Hoa thơm, mỗi bộ ngành hưởng một tí và chuyện "bờ vùng, bờ thửa"

28/03/2017 07:27
Tiến sĩ Dương Xuân Thành
(GDVN) - Chừng nào giáo dục còn là “Hoa thơm, mỗi bộ ngành hưởng một tí” thì chừng đó các bộ ngành vẫn chỉ chăm chút cho “bờ vùng, bờ thửa” nhà mình.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam).

Trong bài viết này, dưới góc nhìn của một người nghiên cứu chính sách, Tiến sĩ Dương Xuân Thành đưa ra một số đề xuất với Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo cũng như Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Ngày 17/3/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg (Quyết định 338) về việc kiện toàn “Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo” (Ủy ban) giai đoạn 2016 - 2021.

Theo thông báo từ Văn phóng Chính phủ [1], Ủy ban có 22 thành viên do Thủ tướng làm Chủ tịch, Phó Thủ tướng làm Phó Chủ tịch, 8 Bộ trưởng, các thành viên còn lại đều là lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành hoặc cơ quan trung ương. [1]

Ngày 20/3/2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập “Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực” (Hội đồng) nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. ảnh: vgp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. ảnh: vgp.

Hội đồng được giao ba nhiệm vụ sau:

1. Tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đánh giá, tổng kết về sự nghiệp đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và phát triển nhân lực; chỉ đạo soạn thảo và triển khai các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Dạy nghề, các chiến lược phát triển giáo dục, dạy nghề, chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015.

2. Nghiên cứu, tư vấn, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành, quyết định các chính sách, biện pháp quan trọng phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề và nhân lực.

3. Tư vấn, góp ý kiến về việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, đề án quan trọng thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và những vấn đề chuyên môn khác do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. [2]

So với “Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực” nhiệm kỳ 2011-2015, số thành viên nhiệm kỳ 2016-2020 tăng từ 18 lên 26 người.

Quyết định 338 thành lập “Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo” vẫn giữ nguyên một số khoản trong quyết định số 764/QĐ-TTg. 

Trong cả hai Quyết định số 764/QĐ-TTg và 338/QĐ-TTg của Thủ tướng đều không quy định Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo được sử dụng con dấu có hình Quốc huy (theo quy định tại Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ban hành ngày 1/7/2016).

Tại Quyết định số 35/2010/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, khoản 2, điều 1 quyết định này quy định Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia được sử dụng con dấu hình Quốc huy. 

Liệu có những quy định nào đó về việc phân loại các “Ủy ban quốc gia”, chẳng hạn về vai trò, tầm quan trọng, quy mô, lĩnh vực hoạt động… Vậy nên có Ủy ban được dùng con dấu Quốc huy, có Ủy ban không được dùng hoặc không có con dấu?

Hoa thơm, mỗi bộ ngành hưởng một tí và chuyện "bờ vùng, bờ thửa" ảnh 2

Danh sách 26 thành viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Có thể đây chỉ là vấn đề thuộc phạm trù “soạn thảo văn bản” nhưng giới nghiên cứu không thể không đặt câu hỏi về vai trò, tầm ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước giữa Ủy ban An toàn giao thông và Ủy ban Đổi mới giáo dục khi hai cơ quan này đều mang trọng trách “quốc gia”.

Có gì chưa ổn về mặt pháp chế thể hiện qua quy định con dấu với hai cơ quan “quốc gia” này?

“Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực” là “cơ quan tư vấn” còn “Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo” là “cơ quan phối hợp liên ngành” vậy Ủy ban này là cơ quan quyền lực nhà nước hay cũng mang tính “liên ngành” như một số “liên ngành” mà báo chí đã đề cập? 

Hình như có đôi chút chồng chéo nếu nhìn vào một số nhiệm vụ của hai cơ quan này?

Theo đó “Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực” là tổ chức tư vấn, có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành, quyết định các chính sách. 

Còn “Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo” có nhiệm vụ giúp Thủ tướng "nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…".

Xét về tầm hoạt động, nhiệm vụ, “Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực” rộng lớn hơn, bao quát hơn, mang tính chiến lược lâu dài hơn. Bởi Hội đồng được giao nhiệm vụ liên quan đến “Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ giáo dục quốc gia,…” còn “Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo” chỉ bó hẹp trong phạm vi “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Một khi là cơ quan chiến lược lâu dài thì mỗi nhiệm kỳ chỉ nên thay đổi cơ cấu thành viên chứ không nhất thiết phải ban hành quyết định thành lập lại Hội đồng (cũng như Ủy ban chỉ kiện toàn về mặt nhân sự chứ không phải là thành lập Ủy ban mới). 

Nét mới của “Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực” nhiệm kỳ 2016-2020 là thành phần khá đa dạng, song chủ yếu là chuyên gia giáo dục - đào tạo và đều là người Việt. 

Người viết có đôi chút băn khoăn, khi nhiệm vụ của Hội đồng liên quan nhiều đến lĩnh vực lập pháp (Tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo soạn thảo và triển khai các Luật…) thì liệu thành phần Hội đồng đa phần làm việc trong lĩnh vực giáo dục như hiện nay có thể giúp Thủ tướng “chỉ đạo soạn thảo và triển khai các Luật”? 

Hoa thơm, mỗi bộ ngành hưởng một tí và chuyện "bờ vùng, bờ thửa" ảnh 3

Chờ “cú hích” cho giáo dục và phát triển nhân lực

Mặt khác đã là tổ chức “tư vấn” thì việc mời thêm chuyên gia có kinh nghiệm ở các nước có nền giáo dục tiên tiến sẽ giúp chúng ta thêm nhiều kinh nghiệm hữu ích hay việc này không cần thiết?

Về hoạt động của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành lĩnh vực giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực 10 năm qua có thể thấy Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định mang tính chiến lược, nhưng luôn bị thay đổi giữa chừng, ví dụ: 

Quyết định 1160/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020";

Quyết định số 891/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ đạo xây dựng các trường đại học xuất sắc;

Quyết định 927/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020;

Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 24/8/2012 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực và Đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2011-2020;

Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 764/QĐ-TTg thành lập “Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo” (ngày 26/5/2014) thì các “Ban Chỉ đạo” nêu trên đều bị giải thể.

Vấn đề là nhiệm vụ của các “Ban Chỉ đạo” này (kéo dài đến 2020) đã bị kết thúc trước 6 năm nhưng chưa rõ hoạt động của các “Ban Chỉ đạo” này chấm dứt hay được chuyển về Ủy ban mới được thành lập. 

Nếu chấm dứt thì việc tổng kết, đánh giá hoạt động của các “Ban Chỉ đạo” này được tiến hành khi nào và như thế nào, kết quả đạt được có tương xứng với nguồn kinh phí nhà nước bỏ ra?

Hoa thơm, mỗi bộ ngành hưởng một tí và chuyện "bờ vùng, bờ thửa" ảnh 4

Chương mới của giáo dục Việt Nam

Sẽ cần thời gian để đánh giá hoạt động của hai cơ quan (Hội đồng và Ủy ban) bởi không ít ý kiến chỉ rõ những hạn chế, bất cập.

Cuối năm 2016, trong một bài báo tác giả nêu ý kiến: “Rất dễ tìm thấy thông tin về hoạt động của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tại địa chỉ: http://antoangiaothong.gov.vn/; của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại địa chỉ: http://tiengchuong.vn/ nhưng không tìm thấy trang thông tin của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo?”. Tiếc rằng bài báo đó sau này đã bị gỡ bỏ. [3]

Điều này càng được khẳng định bởi chính một cựu thành viên Ủy ban - Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - “Ủy ban ấy đã được thành lập mấy năm rồi, nhưng nhìn chung hầu như không có hoạt động gì. Có họp vài lần theo kiểu hành chính, nêu tên một số công việc, vậy thôi. Nếu không hoạt động tích cực và làm việc theo kiểu hành chính như vậy thì cũng chẳng cần cái Ủy ban ấy". [4]

Có thể thấy định hướng xây dựng một Chính phủ “liêm chính, sáng tạo” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khởi xướng đang được thực hiện khá mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực Giáo dục.

Mặc dù thành phần Hội đồng và Ủy ban đều bao gồm những chuyên gia “chất lượng cao”, những lãnh đạo cao cấp bộ máy hành pháp và một số tổ chức quần chúng, song điều mà người dân mong mỏi không phải là chất lượng từng thành viên mà là những quyết sách sẽ được đưa ra có tạo nên chuyển biến thật sự cho giáo dục, đào tạo, có thực sự làm “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục nước nhà vốn bị đánh giá là “tụt hậu” so với khu vực và thế giới.

Gần đây có khá nhiều ý kiến ủng hộ việc gỡ bỏ “hạn điền” trong nông nghiệp, xem “hạn điền” là rào cản cần phải thay đổi để đưa nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi tình trạng manh mún, chia năm xẻ bảy tồn tại từ sau cải cách ruộng đất.

Tiếc rằng “tình trạng manh mún, chia năm xẻ bảy” lại đang được thực hiện trong lĩnh vực giáo dục với việc “cắt khúc” hệ thống giáo dục quốc dân chia phần cho các bộ, ngành, địa phương, thậm chí là cả các tổ chức đoàn thể quần chúng quản lý.

Trong các bài “Hoa thơm, mỗi bộ ngành hưởng một tí” (Vietnamnet.vn 21/5/2013), “Thực trạng giáo dục Việt Nam, góc nhìn của nhà giáo” (Giaoduc.net.vn, phần 1,2,3: 9-11/10/2015) và một số bài khác người viết đã đề cập thực trạng này.

Gần đây trong loạt 6 bài viết trên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cũng đề cập đến sự bất cập của việc “cắt khúc” quá trình giáo dục, đào tạo khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý khúc đầu (phổ thông) và khúc cuối (đại học), khúc giữa (trung cấp, cao đẳng) lại do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

Chủ trương “cắt khúc” trong quản lý giáo dục kéo theo việc “cắt khúc” trong hoạt động lập pháp. Về điều này, người viết đã từng nêu ý kiến như sau: “Luật Giáo dục 2005 có 120 điều, Luật Giáo dục Đại học 2012 có 72 điều, Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014 có 79 điều.

Cả ba luật này có 271 điều trong khi dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi có 712 điều, Luật Hình sự có 344 điều, Luật Tố tụng Hình sự có 346 điều.

Ghép cả ba luật liên quan đến giáo dục đào tạo thành một luật giáo dục duy nhất chắc chắn sẽ loại bỏ được sự chồng chéo, bất cập mà những đơn vị soạn thảo đã đưa vào luật theo ý muốn chủ quan của mình”. [5]

Người viết hy vọng khi Thủ tướng giao nhiệm vụ cho “Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực” giúp Thủ tướng “chỉ đạo soạn thảo và triển khai các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật dạy nghề”, thì việc đầu tiên mà Hội đồng làm sẽ là hình thành một đạo luật duy nhất liên quan đến giáo dục và phát triển nhân lực quốc gia.

Điều thứ hai cần nói thẳng, dù Hội đồng có 26 thành viên thì cũng chưa tập hợp hết trí tuệ của người Việt, Hội đồng cần có cơ chế tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà sư phạm và nhất là đội ngũ giáo viên các cấp.

Chủ trương, đường lối phải bắt nguồn từ cuộc sống chứ không phải được sinh ra để áp đặt cho cuộc sống.

Chừng nào giáo dục vẫn còn là “Hoa thơm, mỗi bộ ngành hưởng một tí” thì chừng đó các bộ ngành vẫn chỉ chăm chút cho “bờ vùng, bờ thửa” nhà mình.

Giáo dục sẽ vẫn manh mún, quá nhiều “chủ quản” mà cuối cùng chẳng biết “chủ” nào thực sự “quản”, [6] thực sự chịu trách nhiệm về sự yếu kém khi mà năm 2017 này không một đại học Việt Nam nào lọt vào danh sách 300 trường hàng đầu châu Á theo bình chọn của tạp chí Times Higher Education.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Kien-toan-Uy-ban-quoc-gia-Doi-moi-giao-duc-va-dao-tao/20173/21241.vgp

[2]http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/gioithieubanchidao?optionId=1&governmentId=2856&organizationTypeId=10&committeeId=748

[3]Những câu hỏi “bao giờ…” gửi tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

[4]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Doi-moi-giao-duc-va-mon-no-voi-cha-ong-post174910.gd

[5] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thuc-trang-giao-duc-Viet-Nam-goc-nhin-cua-nha-giao-Bai-3-post162377.gd

[6] http://giaoduc.net.vn/Tin-Hiep-hoi/Quan-niem-sai-lam-ve-dia-phuong-chu-quan--thuc-trang-va-kien-nghi-post175103.gd

Tiến sĩ Dương Xuân Thành