Lời khuyên của một Thạc sỹ để sinh viên tự “bảo hiểm chống thất nghiệp”

03/09/2015 07:42
ThS Ngô Mạnh Linh
(GDVN) - Doanh nghiệp mong muốn sinh viên làm được nhiều điều hơn là chỉ chú trọng về bằng cấp: Họ cần những người làm việc có kỹ năng mềm và kinh nghiệm thực tế.

LTS:  Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, tính đến đầu năm 2015 có hơn 170 ngàn cử nhân trình độ Đại học và trên Đại học ra trường thất nghiệp.

Thạc sỹ Ngô Mạnh Linh làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng tập trung phát triển các kỹ năng mềm và có kiến thức chuyên môn là chìa khóa cho việc chuẩn bị cho việc bước chân vào thị trường lao động khi sinh viên ra trường.

Thạc sỹ có một vài lời khuyên gửi tới các bạn sinh viên, tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.
 


Rất nhiều bạn sinh viên có tư tưởng chủ quan, cho rằng khái niệm “tìm việc làm” chỉ hiện hữu khi ra trường. Và thế là khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, các bạn bước vào thị trường lao động với một sự chuẩn bị…bằng 0. 

Thiếu kỹ năng mềm, thiếu kinh nghiệm thực tế, không tạo nổi một CV (Curriculum Vitae) chuyên nghiệp cho bản thân, không có khả năng viết một email xin việc mẫu mực, không có ngoại ngữ…

Và các bạn, những cử nhân với tấm bằng Đại học trên tay bị cú sốc quá lớn mang tên “thất nghiệp”.

Lời khuyên của một Thạc sỹ để sinh viên tự “bảo hiểm chống thất nghiệp” ảnh 1
Sinh viên ra trường và tình trạng thất nghiệp (Ảnh minh họa trên tienphong.vn)

Bằng cấp không phải là thứ bảo lãnh 100% cho khả năng có việc làm của người học. Không có một nền giáo dục nào dám khẳng định rằng người học khi tốt nghiệp có sự nghiệp tốt ngay lập tức. 

Hầu hết các doanh nghiệp chỉ nhận người làm việc vì sự thể hiện thực tế của người đó, và bằng cấp chỉ là điều kiện cần. Kết quả nghiên cứu của Claire Shaw (2013) cho thấy sinh viên tốt nghiệp đại học ở Anh quốc sẽ khó có khả năng xin việc nếu không có chút kinh nghiệm làm việc nào.

Lời khuyên của một Thạc sỹ để sinh viên tự “bảo hiểm chống thất nghiệp” ảnh 2

Người Việt thiếu kỹ năng ứng xử dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao

(GDVN) - Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, tính đến cuối năm 2014 có 131.600 cử nhân trình độ Đại học và trên Đại học ra trường thất nghiệp.

Thế nên, đừng chờ đến năm cuối cùng chỉ để đi thực tập một cách qua loa, hãy chọn cách bắt đầu sớm hơn.

Dưới đây là một số cách để các bạn trải nghiệm và có thêm những kỹ năng, kinh nghiệm bổ ích trước khi cầm tấm bằng tốt nghiệp ra trường: 

1. Hãy chủ động đặt câu hỏi với giảng viên dạy bạn về định hướng công việc. Không ai quay lưng lại với những sinh viên tràn đầy nhiệt huyết và có trách nhiệm với bản thân.

2. Hãy liệt kê những điều bạn thích, bạn giỏi vào một cuốn sổ tay. Tập kết nối những điều này bằng cách đặt ra câu hỏi: Điều nào mình giỏi có liên quan đến cái mình thích?

3. Hãy tham gia các mạng xã hội nghề nghiệp, đọc các website, tạp chí chuyên ngành. Hãy học cách sử dụng mạng xã hội nghề nghiệp Linked, Vietnamworks, Mylink; nghiên cứu các yêu cầu của nhà tuyển dụng cho những công việc cụ thể.

4. Hãy tham gia các hoạt động tình nguyện và xã hội. Việc tham gia các hoạt động  này giúp bạn trải nghiệm cuộc sống, sớm va chạm với những khó khăn trong hoạt động tập thể, rèn luyện khả năng làm việc nhóm.

Và tất nhiên, CV của bạn sẽ đẹp hơn nhiều với những chứng chỉ hoạt động tình nguyện bạn có được khi tham gia các hoạt động này.

5. Tham gia các hội chợ việc làm. Có rất nhiều hội chợ việc làm được tổ chức mỗi năm, và đó là cơ hội để các bạn sinh viên trải nghiệm “thị trường lao động”, được trực tiếp gặp gỡ các nhà tuyển dụng, được trao đổi và thực hành nhiều kỹ năng bổ ích.

Đừng ngần ngại bắt tay và xin namecard của các nhà tuyển dụng mà bạn mong muốn được làm việc cùng trong tương lai.

Kết quả điều tra do Helen Higson (2012)  tiến hành với các nhà tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học cho thấy cứ 3 sinh viên tốt nghiệp thì có 1 sinh viên xin được việc làm tại một doanh nghiệp hoặc một tổ chức đã biết họ từ trước đó. 

6. Hãy học tốt một ngoại ngữ. Việc bạn sử dụng được tiếng Anh, tiếng Nhật hay bất cứ một ngoại ngữ nào hoàn toàn có thể là vũ khí cực kỳ sắc bén giúp bạn nổi bật trên thị trường lao động. 

Và còn rất, rất nhiều những điều bạn có thể làm để “bảo hiểm” cho tương lai nghề nghiệp của mình, thay vì ngồi một chỗ và đổ lỗi cho số phận hay đợi chờ sự may rủi.

Những việc này có thể ảnh hưởng đến thời gian học tập của sinh viên, nhưng những gì các bạn nhận được thì rất đáng giá. Đó chính là kinh nghiệm thực tế mà khi ra trường doanh nghiệp rất cần, và đó là những thứ rất xa lạ với những bạn chỉ chú tâm vào sách vở.

Hãy dám ước mơ về một sự nghiệp lớn, nhưng cũng biết thiết lập những kế hoạch nhỏ và vừa cho ước mơ đó. 

ThS Ngô Mạnh Linh