Lãnh đạo Trường Yên Thường thừa nhận có dạy thêm, học thêm, chưa hiểu pháp luật

23/11/2016 09:40
Trực Ngôn
(GDVN) - Lãnh đạo Trường Yên Thường cho biết, vì chưa hiểu luật nên nhà trường có sơ suất, tình trạng dạy thêm,học sinh ghi chép các khoản thu là có và đã nhắc nhở.

“Sơ suất vì chưa cập nhật Luật Báo chí”

Như trước đó Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài Bị tố lạm thu, lãnh đạo Trường Yên Thường cấm cửa báo chí, phản ánh về việc lãnh đạo Trường Tiểu học Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội bị phụ huynh phản ánh việc chưa công khai, minh bạch, bất cập trong công tác thu chi, học thêm.

Bên cạnh đó lãnh đạo đơn vị này không tiếp phóng viên vì đã được tập huấn trong công tác truyền thông, báo chí.

Phân trần về sự việc không tiếp phóng viên vì chưa có thẻ nhà báo, sáng ngày 22/11 lãnh đạo Trường Tiểu học Yên Thường đã thừa nhận có sơ suất, với lý do vì chưa cập nhật Luật Báo chí từ khi được tập huấn đến nay.

Lãnh đạo Trường Yên Thường thừa nhận có dạy thêm, học thêm, chưa hiểu pháp luật  ảnh 1

Bị tố lạm thu, lãnh đạo Trường Yên Thường "cấm cửa" báo chí

(GDVN) - “Trong buổi tập huấn, các thầy lãnh đạo Sở Giáo dục chỉ đạo phóng viên không có thẻ nhà báo thì không tiếp”, bà Thạch Thị Phương khẳng định.

“Do tính chất công việc chuyên môn nhiều, nên chúng tôi cũng chưa kịp cập nhật Luật Báo chí nên cũng có sơ suất trong việc tiếp phóng viên. Phía nhà trường cũng đã biết lỗi này rồi.

Sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi cũng đã có Báo cáo số 80/BC-THYT, ngày 21/11/2016 giải trình với Phòng Giáo dục và Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm về vụ việc”, cô Lê Bích Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thường thừa nhận có sơ suất với phóng viên.

Còn cô Thạch Thị Phương, Hiệu phó nhà trường phân trần: “Tôi cũng chưa cập nhật Luật Báo chí mới, mà đi tập huấn thì được các thầy nhắc nhở vậy nên chị nghĩ phóng viên thì phải có thẻ nhà báo mới làm việc được”.

Những lãnh đạo trên cũng cho biết thêm, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hiện nay đã nghỉ hưu.

Tuy nhiên thì ông Thống cũng được Sở mời về để tập huấn cho các trường trong việc triển khai công tác thông tin truyền thông.

“Thu theo thỏa thuận, có việc dạy thêm nhưng đã nhắc nhở”

Liên quan đến việc phụ huynh phản ánh, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Yên Thường đã ban hành rất nhiều các khoản phí, không cho in các bảng thông báo nộp các khoản phí hàng tháng, rồi sau đó giáo viên lại đọc cho học sinh chép vào vở  và gửi về cho phụ huynh, khi phụ huynh nộp tiền thì không có chứng từ, hóa đơn thu tiền.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng đưa ra bất cập, việc giáo viên trong trường đọc các khoản thu cho học sinh chép rất dễ dẫn đến việc thiếu chính xác về số tiền do nhầm lẫn.

Hơn nữa, học sinh đi học thêm tại nhà giáo viên và có giáo viên thu gộp luôn học phí học thêm vào khoản thu hàng tháng cho nên rất dễ lẫn lộn và mập mờ?

Liên quan đến vấn đề trên, lãnh đạo Trường Tiểu học Yên Thường cho biết, nhà trường đã có sự công khai, minh bạch, 100% là cha mẹ học sinh đồng ý khi đưa ra các khoản thu.

Về phần xã hội hóa giáo dục, trong năm học 2016-2017, nhà trường chưa có chủ trương vận động xã hội hóa giáo dục.

“Tất cả các khoản thu chúng tôi đã có tờ trình lên UBND huyện Gia Lâm, và được sự phê duyệt chúng tôi mới triển khai thu chứ không có sự mập mờ. Đồng thời nhà trường cũng chưa có chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Ban lãnh đạo Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm - Hà Nội) trong buổi làm việc với phóng viên (ảnh HC)
Ban lãnh đạo Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm - Hà Nội) trong buổi làm việc với phóng viên (ảnh HC)

Về hình thức thông báo các khoản thu có nhiều hình thức khác nhau, thông báo trên giấy, thông báo bằng miệng,.. Trong đó kế hoạch về các khoản thu của nhà trường đưa tới các phụ huynh.

Nhà trường cũng đã có sự công khai các khoản thu, đến 100% là cha mẹ học sinh đồng ý, ký thỏa thuận với nhà trường. Còn về phiếu thu, biên lại, các lớp đều có danh sách học sinh kèm theo, việc này bộ phận kế toán phải thực hiện theo đúng quy định.

Học sinh tiểu học thì không có biên lai thu tới từng học sinh, mà đây là viết biên lai thu theo lớp, theo sự chỉ đạo của nghành dọc.  

Đối với các cháu học sinh lớp 4, lớp 5, thì chúng tôi cũng thỏa thuận với cha mẹ học sinh, vì các cháu lớn rồi thì viết các khoản thu vào vở mang về nhà cho phụ huynh.

Còn lớp 1, 2, 3 các cháu bé thì chúng tôi có phiếu thu gửi về cho cha mẹ học sinh, và thu như thế nào thì giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh tự thỏa thuận với nhau”, bà Lê Bích Mai cho biết.

Nói về việc dạy thêm tại nhà và thu gộp các khoản thu, bà Mai cho biết, trong đầu năm học 2016-2017 có xảy ra tình trạng dạy thêm ở một số cô giáo. Tuy nhiên nhà trường đã nhắc nhở và yêu cầu thực hiện nghiêm túc theo đúng cam kết.

“Việc dạy thêm , nhà trường cũng đã quy định các giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Nghiêm cấm các thầy, cô giáo tuyệt đối không được dạy học thêm ngoài nhà trường.

Đầu năm học, các thầy, cô giáo trong nhà trường cũng đưa ra bản cam kết không được dạy thêm, học thêm.

Việc dạy thêm, học thêm, nhà trường cũng đưa ra giải pháp, phối hợp với chính quyền địa phương quán triệt không cho phép thầy, cô giáo được dạy thêm tại nhà, cô, thầy nào mà vi phạm thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Từ đầu năm, nhà trường cũng có phát hiện một đến hai trường hợp dạy thêm tại nhà, và chúng tôi cũng đã nhắc nhở , yêu cầu dừng ngay. Tuy nhiên thì cũng cần phải nói là do nhu cầu của phụ huynh là một phần.

Còn việc thu gộp ở tại nhà cô giáo chúng tôi đã quán triệt, phải thu theo đúng quy định, theo kế hoạch đã được đề ra”, bà Lê Bích Mai cho biết thêm.

Trực Ngôn