Khó đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn một cách chính xác

12/02/2018 06:06
Phan Tuyết
(GDVN) - Ngoài tiêu chí 6 đánh giá bằng định lượng thì những tiêu chí còn lại của các tiêu chuẩn hầu như chỉ đánh giá bằng định tính vì rất khó minh chứng cụ thể.

LTS: Với những tiêu chí chuẩn hiệu trưởng trường phổ trong dự thảo mới ban hành mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô giáo Phan Tuyết đưa ra những phân tích để thấy rằng rất khó để đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn một cách chính xác.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông.

Theo đó, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông gồm 5 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí.

Cụ thể, 5 tiêu chuẩn bao gồm:

Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; năng lực quản trị nhà trường; năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ và năng lực phát triển quan hệ xã hội.

Để đánh giá chính xác những tiêu chuẩn này không phải điều dễ.

Vì nhiều tiêu chuẩn khó định lượng cụ thể (trừ tiêu chuẩn 2: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học).

Thế nên không tránh khỏi việc đánh giá các tiêu chuẩn ấy một cách cảm tính.

Ảnh minh họa đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại.
Ảnh minh họa đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại.

Tiêu chuẩn đánh giá bằng định lượng

Với tiêu chuẩn 2: Hiệu trưởng vững vàng về chuyên môn; am hiểu nghiệp vụ sư phạm, quản trị nhà trường; sử dụng được ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường.

Với người hiệu trưởng thì những điều quy định ở tiêu chuẩn này là cần thiết.

Vì người hiệu trưởng một trường học, lãnh chỉ đạo hàng chục giáo viên phải là người có chuyên môn vững vàng, am hiểu nghiệp vụ sư phạm.

Hiệu trưởng giỏi chuyên môn nghiệp vụ đương nhiên giáo viên sẽ nể phục và hợp tác tốt trong công việc.

Quy định tiêu chuẩn này để một giáo viên muốn được là cán bộ quản lý giáo dục trước hết cần học hỏi, rèn luyện để nâng cao tay nghề chuyên môn.

Riêng ở tiêu chí 6: Sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc đối với hiệu trưởng công tác ở vùng dân tộc thiểu số) và tin học.

Khó đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn một cách chính xác ảnh 2Bộ cần quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng trước khi trao quyền tự chủ!

Yêu cầu này tuy không mới so với Chuẩn hiệu trưởng cũ nhưng mức độ cần đạt lại cao hơn. Cụ thể:

Có 3 mức để đánh giá: Mức 1 thể hiện ở những minh chứng như có kiến thức nhưng chưa tự giao tiếp được bằng 1 trong 5 ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc (hoặc tiếng dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số); Sử dụng tin học văn phòng, Internet để soạn thảo và xử lý văn bản đơn giản qua mạng...

Mức 2: Giao tiếp thành thạo; Xây dựng môi trường sử dụng 1 trong 5 ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc (hoặc tiếng dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số) và các phần mềm quản lý trường học hiệu quả.

Mức 3: Đánh giá được sử dụng 1 trong 5 ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc (hoặc tiếng dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số) và các phần mềm quản lý trong nhà trường;

Sử dụng thành thạo 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết của 1 trong 5 ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc (hoặc tiếng dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số) hoặc hoàn thành các chương trình đào tạo quốc tế, được cấp chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh, tin học.

Với tiêu chí 6 quy định thế này sẽ có khá nhiều hiệu trưởng hiện nay chỉ đáp ứng được ở mức 1 có kiến thức nhưng không tự giao tiếp được (không loại trừ cả những hiệu trưởng có bằng ngoại ngữ nhưng chẳng biết gì).

Còn mức 2 và mức 3 có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay trừ những hiệu trưởng bậc trung học trở lên mà có chuyên môn từ ngoại ngữ.

Tuy nhiên việc đề ra tiêu chí này sẽ tạo thành cái đích, cái ngưỡng cần đạt để các hiệu trưởng phải cố gắng phấn đấu đạt được.

Tiêu chí đánh giá bằng định tính

Khó đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn một cách chính xác ảnh 3Chân dung Hiệu trưởng tương lai qua phác thảo của Bộ Giáo dục

Ngoài tiêu chí 6 đánh giá bằng định lượng thì những tiêu chí còn lại của các tiêu chuẩn hầu như chỉ đánh giá bằng định tính vì rất khó minh chứng cụ thể.

Việc đánh giá bằng định tính còn phụ thuộc vào tình cảm cá nhân như yêu hay ghét thậm chí chưa đạt cũng phải dối lòng ghi đạt vì sợ bị trù dập.

Thế nên việc đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn mới này phụ thuộc khá nhiều ở cách thức đánh giá.

Nếu tổ chức đánh giá một cách chặt chẽ, khách quan chúng ta sẽ có kết quả tương đối chính xác.

Còn đánh giá cho có (khi giáo viên cảm thấy không an toàn cho chính mình) sẽ dẫn đến việc hiệu trưởng nào cũng đạt Chuẩn dù thực tế không phải vậy.

Điều cần bổ sung, theo suy nghĩ của chúng tôi, cần quy định rõ ràng việc triển khai đánh giá một cách tường minh và phải luôn đảm bảo được “an toàn” cho người đánh giá.

Phan Tuyết