Luật sư nói về những vụ bạo hành trẻ em chấn động năm 2013

11/02/2014 13:00
Quyết Nguyễn
(GDVN) - Trong năm 2013, nhiều vụ bạo hành, thậm chí án mạng mà nạn nhân là trẻ em đã xảy ra ở các tỉnh từ Bắc vào Nam gây chấn động dư luận.

Trong đó, vụ các bảo mẫu hành hạ trẻ em tại nhà giữ trẻ Phương Anh (TP Hồ Chí Minh), bố đánh chết con 11 tuổi vì mất 20kg hồ tiêu ở Đắc Lắc, bố và mẹ kế đánh rồi đem con ra bỏ nghĩa địa ở Hải Dương... là những vụ đáng chú ý nhất.

Đau lòng vì bố giết con

Vào trung tuần tháng 12/2013, đoạn video clip dài gần 10 phút ghi lại cảnh “tra tấn” trẻ em mầm non một cách tàn nhẫn của các “bảo mẫu” tại nhà giữ trẻ tư nhân Phương Anh (ở số 18, đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP. HCM) đã gây “choáng váng” đối với các bậc phụ huynh và toàn thể xã hội.

Theo đó, thay vì dịu dàng chăm sóc cho từng bữa ăn, giấc ngủ của mỗi đứa trẻ thì các “bảo mẫu” ở đây lại trông nom bằng những cách của riêng mình, đó là: bóp cổ, dúi đầu, tát bốp bốp vào mặt, vai, lưng, mông các bé khi các bé biếng ăn, hay bắt các bé nuốt thức ăn bị ói, thậm chí là dốc ngược đầu một bé trai rồi dọa thả vào thùng nước khi cháu này không nuốt kịp những thìa thức ăn mà cô đưa lia lịa vào miệng…

Một bảo mẫu đang "chăm sóc" trẻ em.
Một bảo mẫu đang "chăm sóc" trẻ em.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 20/1/2014 dương lịch vừa qua, TAND quận Thủ Đức (TP HCM) đã đưa ra xét xử vụ án Hành hạ người khác. Kết thúc phiên xét xử, hai bị can: Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, trú ở đường Nguyễn Duy, phường 9, quận 8; chủ nhà trông giữ trẻ Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang - nhân viên cấp dưỡng thử việc của nhà giữ trẻ Phương Anh) đã bị tuyên phạt mỗi người 3 năm tù cho hành vi tội lỗi của họ.  

Vào ngày 31/12/2013 tại thôn 1, xã Ea Ral, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắc Lắc đã xảy ra một vụ “bố giết con” đau lòng. Nạn nhân được xác định là cháu Nguyễn Thị H. (SN 2002). Nghi phạm là Nguyễn Văn Lam (SN 1983, bố ruột cháu Hà).

Phiên tòa xét xử 2 bảo mẫu nhà trẻ Phương Anh tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Niên)
Phiên tòa xét xử 2 bảo mẫu nhà trẻ Phương Anh tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Niên)

Theo tờ Lao Động, vào chiều ngày 31/12, Lam đi làm về phát hiện kẻ gian đã lấy cắp một bao hồ tiêu khô khoảng 20kg nên lôi 3 con gái ra đánh đập bằng dây thắt lưng, ống nhựa, thước kẻ. Rạng sáng 1/1, vợ Lam phát hiện cháu H. (con cả) đã tử vong trên giường.

Theo kết quả khám nghiệm, cháu H. tử vong do đa chấn thương, chấn thương sọ não kín. Hai em của Hà là Nguyễn Thị L. (10 tuổi) và Nguyễn Thị Th. (6 tuổi) cũng bị đa thương tích, rách tai, bầm tím khắp cơ thể phải vào Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H'leo điều trị.

Được biết, dù bị bố đánh thừa sống thiếu chết nhưng cả 3 đứa trẻ đều không dám khóc, vợ Lam cũng không can ngăn gì.

Người thân đau lòng trước cái chết của cháu Nguyễn Thị H. (Ảnh: NLĐ)
Người thân đau lòng trước cái chết của cháu Nguyễn Thị H. (Ảnh: NLĐ)

Trước đó, ngày 30/10/2013, người dân hai xã An Sinh và Phạm Mệnh (Kinh Môn, Hải Dương) rất phẫn nộ bởi câu chuyện thương tâm về cháu Nguyễn Minh T. (6 tuổi). Cháu T. được cho là đã bị chính bố đẻ là Nguyễn Doãn Thắng (SN 1983) và mẹ kế Ngô Thị Huệ (SN 1984) đánh đập dã man, sau đó mang ra vứt ở nghĩa trang vào đêm tối. Cháu được người dân giải cứu cùng với nhiều thương tích nặng trên người.

Theo người dân địa phương xã Phạm Mệnh, đây không phải là lần đầu cháu bị đánh rồi bị thả vào nghĩa trang. Thậm chí đã hơn 2 lần cháu bị bố mẹ cho vào bao tải thả xuống ao để “dạy dỗ”.

Sau khi biết sự việc, ông Nguyễn Doãn Tròn (SN 1956), ông nội cháu bé đã trình báo với cơ quan ông an. Theo kết quả kiểm tra y tế vào thời điểm đó, cháu T. bị gãy xương sườn số 6 bên trái, cổ có nhiều thương tích như từng bị bóp cổ nhiều lần. Mông và hông bầm tím do bị vật rắn tác động.

Mỗi năm có khoảng 4.000 vụ ngược đãi, bạo hành trẻ em

Liên quan đến tình trạng bảo hành trẻ em diễn ra trong năm 2013, PV báo Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Công ty Luật Đức Thành, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Ông Thắng cho biết: “Theo Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), hàng năm, cả nước có khoảng 3.000 - 4.000 vụ ngược đãi, bạo hành trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục trẻ em với khoảng 900 em là nạn nhân, đặc biệt nghiêm trọng là một số nạn nhân mới chỉ ở độ tuổi 5 - 8 tuổi. Tuy nhiên, đây chỉ là số vụ có trình báo, còn thực tế là bao nhiêu thì chưa có thống kê đầy đủ. Như vậy, có thể thấy rằng, trẻ em vẫn chưa được chăm sóc, bảo vệ tốt về góc độ đạo đức xã hội và pháp luật.”

Cháu Nguyễn Minh T. (Hải Dương) với những vết thương trên người sau nhiều ngày bị bố và mẹ kế hành hạ.
Cháu Nguyễn Minh T. (Hải Dương) với những vết thương trên người 
sau nhiều ngày bị bố và mẹ kế hành hạ.

Cũng theo ông Thắng, những người ngược đãi hoặc bạo hành trẻ em, tùy động cơ, mục đích và hậu quả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một số tội danh như: “Tội hành hạ người khác” với mức phạt tù lên tới 3 năm; “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác” với mức phạt tù cao nhất là chung thân; “Tội giết người” với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Vụ hành hạ trẻ em xảy ra tại nhà giữ trẻ Phương Anh không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau khổ về tinh thần cho người bị hành hạ, gây hậu quả xấu, lâu dài về tâm lý cho trẻ. Bởi vậy, ông Thắng cho rằng, việc xử lý hình sự đối với 2 bảo mẫu trong trường hợp này là cần thiết để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Việc xử lý hình sự cũng nhằm mục đích phòng ngừa, răn đe loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng này.

Đối với vụ việc 2 vợ chồng hành hạ con ở Hải Dương, theo LS Thắng, hành vi của hai vợ chồng này có thể bị truy tố về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự. Tuỳ theo tỷ lệ thương tật và hành vi phạm tội mà người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 110/2009/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình và Điều 9 quy định về Hành vi đánh đập hoặc hành vi khác xâm hại sức khỏe thành viên gia đình, qua hoạt động xác minh, điều tra, người nào chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm gây ra tổn hại sức khỏe cho bé gái, thì có thể bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.

Về vụ việc bố đẻ đánh con dẫn đên tử vong xảy ra ở Đắc Lắc, ông Thắng cho biết, hành vi của người bố đủ yếu tố để cấu thành về tội Giết người theo Điều 93 và tội Cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ Luật Hình sự.

Cần xử lý nghiêm khắc người bạo hành trẻ em

LS Nguyễn Phú Thắng cho rằng, một trong những lý do khiến tình trạng bạo hành trẻ em có chiều hướng gia tăng trong thời gian vừa qua là vì sự hiểu sai quan niệm “thương con cho roi cho vọt”. Nhiều người coi việc sử dụng vũ lực để dạy con là chuyện bình thường. Chỉ những trường hợp vi phạm về thân thể dẫn đến thương tích bên ngoài mới được các cơ quan chức năng xử lý.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng.

Bên cạnh đó, tâm lý “việc gia đình là việc riêng của nhà người ta” phần nào là tư duy ăn sâu vào các cấp đoàn thể, chính quyền, tổ dân phố, cụm dân cư. Ngoài ra, sự phối hợp của các ngành, các cấp từng lúc, từng nơi chưa đồng bộ, thiếu kịp thời. Cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở phường, xã biến động nhiều và chưa được đào tạo bài bản, chưa được hưởng các chế độ xứng với công việc được giao phó.

Hậu quả là nhiều trẻ em bị đối xử tệ bạc, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em, làm tổn hại khả năng học tập, khả năng giao giao tiếp và làm suy yếu sự phát triển bình thường của trẻ.

Theo ông Thắng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phải tiến hành nhiều biện pháp để bảo vệ trẻ em trước tình trạng bạo lực. Đặc biệt, cần tiếp tục công tác xác minh, phát hiện bắt và khởi tố, đưa ra xét xử những trường hợp có dấu hiệu bạo hành với trẻ. Công tác này phải được thực hiện quyết liệt để răn đe, phòng ngừa chung.

“Hành hạ người khác nói chung và hành hạ trẻ em nói riêng là một loại tội phạm. Việc đấu tranh, phòng ngừa, kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý tội phạm là trách nhiệm không phải của riêng cơ quan tố tụng mà là của toàn xã hội.

Bảo vệ trẻ em không những là bảo vệ những người chưa có khả năng tự vệ mà còn là bảo vệ tương lai của đất nước, bảo vệ người kế thừa sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc,”  LS Nguyễn Phú Thắng nói./.

Quyết Nguyễn