Hội đồng trường chỉ là danh nghĩa, có cũng như không

03/04/2017 06:46
Đỗ Quyên
(GDVN) - Hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng trường nên việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng trường cũng mang tính cá nhân là chính chứ tuyệt nhiên không có tính tập thể.

LTS: Bàn về vai trò của Hội đồng trường, cô giáo Đỗ Quyên cho rằng hội đồng này cũng chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

Trong thực tế, từ việc bầu chọn Chủ tịch Hội đồng trường đến các cuộc họp hội đồng đều được làm theo kiểu "cho có".

Việc đa phần Chủ tịch Hội đồng trường cũng là Hiệu trưởng khiến quyền lực của Hiệu trưởng càng lớn và thiếu dân chủ trong trường học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định rõ các cấp học này phải có Hội đồng trường. 

Đây là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.

Điều 20 Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT cũng quy định rõ về cơ cấu của Hội đồng trường gồm: đại diện tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban giám hiệu nhà trường, đại diện Công đoàn, đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu có), đại diện các tổ chuyên môn, đại diện tổ văn phòng.

Hội đồng trường có Chủ tịch, 1 thư ký và các thành viên khác. Tổng số thành viên của Hội đồng trường từ 9 đến 13 người.

Hội đồng trường hiện nay chưa thực sự phát huy vai trò của minh. (Ảnh minh họa trên Báo Giáo dục và Thời đại)
Hội đồng trường hiện nay chưa thực sự phát huy vai trò của minh. (Ảnh minh họa trên Báo Giáo dục và Thời đại)

Từ khi Thông tư ra đời, trường học nào cũng nhanh chóng ra quyết định thành lập Hội đồng trường nhưng Hội đồng trường cũng chỉ tồn tại trên danh nghĩa, còn thực chất không có bất kì một hoạt động nào trong suốt cả năm học.

Nếu theo quy định, Hội đồng trường họp thường kỳ ít nhất ba lần trong một năm. Để hợp thức hóa đủ hồ sơ sổ sách phòng khi thanh tra về nhà trường cho thư kí ghi 3 biên bản khống để lưu hồ sơ. 

Giải thích cho điều này, nhiều Hiệu trưởng (cũng chính là Chủ tịch Hội đồng trường) giải thích: “Nội dung các cuộc họp hội đồng đã thể hiện đủ nên không cần phải họp Hội đồng trường vì cũng chỉ bấy nhiêu người xoay quanh bấy nhiêu nội dung”.

Theo quy định của Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT Chủ tịch Hội đồng trường có thể là giáo viên nhưng hầu như rất ít trường học nào làm thế.

Việc bỏ phiếu tìm ra Chủ tịch Hội đồng trường cũng được nhà trường làm qua loa theo kiểu cho có.

Hội đồng trường chỉ là danh nghĩa, có cũng như không ảnh 2

Trong trường học hiện chỉ có dân chủ hình thức

Cụ thể một người xướng lên “bầu Hiệu trưởng”, cả tập thể a dua đồng thanh nhất trí. 

Năm thì mười họa có trường cũng bầu giáo viên đảm nhiệm nhưng phần lớn những thầy cô giáo này cũng làm trong gượng ép, bắt buộc vì họ biết cũng chỉ là bù nhìn, tiếng nói của họ cũng yếu ớt vì chính họ cũng sợ uy danh của Hiệu trưởng. 

Hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng trường nên việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng trường cũng mang tính cá nhân là chính chứ tuyệt nhiên không hề có dấu ấn của một tập thể. 

Hiệu trưởng vẫn tha hồ tự tung tự tác mà không vấp phải một kháng nghị, một sự phản kháng nào. 

Chẳng hạn “Quyết nghị về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường”, hay “Giám sát việc thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường; giám sát các hoạt động của nhà trường” cũng do chính Hiệu trưởng giám sát, “mình giám sát mình” sao có thể thấy sai? 

Nhưng những nhiệm vụ quan trọng này nếu Chủ tịch Hội đồng trường không phải là Hiệu trưởng mà một người có tiếng nói mạnh mẽ, công tâm sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất những sai phạm trường học hay mắc phải. 

Việc tồn tại Hội đồng trường kiểu này “bỏ thì thương vương thì tội”. Bởi thế cũng cần phải có nhiều quy định chặt chẽ hơn. 

Một Hội đồng trường chỉ mạnh và phát huy tác dụng tốt nhất khi không bị ràng buộc hay sự chỉ đạo của một cấp trên. Bởi thế, Chủ tịch Hội đồng trường nhất định không thể là Hiệu trưởng. 

Hội đồng trường chỉ là danh nghĩa, có cũng như không ảnh 3

Thầy Tùng Lâm nêu 5 giải pháp để thực hiện dân chủ trong trường học hiện nay

Người được cử đảm nhận chức vụ này phải là người có uy tín với tập thể giáo viên, vừa giỏi nghề, vừa mạnh mẽ, thẳng thắn và trung thực. 

Những thành viên trong Hội đồng trường cũng cần phát huy hết năng lực của mình. Có vậy mới phát huy tối đa sức mạnh của một tập thể. 

Hiệu trưởng nhà trường lúc này chỉ với tư cách một cá nhân vừa là thành viên, vừa là người có nhiệm vụ thi hành nghị quyết của Hội đồng trường. 

Có như thế mới hạn chế được những sai lầm khi quyền lực chỉ tập trung vào tay Hiệu trưởng như hiện nay.

Đỗ Quyên