Huyền thoại về người thầy trên Biển Hồ!

09/10/2016 08:16
Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ
(GDVN) - Có chút vốn liếng tích trữ mang sang nhưng như muối bỏ biển nên chỉ còn cách kêu gọi từ thiện, “Trăm dâu đổ đầu tằm” thầy vẫn âm thầm, quên ăn quên ngủ!

Câu chuyện thầy Trần Văn Tư, xa quê hương xứ sở sang Biển Hồ, mở trường ươm chữ cho học sinh nghèo đã trở thành huyền thoại, khiến cho du khách đặt chân đến Xiêm Riệp, Campuchia không thể không đến thăm trường học có một không hai này.

Nơi học sinh hàng ngày phải vật lộn với những con sóng gập ghềnh để đến lớp xin chữ!
Nơi học sinh hàng ngày phải vật lộn với những con sóng gập ghềnh để đến lớp xin chữ!

Bỏ làm ăn, mở lớp dạy chữ cho học sinh nghèo

Thầy Trần Văn Tư đến Biển Hồ vào năm 1976.

Lúc ấy tôi đến làm ăn, buôn bán nhưng sống với cộng đồng người Việt tại Biển Hồ, tôi thấy lo nhất chưa phải là cái ăn, cái mặc, mà trẻ em thất học, mù chữ.

Tôi trăn trở, không yên!

Trở về Việt Nam, thao thức, ám ảnh bởi những đứa trẻ mắt sáng ngời mà không biết chữ, nên năm 1979, tôi quay lại Biển Hồ. Không phải mang hàng sang bán mà mang theo mấy tập sách, vở, bút mực dạy miễn phí cho con em người Việt trên chiếc thuyền nhỏ của ông Nguyễn Văn Nam.

Tôi ngủ trên thuyền, còn ăn uống nhờ vào phụ huynh sinh sống trên Biển Hồ. Nay cơm nhà này, mai cơm nhà khác, cứ như vậy, hàng ngày dạy học cho một lớp học sinh 31 em tập đọc, tập viết”, thầy Tư nhớ lại.

Thầy chẳng nhớ đã dạy được bao nhiêu lớp,  xóa mù chữ cho bao nhiêu học sinh: “Cũng chẳng thành cấp, thành lớp gì cả. Tôi chỉ dạy cho các em đọc thông viết thạo, biết cộng trừ nhân chia là dừng lại, tiếp tục mở lớp khác”, thầy Tư trao đổi.

Năm 1989, khi bộ đội tình nguyện Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, lo sợ chiến tranh và thảm họa Pôn Pốt, thầy Tư về Tây Ninh, Việt Nam.

Thầy Tư theo dõi các cháu học sinh ăn trưa tại trung tâm.
Thầy Tư theo dõi các cháu học sinh ăn trưa tại trung tâm.

Về Tây Ninh, nỗi nhớ Biển Hồ, nhất là các em khiến tôi không tài nào ngủ được. Cứ chợp mắt là tôi lại thấy đôi mắt đen lay láy của các em như van lơn, cầu khẩn.

Tôi ôm ấp hoài bão mở một ngôi trường trên sông nước Biển Hồ để giúp trẻ em nghèo cộng đồng Việt sinh sống ở đây, thế là năm 2006, tôi quay trở lại. Tiếng gọi của trái tim đã thúc giục tôi trở lại Biển Hồ”.

Nhưng trở lại Biển Hồ lần này, lớp học  không còn, học sinh phần lớn đã nên vợ nên chồng.

Có em đã sinh 5 con và tiếp tục cuộc sống quẩn quanh, nghèo khổ, bập bênh sông nước và con cái họ lại tiếp tục mù chữ.

Thầy Trần Văn Tư đã xin chính quyền ấp 7 xã Chong Khơ Nia, huyện Siêm Riệp cho thầy ở lại, lập ngôi trường trên sông nước cho trẻ em nghèo cộng đồng người Việt tại Biển Hồ.

Thầy được chấp thuận, một mình ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, thầy lại bắt đầu từ không đến có, từ bàn tay trắng dựng nên Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo .

Một mình, trăm thứ lo

Một mình thầy xoay như chong chóng, tất tần tật lo đủ thứ từ cơ sở vật chất, Sách giáo khoa cho đến lo ăn, ở, ốm đau, sức khỏe cho học sinh.

Học sinh cộng đồng người Việt tại Biển Hồ hầu hết sinh ra trong gia đình nghèo. Theo điều tra của chúng tôi, hiện tại Biển Hồ có 539 hộ, 2041 nhân khẩu, sống bập bênh trên thuyền bằng nghề đánh bắt cá.

Những năm gần đây, hạn hán, Biển Hồ cạn nước, chính quyền Campuchia thực hiện chính sách khai thác hải sản ngặt nghèo hơn, nên đời sống của cư dân cộng đồng người Việt vô cùng bấp bênh.

Đã nghèo, họ sinh đẻ không có kế hoạch, nhiều gia đình có từ 5 đến 9 con, cho nên 5, 7 tuổi đã theo cha mẹ lênh đênh trên thuyền kiếm kế mưu sinh, quen với giăng lưới, thả câu bắt cá, bắt rắn; xa lạ với sách vở, bút giấy… nên hầu hết đều mù chữ!

Giải bài toán xóa mù cho học sinh, thầy Trần Văn Tư đã phải giải luôn bài toán ăn, ở, sinh sống cho học sinh.

Là bởi vì, không có ăn, có mặc, các em đến lớp ba bữa rồi cũng bỏ, cho nên muốn các em đến trường phải nuôi dạy tại chỗ theo hình thức bán trú may ra mới thành công.

Tôi lo nghĩ nát óc, mình cũng chẳng giàu có gì. Có chút vốn liếng tích trữ bấy lâu nay mang sang đầu tư vào lớp học nhưng như muối bỏ biển, chẳng ăn thua.. thì chỉ có cách là kêu gọi từ thiện”, thầy Tư chia sẻ.

Thầy Tư cùng các con trai và con dâu.
Thầy Tư cùng các con trai và con dâu.

Một mình thầy vừa Hiệu trưởng vừa đảm đương chức trách giáo viên, kế toán, văn thư, bếp trưởng vừa tay hòm chìa khóa, lo sách vở bút giấy và quản  lý học sinh.

Huyền thoại về người thầy trên Biển Hồ! ảnh 4

Thế nào là một Hiệu trưởng tốt?

“Trăm dâu đổ đầu tằm”, thầy âm thầm, lặng lẽ, quên ăn, quên ngủ.

Vừa bỏ phấn xuống xong, thầy lại cùng một số học sinh ra bè muống hái rau. 

Học sinh gần gũi, quý mến xem thầy như ông, như bố và nhà trường như chính ngôi nhà của mình.

Thầy và trò quần tụ trong trường học như một đại gia đình nghèo vật chất nhưng ăm ắp tình yêu thương.

Năm 2009, thương chồng, bà Nguyễn Thị Diệu (vợ thầy Tư) sang Biển Hồ “chung lưng đấu cật” với thầy.

Hai con trai của thầy là Trần Hồng Sơn (sinh năm 1982), Trần Hồng Trung (sinh năm 1984) sau khi tốt nghiệp lớp 12 Trung học Phổ thông không đầu đơn vào Đại học hay Cao đẳng mà sang Biển Hồ với bố, làm giáo viên thiện nguyện xóa mù chữ cho con em cộng đồng người Việt.

Thế là cả gia đình thầy Trần Văn Tư quây tụ thành một tập thể Sư phạm hết lòng vì sự nghiệp trồng người, nơi xa Tổ quốc tình người vẫn ánh lên giữa những con người chân phương, giàu tình cảm!

(Còn tiếp).

Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ