Học sinh giỏi, chắc gì các em đã muốn vào sư phạm?

11/02/2018 07:25
Nguyễn Cao
(GDVN) - Việc dự thảo yêu cầu tuyển những học sinh giỏi vào đại học, học sinh khá vào cao đẳng có lẽ sẽ còn gian nan và chông chênh lắm…!

LTS: Trao đổi về những chính sách thu hút học sinh giỏi vào sư phạm, thầy giáo Nguyễn Cao chỉ ra những thực tế sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, giáo viên bị cắt hợp đồng đột ngột như hiện nay sẽ rất khó để học sinh giỏi chọn nghề giáo.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày còn học mầm non, mẫu giáo hay tiểu học, khi người lớn hỏi về ước mơ sau này của các em sẽ làm gì thì đa phần các em nhỏ sẽ nói là làm cô giáo, thầy giáo hay bác sĩ.

Nhưng, khi lớn lên rồi thì chẳng mấy em nhắc lại và theo đuổi ước mơ thời nhỏ của mình để được làm giáo viên nữa…

Thực tế, hàng mấy chục năm qua, chỉ có khoảng 5 năm (1997-2002) là ngành sư phạm tuyển được nhiều học sinh giỏi lớp 12.

Những năm đó, một số trường đại học sư phạm lớn đều tuyển đầu vào hơn 20 điểm/ 3 môn.

Sinh viên sư phạm. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Sinh viên sư phạm. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhắc đến sinh viên sư phạm người ta thường nghĩ nhiều đến những em có học lực trung bình ở trên lớp bởi thực tế nhiều trường đại học sư phạm chỉ tuyển được thí sinh ở mức điểm sàn đại học, hoặc cao đẳng thì chỉ 3-4 điểm/môn.

Đó là chưa kể các em thí sinh còn được cộng một số loại điểm ưu tiên.

Có lẽ, không chỉ ngành sư phạm mà ngành nào chúng ta cũng mong muốn tuyển được các em học sinh giỏi vào học để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhằm mục đích sau khi tốt nghiệp thì các em có thể đáp ứng được yêu cầu công việc của mình một cách tốt nhất.

Đối với ngành sư phạm thì lại càng cần việc thu hút được người giỏi đến với ngành. Bởi ngành giáo dục là ngành đào tạo nhân lực.

Người thầy giỏi có thể đào tạo ra được hàng chục ngàn trò giỏi trong suốt mấy chục năm công tác của mình.

Một người thầy có trình độ chuyên môn không tốt có thể làm hỏng nhiều thế hệ học trò.

Học sinh giỏi, chắc gì các em đã muốn vào sư phạm? ảnh 2Thủ khoa không có việc làm, sao mơ đến chuyện “học sinh ưu tú vào ngành sư phạm”

Nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập thì lại càng cần những người thầy, người cô giỏi hơn bao giờ hết mới có thể đáp ứng được mục tiêu đổi mới của ngành giáo dục.

Chính vì thế, ngày 9/2/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.

Trong dự thảo Thông tư sửa đổi này, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến khoản 3 trong điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

a. Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên;

b. Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên”.

Rõ ràng dự thảo quy chế hoàn toàn đúng và đây cũng là điều mà xã hội sẽ đồng lòng và ủng hộ.

Tuy nhiên, xét về thực tế của ngành giáo dục trong những năm vừa qua và những năm sắp tới thì liệu những em có học lực khá giỏi ấy có đủ can đảm để làm đơn xét tuyển vào những trường sư phạm hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Nhất là hiện nay, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên ai cũng có những định hướng rõ ràng, cụ thể cho tương lai của con cái của mình.

Những năm qua, sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm đã lên đến con số hàng chục ngàn người đang phải vất vưởng kiếm sống bằng rất nhiều ngành nghề khác nhau mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nói rất nhiều.

Nhiều người phải chạy chọt để xin được giảng dạy hàng chục năm thì cũng bất thình lình bị thông báo cắt hợp đồng và thực trạng này đang diễn ra ở khắp nơi.

Chỉ riêng năm học 2017-2018 này đã có rất nhiều địa phương thông báo cắt hợp đồng làm việc đột ngột với hàng trăm giáo viên như Quảng Trị, Đắk Lắk, Phú Yên…

Hoặc có những nơi hàng ngàn giáo viên đi dạy nhưng lại bị “treo lương” như Hải Dương mà báo chí đã thông tin trong mấy ngày gần đây.

Thực tế thì vậy, còn tương lai khi áp dụng chương trình mới chắc chắn sẽ còn nhiều giáo viên phải nằm tròng dạng tinh giản, cắt hợp đồng.

Bởi, tại hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức ngày 20/1 vừa qua, đại diện Bộ giáo dục và Đào tạo cho biết:

Hiện giáo viên cấp trung học cơ sở đang thừa là 9.246 (tính đến thời điểm tháng 11/2017) và khi thực hiện thực hiện chương trình mới sẽ có khoảng 8.874 giáo viên trung học phổ thông dư thừa.

Học sinh giỏi, chắc gì các em đã muốn vào sư phạm? ảnh 3Thầy Tạ Quang Sum và 3 chỉnh đốn trong đào tạo ngành sư phạm

Như vậy, chỉ nhìn vào những con số được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin thì các em học sinh khá và giỏi lớp 12 từ năm nay cũng như những năm tới đây liệu có đủ dũng khí để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm hay không?

Điều chúng tôi nhận thấy trong thời gian qua khi mà nhân lực của ngành sư phạm được tuyển vào ngày càng thấp chính là cách tuyển dụng, cách sử dụng cũng như chế độ đãi ngộ dành cho những người đang công tác trong ngành sư phạm chưa được cải thiện.

Chuyện lương thấp có lẽ cũng chưa phải là vấn đề mấu chốt.

Cái chính là cách các địa phương chưa công tâm trong tuyển dụng nên dẫn đến nhiều tiêu cực cho những người tham gia xét và thi tuyển viên chức.

Khi được tuyển dụng thì giáo viên vẫn nơm nớp lo sợ mình bị cắt hợp đồng bất kì lúc nào.

Đó là chưa kể rất nhiều bất cập trong công tác, bồi dưỡng, những yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ chỉ để làm đẹp hồ sơ mà gây nên sự tốn kém, lãng phí về thời gian, tiền bạc của giáo viên hay chuyện giáo viên tốt nghiệp đại học mà hưởng lương trung cấp như ở cấp Mầm non, Tiểu học cũng đủ làm “tấm gương” cho những ai muốn đến với ngành sư phạm.

Chúng tôi không bị quan, nhưng từ thực tế đang công tác trong ngành, từ những gì đã và đang phải chứng kiến trong những năm qua.

Chúng tôi không thể nào lạc quan chuyện các trường sư phạm tuyển được học sinh khá giỏi.

Hàng chục năm chứng kiến các em học sinh của mình lựa chọn nghề nghiệp, chúng tôi không thấy mấy em thi và xét tuyển vào sư phạm.

Và, chắc rằng cũng chẳng mấy thầy cô đủ dũng khí gợi ý các em theo đuổi nghề nghiệp giống mình. Bởi, ai cũng biết sinh viên sư phạm ra trường đang thất nghiệp nhiều lắm…

Bởi vậy, gốc rễ của vấn đề người học quay lưng với sư phạm thì có rất nhiều.

Vì vậy, điều mà Bộ ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi dù đúng đến đâu đi chăng nữa nhưng người học không tìm thấy tương lai của mình thì chắc chắn cũng sẽ ngoảnh mặt làm ngơ để chọn con đường khác.

Ai cũng biết, việc đổi mới giáo dục chỉ thành công khi chúng ta xây dựng được đội ngũ nhân lực sư phạm chất lượng.

Muốn thu hút được nhân lực của ngành có chất lượng thì điều đầu tiên phải nghĩ đến chuyện đảm bảo được điều kiện sống và tương lai của của người học, người thầy.

Vì thế, việc dự thảo yêu cầu tuyển những học sinh giỏi vào đại học, học sinh khá vào cao đẳng có lẽ sẽ còn gian nan và chông chênh lắm…!

Nguyễn Cao