Kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm để học sinh lớp 12 tự tin trước thi Quốc gia

04/12/2016 07:15
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Nhà trường và các thầy cô giáo đang nỗ lực giúp các em học sinh cuối cấp có đủ tự tin, kiến thức, kỹ năng tốt nhất để vượt qua kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

LTS: Trước kỳ thi THPT quốc gia năm tới, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chia sẻ câu chuyện về công tác chuẩn bị cho học sinh làm quen với dạng đề mới tại một số trường THPT.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trước những cải tiến, đổi mới mạnh mẽ về môn thi, cách thức thi của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, mới đầu, không ít thầy cô giáo và học sinh lớp 12 tỏ ra hoang mang, lo lắng.

Tuy nhiên, đến nay (sau gần 2 tháng công bố) cái cảm giác ấy đã dần qua đi, thay vào đó là một tâm thế tự tin, lạc quan vào kỳ thi sắp tới.

Sau khi các cấp quản lý, nhà trường, các thầy cô giáo chỉ đạo, tiến hành tổ chức, tập dượt, kiểm tra, thi theo hình thức giống như đề thi mẫu Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy và trò đều cảm thấy tự tin hơn.

Học sinh lớp 12 đang được chuẩn bị kỹ càng cho những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. (Ảnh: Thanhnien.vn)
Học sinh lớp 12 đang được chuẩn bị kỹ càng cho những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. (Ảnh: Thanhnien.vn)

Tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Quảng Ngãi), ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án thi chính thức, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ, nhóm bộ môn, nhất là các môn lần đầu thi trắc nghiệm khách quan thay đổi cách dạy học phù hợp với hướng ra đề mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Theo đó, đặc biệt chú trọng cách dạy học bao quát, toàn diện các nội dung, từng đơn vị kiến thức các môn học. 

Riêng môn Toán và các môn theo bài thi tổ hợp tự nhiên, thầy, cô giáo tăng cường hướng dẫn thêm học sinh cách sử dụng máy tính cầm tay, sử dụng kỹ năng tính toán theo cách nhanh nhất. 

Trường cũng đã tổ chức kiểm tra 1 tiết, 15 phút theo hình thức trắc nghiệm khách quan, tuy nhiên, qua các bài kiểm tra theo đề thi mẫu, các em vẫn còn gặp khó khăn, lúng túng, làm bài, thao tác chậm.

Nhiều em cho rằng thời gian làm bài còn ít. Vì vậy, kết quả kiểm tra chỉ có khoảng 50% học sinh đạt điểm trên trung bình. 

Nhằm giúp học sinh lớp cuối cấp nhuần nhuyễn, thành thạo hơn với hình thức thi mới, trường tiếp tục chỉ đạo các giáo viên bộ môn tăng cường kiểm tra bài tập, tổ, nhóm bộ môn tham gia xây dựng đề cương ôn tập chi tiết, từng bài.

Học sinh được hướng dẫn cách học và cách làm bài theo mẫu mới, mở thêm những lớp phụ đạo dành cho số học sinh khả năng tiếp thu và kết quả điểm còn yếu, kém.

Kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm để học sinh lớp 12 tự tin trước thi Quốc gia ảnh 2

Những tín hiệu tích cực từ việc điều chỉnh tổ hợp xét tuyển các môn thi

Không riêng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng đang tích cực, chủ động xây dựng phương án thi học kỳ 1, học kỳ 2 cho cả 3 khối 10, 11, 12 theo hình thức thi mới. 

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo các trường THPT tổ chức thi học kỳ 1 tương tự như một kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. 

Theo đó, tổ chức hình thức kiểm tra từng bài đối với các môn Toán, Văn, Tiếng Anh.

Còn bài kiểm tra chung đối với tổ hợp môn tự nhiên và khoa học xã hội, học sinh chọn một trong hai bài thi. Mỗi học sinh có số báo danh, đề thi riêng. 

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng học sinh bậc THPT nhiều nhất cả nước. 

Ngành giáo dục Thành phố luôn có nội dung, chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là bậc học THPT trước những điều chỉnh, thay đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thi cử và xét tuyển. 

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa có hướng dẫn kiểm tra học kỳ 1 đối với các trường phổ thông.

Trong đó, riêng khối 12, các trường biên soạn đề các môn: Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân theo hình thức trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn. 

Mục đích của việc ra đề là để học sinh làm quen, tiếp cận với đề thi THPT quốc gia sắp đến. 

Một số giáo viên ở quận Quận 3, Quận Tân Phú nêu lên những khó khăn: “Chỉ có một khoảng thời gian ngắn để thay đổi hẳn cách dạy học không hề đơn giản, nhiều giáo viên gặp lúng túng, thậm chí rất áp lực.

Hơn nữa, hiện tại, chúng tôi vẫn phải tập trung dạy cho kịp chương trình nên rất ít thời gian hướng dẫn cho học sinh.

Qua vài lần kiểm tra, thử sức kiểu như đề thi minh họa, điều dễ nhận thấy nhất là tốc độ làm bài thi của các em khá chậm vì chưa làm quen với dạng đề này bao giờ. Do vậy, rất sợ rủi ro khi ra đề và chấm thi.

Từ thực tế nghiên cứu, soạn thảo câu hỏi, nhiều trường chất lượng, thầy, cô giáo dạy giỏi, có kinh nghiệm ở các địa phương đều có chung một nhận xét:
 
Để soạn thảo được một tài liệu, một đề kiểm tra trắc nghiệm thì rất vất vả, tốn kém nhiều công sức và thời gian, khác xa so với làm đề tự luận. 

Kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm để học sinh lớp 12 tự tin trước thi Quốc gia ảnh 3

Trường chuyên nói gì về thi trắc nghiệm môn Giáo dục công dân?

Muốn có một đề trắc nghiệm, với số lượng lớn câu hỏi, phải có ma trận đề rõ ràng, chi tiết để nắm bắt độ khó, dễ của từng câu hỏi. 

Mà nhận diện được chính xác 4 mức độ đánh giá: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao… không phải giáo viên nào cũng có thể đáp ứng được. 

Mặt khác, nếu như không có thời gian thực nghiệm các mức độ của đề trắc nghiệm thì yếu tố chủ quan của người ra đề là rất cao.

Một số giáo viên cốt cán, đồng nghiệp của tôi đang tham gia lớp tập huấn và làm đề trắc nghiệm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 27/11 đến ngày 1/12 cho biết:

Qua lớp học này, chúng tôi mới sáng tỏ ra nhiều điều mới mẻ và khó khăn của việc ra đề, ma trận đề trắc nghiệm khách quan.

Chúng tôi phải căng đầu, căng mắt lên để soạn 100 câu hỏi trắc nghiệm cho từng bài học theo yêu cầu của các chuyên gia trong một khoảng thời gian nhất định. 

Áp lực, mệt mỏi thật sự nhưng chúng tôi rất vui, vì có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng chuẩn làm đề trắc nghiệm để khi về địa phương được truyền đạt, hướng dẫn, tập huấn lại cho các giáo viên, đồng nghiệp của mình.
” 
       
Ra đề tự luận đã khó, ra đề trắc nghiệm càng khó hơn, đòi hỏi mỗi thầy cô giáo phải tâm huyết, đào sâu nghiên cứu, học hỏi. 

Sản phẩm trí tuệ, khoa học của thầy cô giáo có tốt, có chuẩn mới định hướng, phân hóa tốt được học sinh trong quá trình học tập - kiểm tra - đánh giá. 

Hy vọng với sự quan tâm, đầu tư, chuẩn bị, chỉ dẫn căn cơ của các nhà trường, giáo viên, các em học sinh cuối cấp có đủ tự tin, kiến thức, kỹ năng tốt nhất để dễ dàng vượt qua kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Đỗ Tấn Ngọc