Hội thảo tuyển sinh trường Tư thục: Thực trạng và giải pháp

26/04/2018 09:16
Thùy Linh
(GDVN) - Đây là hội thảo do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, diễn ra sáng nay (26/4/2018) tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

Tới dự hội thảo có Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Nhà giáo nhân dân, thành viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia; Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. 

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học. 

Toàn cảnh hội thảo Tuyển sinh trường Tư thục: Thực trạng và giải pháp do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức sáng 26/4/2018 (Ảnh: Lại Cường)
Toàn cảnh hội thảo Tuyển sinh trường Tư thục: Thực trạng và giải pháp do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức sáng 26/4/2018 (Ảnh: Lại Cường)

Mở đầu hội thảo, ông Đào Ngọc Tước - Phó Tổng biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ:

“Trong quá trình chuẩn bị thực hiện Hội thảo này, tôi có vinh dự được trao đổi trước với thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie và được biết từ 30 năm trước, có hai trường tư thục đầu tiên ra đời là trường Marie Curie và Lương Thế Vinh với vị thế tiên phong mở đường ở lĩnh vực mà lâu nay chỉ có nhà nước tham gia, đó là giáo dục.

Tiếp nối sau sự thành công vang dội của hai ngôi trường này, giáo dục tư thục từ đó phát triển vượt bậc và theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến năm học 2017-2018, khối trường tư thục có 242 trường tiểu học (tương ứng 7.067 lớp, 159.697 học sinh) và 52 trường trung học cơ sở ứng với 2.202 lớp, 60.597 học sinh (bao gồm cả trường liên cấp)". 

Cụ thể bảng thống kê xem tại tài liệu đính kèm: Khối Tiểu học, Khối Trung học cơ sở

Phó tổng biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiết lộ thêm: “Thông tin mà chúng tôi có được, năm 2018 này tại Hà Nội, có 4 vạn học trò tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không được vào công lập.

Thành phố Hồ Chí Minh con số tương tự cũng là 2 vạn”.

Phó tổng biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiết lộ: “Thông tin mà chúng tôi có được, năm 2018 này tại Hà Nội, có 4 vạn học trò tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không được vào công lập. (Ảnh: Lại Cường)
Phó tổng biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiết lộ: “Thông tin mà chúng tôi có được, năm 2018 này tại Hà Nội, có 4 vạn học trò tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không được vào công lập. (Ảnh: Lại Cường)

Rõ ràng, Hiến pháp, Luật Giáo dục đã quy định quyền học tập của nhân dân, vậy không lẽ số lượng các em trên không được học nữa khi công lập không đáp ứng được?

Bởi thế, không thể phủ nhận vai trò của các trường tư thục đối với giáo dục nước nhà.

Vậy nhưng, việc hình thành, phát triển của các trường tư thục đang gặp vô vàn khó khăn. 

Được biết, hơn 1 tháng qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nói lên tiếng nói của các trường tư thục trong công tác tuyển sinh và đã nhận được rất nhiều ý kiến. 

Với mong muốn góp phần tháo gỡ cho công tác tuyển sinh của các trường tư thục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo này nhằm tìm kiếm các giải pháp đóng góp cho công tác quản lý của các Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng thời cũng tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn cho các trường tư thục.

Ông Tước cũng cho hay, ý kiến của các đại biểu hôm nay được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải và tập hợp thành Bộ kiến nghị gửi đi các cơ quan hữu trách.

Thùy Linh