Làm sao bỏ thi vào lớp 10 được đây?

07/03/2018 07:23
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Tôi cho rằng phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10 ở những nơi đông học sinh vẫn là chọn lựa tốt nhất hiện nay.

LTS: Với mong muốn đưa ra những trao đổi với tác giả Đăng Bình - tác giả bài viết “Bộ Giáo dục nên bỏ kì thi vào lớp 10” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 04/03/2018, tác giả Sông Trà đã đưa ra những quan điểm của mình xung quanh vấn đề này.

Tôn trọng những ý kiến đánh giá đa chiều của tác giả, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đọc bài “Bộ Giáo dục nên bỏ kì thi vào lớp 10” của tác giả Đăng Bình trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 04/03/2018, tôi nhận thấy tác giả Đăng Bình không phải là “người trong cuộc” nên nên chưa rõ “sự tình” của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Kiến nghị, Bộ Giáo dục nên bỏ kỳ thi vào lớp 10 của tác giả khiến một bạn đọc tên "lelong" bình luận ngắn gọn rằng: “Thêm một đề xuất "lạ" chỉ làm rối ren thêm....”.

Có nên bỏ kì thi tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: TTXVN).
Có nên bỏ kì thi tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: TTXVN).

Với góc nhìn, trải nghiệm của một thầy giáo có 22 năm dạy học, quản lý giáo dục ở bậc học trung học phổ thông, từng kinh qua nhiều cuộc “bể dâu” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc xét và thi tuyển sinh vào lớp 10 lâu nay, tôi xin có mấy ý kiến muốn trao đổi lại cùng tác giả Đăng Bình.

Để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong xét tuyển sinh đầu cấp, hết lớp 9 lên lớp 10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 12/2006/QĐ- BGD&Đ, ngày 5/4/2006 về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.

Theo đó, căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, từng khu vực mà Sở Giáo dục và Đào tạo hàng năm quyết định lựa chọn hình thức tuyển sinh trung học phổ thông với 3 phương thức: 1. Xét tuyển; 2. Thi tuyển; 3. Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.  

Chọn phương thức xét tuyển thi bằng cách quy ra điểm, điểm được tính theo kết quả rèn luyện và học tập, điểm cộng thêm (trong 4 năm học trung học cơ sở) điểm xét tuyển.  

Làm sao bỏ thi vào lớp 10 được đây? ảnh 2Bộ Giáo dục nên bỏ kì thi vào lớp 10

Nếu chọn phương thức thi tuyển thì môn thi, thời gian làm bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm cộng thêm và điểm xét tuyển được hướng dẫn khá rõ ràng, đầy đủ trong Quyết định trên.

Lâu nay, đối với các huyện thuộc miền núi, hải đảo, số lượng học sinh đăng ký vào lớp 10 thấp hơn hoặc bằng với chỉ tiêu của tỉnh giao thì các trường trung học phổ thông ở đó sẽ thực hiện phương thức xét tuyển.

Còn đối với các huyện, thành phố, nơi có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 10 lớn hơn hoặc bằng tỉ lệ so với chỉ tiêu của cấp trên giao thì Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông thuộc khu vực trên mới tổ chức thực hiện phương án Thi tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Có nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi thời gian trước đây từng chọn phương thức xét tuyển.

Cái được của phương thức này là học sinh lớp 9 lên lớp 10 không bị áp lực, vất vả với việc học, ôn tập, thi các môn: Ngữ văn, Toán, môn thi thứ ba (nếu chọn thêm).

Chuyện dạy học thêm, ôn luyện ở lớp 9 cũng giảm bớt đi phần nào và đỡ chi phí, tốn kém về tiền bạc, kinh phí cho công đoạn tổ chức thi, chấm thi…

Thế nhưng, phương thức này không được các địa phương duy trì dài lâu mà đành phải chuyển sang phương thức thứ 2 là thi tuyển.

Vì sao vậy?

Nguyên nhân chính là nhiều trường trung học cơ sở đánh giá không chính xác, khách quan, công bằng, đồng bộ kết quả hạnh kiểm và học lực của học sinh.

Làm sao bỏ thi vào lớp 10 được đây? ảnh 3Dễ dãi cho điểm học sinh: Hậu quả đây!

Năm đầu tiên thì nghiêm túc, chặt chẽ đến năm thứ hai, thứ ba trở đi, các nhà trường, thầy cô giáo có tư tưởng, tâm lý “thương” học sinh của mình và đã thi nhau cho điểm khá, giỏi để học sinh của lớp, trường mình không bị thua thiệt so với các em trường khác.

Bệnh thành tích và “thương” học trò của cấp trung học cơ sở  nó hiển hiện một cách sâu đậm ở kết quả học lực, hạnh kiểm 4 năm và nhất là năm lớp 9.  

Chúng tôi dạy ở bậc trung học phổ thông, sau vài tháng hay một học kỳ nhận ra hàng loạt em học sinh lớp 10 học rất yếu, rất tệ.

Chúng tôi thường nói vui với các đồng nghiệp, học sinh diện ấy là “đỗ oan” (song bảng điểm cấp trung học cơ sở lại vô cùng đẹp, toàn khá, giỏi, điểm cao chót vót).

Độc giả Bá Hùng ở dưới bài chia sẻ: “Mời tác giả bài này đến học tập kinh nghiệm gần 10 năm tuyển học sinh vào lớp 10 ở tỉnh Khánh Hòa nhé.

Học sinh giỏi đông như quân Nguyên đến độ có năm trường điểm phải mở thêm lớp mới nhận đủ số học sinh này.

Theo dự đoán năm nay, học sinh ngoài việc 4 năm xếp loại giỏi còn phải có tổng điểm trung bình các môn phải từ 9 trở lên mới có cơ hội vào trường điểm”.


Một bạn đọc khác ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng thí nghiệm bỏ thi lớp 10 ở 1 số quận.

Làm sao bỏ thi vào lớp 10 được đây? ảnh 4Thêm một trường không tuyển sinh lớp 10 chuyên ở Thành phố Hồ Chí Minh

7 năm trước, kết quả là học trò đầu vào be bét cũng học được trường top của quận do có hộ khẩu gần trường, làm cho trường đi xuống be bét về mọi mặt. Vài năm sau bắt buộc thi trở lại.

Tác giả hãy nghĩ không có thi cử thì học sinh Việt Nam chịu học bài không?

Tác giả không thấy mỗi lần trường hay thầy cô bị bệnh cho nghỉ là các em mừng muốn chết. Chuyện gì khó xảy ra”.

Không thi, chỉ xét tuyển, biết bao cái được, cái lợi cho học sinh, phụ huynh và nhà nước nhưng lại buông xuôi, bất lực, chẳng có biện pháp hữu hiệu nào để các nhà trường, thầy cô giáo ở cấp trung học cơ sở thật sự trung thực, trách nhiệm trong việc đánh giá, xếp loại học sinh. 

Tình trạng “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, cấp cơ sở không chịu thực hiện đúng với chủ trương, chỉ đạo, quy định đúng đắn của ngành… vẫn phơi bày ra đấy thì làm sao trông mong chất lượng giáo dục nước nhà tốt lên được?

Tôi cho rằng phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10 ở những nơi đông học sinh vẫn là chọn lựa tốt nhất hiện nay.         

SÔNG TRÀ