Khen thưởng học sinh cuối năm như đánh đố thầy cô

27/05/2016 07:52
Đỗ Quyên
(GDVN) - Giờ điều làm cho phần lớn giáo viên đau đầu nhất là chọn cho ra những học sinh nổi trội về các mặt để khen thưởng vào cuối năm học.

LTS: Thông tư 30 được Bộ GD&ĐT ban hành từ tháng 8/2014, nhằm đánh giá học sinh tiểu học qua những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. 

Vào cuối mỗi học kì và cuối năm học, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các giáo viên bộ môn tổng kết, đánh giá... Cứ cuối học kỳ 1 và cuối năm học lại rầm rộ chuyện khen thưởng học sinh.

Hôm nay, cô giáo Đỗ Quyên – một cô giáo Tiểu học đưa ra nhìn nhận, đánh giá của mình trong việc khen thưởng học sinh, cô cho rằng công việc này như đánh đố thầy cô. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Theo hướng dẫn của Thông tư 30, các lớp sẽ tổ chức bình chọn công khai ở lớp nhưng trước đó, các thầy cô cũng phải định hình trước những học sinh nào xứng đáng nằm trong những vị trí khen thưởng để hướng các em chọn lựa một cách chính xác.

Thông tư 30 quy định việc khen thưởng cho học sinh: “Cuối học kì 1 và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng”.

Khen thưởng học sinh cuối năm như đánh đố thầy cô ảnh 1
Khen thưởng học sinh cuối năm như đánh đố thầy cô (Ảnh: tuoitre.vn)

Với quy định này, học sinh sẽ được khen thưởng về nhiều mặt như học tập, năng lực, phẩm chất hay các hoạt động về phong trào thi đua như giữ vở sạch viết chữ đẹp, nhiệt tình trong công tác Đội…Một học sinh nếu không được khen về mặt này sẽ được khen về mặt khác.

Nếu cứ để các lớp tự chọn số lượng học sinh được khen thì không biết con số sẽ được chốt ở mức nào? 

Để hạn chế việc một số thầy cô giáo “phóng tay”, xảy ra tình trạng “lạm phát” học sinh được khen thưởng thường thì một số trường học khống chế số lượng học sinh sẽ được khen trong một lớp. Số lượng khống chế nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào từng hiệu trưởng, phụ thuộc vào quỹ khen thưởng của mỗi trường.

Khen thưởng học sinh cuối năm như đánh đố thầy cô ảnh 2

Cầm tờ giấy khen con đem về mà buồn nhiều hơn vui!

(GDVN) - Tờ giấy khen vốn rất cao quý, vinh dự nhưng được trao một cách quá dễ dàng thì giá trị cũng chẳng còn bao nhiêu.

Giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh bình chọn ra các bạn nổi trội trong lớp mình có sự tham dự của đại diện hội phụ huynh lớp. Những học sinh được bạn đề cử phải tự nói về mình cả mặt ưu và khuyết, sau đó từng học sinh trong lớp có ý kiến đồng tình hoặc bổ sung thêm những nhận xét của mình. 

Cuối cùng là kết luận của chính thầy cô sau khi đã tham khảo ý kiến giáo viên dạy một số môn học khác.

Dù nhỏ tuổi, các em cũng đã có sự ganh đua quyết liệt. Có mặt trong một buổi bình chọn của học sinh lớp 1, tôi thật bất ngờ về điều đó. 

Ngoài việc học sinh rất mạnh dạn tự đề cử mình với sự khẳng định chắc chắn: Con học giỏi, ngoan, biết giúp đỡ cha mẹ việc nhà…Nhưng khi nói về bạn, điểm tốt, mặt nổi trội của bạn thì ít, nhiều em đứng lên chỉ “tố” các bạn với đủ các lỗi được nêu ra như bạn đánh em, đánh bạn này, trêu bạn kia, ngồi nói chuyện trong giờ học, mua hàng ngoài cổng, đi học muộn…

Trước tình huống ấy, nhiều thầy cô không khéo léo giải thích cho học sinh hiểu cần ghi nhận những thành tích nổi trội của bạn, một số khuyết điểm ấy bạn đã được góp ý và sửa chữa trong thời gian vừa qua thì buổi bình chọn sẽ mang một ý nghĩa khác.

Khen thưởng học sinh cuối năm như đánh đố thầy cô ảnh 3

Những lời phê hời hợt, vô cảm như vậy thì phê để làm gì?

(GDVN) - Khi đặt bút phê cho học trò hay lãnh đạo phê cho cấp dưới của mình cần cẩn trọng, đầu tư để những lời phê không làm nản lòng học sinh, nhân viên của mình.

Nói đến những ưu điểm của Thông tư 30, câu đầu tiên ai cũng được nghe rằng: “Thông tư 30 mang đậm tính nhân văn, tránh được tình trạng so sánh học sinh này với học sinh khác…”. 

Điều này chỉ đúng khi hàng ngày thầy cô dạy học trên lớp không so sánh các em học sinh với nhau.

Nhưng khi xét thi đua khen thưởng cuối kì hoặc cuối năm học để chọn ra học sinh để khen thưởng thì làm sao tránh được tình trạng không so sánh? Vậy là quy định này giống như đánh đố các thầy cô. 

Chưa nói đến việc một số phụ huynh không vừa lòng khi con của mình không được nằm trong danh sách khen thưởng, người gọi điện, người lên chất vấn thầy cô, người kể tội cả những cô bé, cậu bé học chung với con mình, người sỗ sàng la mắng con theo kiểu: “Sao không biết nói với cô bạn Mai ở nhà còn hay nói tục, bạn Bình hay vào quán Internet”…

Xưa nay chuyện bình bầu khen thưởng người lớn làm còn không xong, sao lại cho con trẻ vốn ngây thơ trong sáng phải chịu những áp lực này? 

Đỗ Quyên