nhân Chính đặt câu hỏi tới lãnh đạo Trường ĐH Thăng Long: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đường hướng từ nay đến năm 2020 các trường sẽ bắt buộc đạt điểm chuẩn tiếng Anh. Vậy đối với Trường Đại học Thăng Long tiêu chuẩn tiếng Anh được đặt ra như thế nào?” Thầy Phan Huy Phú- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tại nhiều nơi góp ý với nhà trường mục tiêu đặt ra là HS tốt nghiệp ra trường phải đạt chuẩn đầu ra TOEIC 300 điểm hay trình độ bậc 3 (B1) theo chuẩn châu Âu. Nhưng với Trường ĐH Thăng Long TOEIC 550 điểm là mục tiêu nhà trường đang hướng tới. Trong năm học tiếp theo, nhà trường sẽ đặt ra mục tiêu học sinh phải đạt TOEIC 500 điểm.

TS Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long giải đáp thắc mắc của học sinh THPT
TS Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long giải đáp thắc mắc của học sinh THPT

Trước trăn trở của một phụ huynh có con muốn dự thi vào Trường ĐH Thăng Long: Bằng tốt nghiệp của ĐH Thăng Long là bằng của trường Ngoài công lập, điều này có ảnh hưởng đến quá trình xin việc sau này hay không? Ông Đặng Trần Khanh (GV Trường ĐH Thăng Long) chia sẻ: Các nhà tuyển dụng hiện nay không quá chú trọng đến bằng cấp bằng việc đánh giá năng lực thật của sinh viên. Trường Đại học Thăng Long đã có lịch sử hơn 20 năm phát triển theo mục tiêu kiến thức hiện đại nhất và thực tiễn nhất. Ông cũng chia sẻ thêm: “Vừa qua, tôi có gặp lại nhóm sinh viên cũ, hiện nay đều thành đạt. Các bạn đều nói với tôi rằng, chúng em rất tự hào vì mình là sinh viên Trường Thăng Long. Bản thân tôi cũng luôn cảm thấy tự hào vì mình là thầy giáo của Trường Lăng Long. 

Trước câu hỏi về quyền lợi của học sinh, thầy Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long cho biết: Nhà trường rất chú trọng đến các hình thức khuyến học, học bổng. Trường ĐH Thăng Long có nguồn khuyến học từ các nhà tài trợ, tuyệt đối không phải lấy học phí từ học sinh này bù vào học bổng của học sinh khác. Năm 2012, Trường ĐH Thăng Long đã được hỗ trợ 300 triệu vào quỹ học bổng. Các sinh viên thuộc diện khó khăn, học giỏi sẽ được ưu tiên hơn trong quá trình xét học bổng. 

Được biết, trong năm 2013, trường ĐH Thăng Long sẽ tuyển sinh 1900 chỉ tiêu, trong thời gian không xa trường sẽ tuyển sinh thêm các ngành khác như nghệ thuật, sân khấu…
Quá trình đào tạo quan trọng hơn đầu vào

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long cho biết, mục đích chính của ngày hội “Open day” là để cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ hơn về nhà trường. Qua đây, TS Phan Huy Phú cũng chia sẻ với phụ huynh, học sinh về việc lựa chọn nghề nghiệp: “Chọn ngành đầu tiên phải theo sở thích và đam mê. Thế nhưng, hiện nay nhiều gia đình, học sinh không coi trọng điều đó, họ chỉ nghĩ cách làm thế nào vào đại học, bằng mọi giá. Điều này dẫn đến học kém, thất nghiệp, gây lãng phí tiền của mà không thu lại được kết quả”.

Nhìn nhận về sinh viên Trường ĐH Thăng Long, TS Phan Huy Phú cho biết: Tôi rất tự hào về sinh viên của Trường ĐH Thăng Long. SV Thăng Long rất văn minh, năng động. Có thể do đầu vào hơi yếu nên Thăng Long không có nhiều học sinh xuất sắc như các trường công lập lớn. Nhưng trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn thúc đẩy sinh viên “học thật thi thật”, kết hợp với những hoạt động ngoại khóa mở rộng giúp sinh viên trang bị được kiến thức, kỹ năng tốt nhất khi ra trường, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Theo TS Phan Huy Phú, thế hệ trẻ Việt Nam đã tốt nghiệp THPT đều có khả năng phát triển tốt. Như vậy, đối với bậc đại học quá trình đào tạo quan trọng hơn chất lượng đầu vào. Điểm thi đại học không đánh giá được khả năng của con người.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều Trường ĐH Ngoài công lâp rơi vào tình trạng khủng hoảng vì không tuyển sinh được. Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long cho biết: Bản thân Trường ĐH Thăng Long, trong những năm gần đây lượng tuyển sinh không giảm sút, thậm chí có năm còn "dôi" học sinh so với chỉ tiêu. Nhưng hiện nay, các trường ĐH công lập phát triển từ cao đẳng mọc lên rất nhiều. Với điểm đầu vào thấp, học phí thấp, họ có lợi thế trong tuyển sinh. Vì vậy, Trường ĐH Thăng Long có phần lo lắng, và đã chuẩn bị trước tâm lý rằng tuyển sinh 2013 có thể gặp khó khăn. Qua đây, TS Phan Huy Phú mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, tạo điều kiện hơn cho các Trường ĐH Ngoài công lập phát triển. 
Quyên Quyên