Lương ít, tiền không có, thêm một mùa xuân con không về…

26/01/2017 07:25
Khánh Văn
(GDVN) - Người mẹ già lần nào cũng giục "về đi rồi mẹ cho tiền đi". Nhưng là đứa con đã trưởng thành, có công việc ổn định mà lần nào về mẹ cũng lo tiền hay sao?

LTS: Tết là dịp để gia đình đoàn viên, là dịp những đứa con xa nhà được trở về bên vòng tay cha mẹ.

Nhưng những giáo viên xa quê hương với đồng lương ít ỏi thì chuyện về quê đón Tết lại trở thành một điều gì đó thật xa xỉ.

Thầy giáo Khánh Văn chia sẻ những cảm xúc chân thật, những tâm sự đầy xúc động của một người giáo viên đã 10 năm chưa về quê đón Tết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Một mùa xuân nữa lại đang về. Mùa xuân để mọi người trong gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau và cùng nhau hưởng hạnh phúc gia đình sau một năm tất bật làm việc.

Nhất là đối với những người phải xa nhà, xa quê đến làm việc tại nhiều vùng đất khác nhau trên đất nước…

Năm nay là năm thứ 10 liên tục tôi chưa về quê đón Tết. Vậy là đã 10 năm đón Tết xứ người với bao những nỗi niềm của người xa xứ. Có nhiều lúc lòng tôi trăn trở, nghĩ suy về con đường mình đã chọn và đang gắn bó. 

Nghề giáo - nghề mà mọi người thường nói là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nhưng, giữa thời buổi kinh tế thị trường như thế này, liệu nghề giáo có thực sự là nghề “cao quý” nữa không? 

Đối với giáo viên xa quê hương, ước mơ được về quê đón Tết cũng thật là xa xỉ. (Ảnh minh họa trên baonghean.vn)
Đối với giáo viên xa quê hương, ước mơ được về quê đón Tết cũng thật là xa xỉ. (Ảnh minh họa trên baonghean.vn)

Khi mà mọi người đã và đang rục rịch về quê thì vẫn có rất nhiều những giáo viên xa quê như tôi vẫn đang âm thầm gặm nhấm một nỗi nhớ quê hương da diết…

Ngày ra trường với biết bao những hoài bão và ước nguyện là được công tác tại quê hương nhưng rồi vì nhiều lí do, nguyên cớ mà không thể nào có thể ở lại được quê nhà. 

Dù đã cố gắng bám víu vào những đồng lương giáo viên hợp đồng nhưng rồi cũng không thể nào kí được lâu dài bởi có quá nhiều nhiêu khê và tiêu cực. 

Ngày tôi xách hành lí vào Nam cũng là ngày mà tâm trạng mang đầy những lo toan cho phía trước bởi tôi hiểu rằng những ngày đang tới là những ngày khó khăn nhưng đành phải gác lại ước vọng dang dở ở quê nhà để ra đi…

Tôi không bi quan, tôi không chán nản khi mình theo đuổi nghề giáo - cái nghề mà gia đình tôi đã nhiều đời theo đuổi. 

Phía trước tôi vẫn là con đường hy vọng, con đường của tương lai, của những ngày đang tới... nhưng thực tế thì sao? 

Đó vẫn là câu hỏi lớn mà bản thân tôi và bao nhiêu những người đồng nghiệp khác chưa trả lời được trong nhiều năm qua. 

Vì sao “nghề cao quí” mà năm nào người ta cũng phải nói về chế độ đãi ngộ, về cuộc sống bấp bênh của phần lớn giáo viên hiện nay, nhất là khi Tết đến, xuân về… lại nghe điệp khúc “thưởng Tết”.

Lương ít, tiền không có, thêm một mùa xuân con không về… ảnh 2

33 năm đứng lớp chưa biết thưởng tết là gì

Mỗi năm có bao lần lòng tôi lại cảm nhận thấy những bùi ngùi, chênh vênh và buồn tủi.

Là giáo viên lập nghiệp ở phương xa nên hàng năm cứ đến hè hay Tết là gia đình lại gọi điện thúc giục về. 

Người mẹ già lần nào cũng giục về đi rồi mẹ cho tiền đi.

Câu nói rất thực lòng của mẹ nhưng... là đứa con đã trưởng thành, có công việc ổn định mà lần nào về mẹ cũng lo tiền hay sao? 

Đã bao lần ngậm ngùi cám cảnh cho hoàn cảnh mình nhưng biết làm sao được. Mỗi lần về quê, bao giờ mẹ tôi cũng lo mua thật nhiều bánh kẹo trước để khi tôi về, anh em làng xóm, các cháu đến chơi có cái để cho.

Đồng lương của phần lớn giáo viên hiện tại quá thấp, rất khó trang trải cho cuộc sống hiện tại, nhất là những giáo viên có thâm niên trên dưới 10 năm tuổi nghề. 

Trong khoảng 3-4 triệu lương/tháng thì chuyện tính toán làm sao cho đủ cuộc sống đạm bạc qua ngày đã thấy khó chứ đừng nói tới một ước mơ cao sang.

Trong khi, cuộc sống có quá nhiều thứ phải chi tiêu trên đồng lương ít ỏi của mình.

Thời gian qua, chúng ta đã thấy nói nhiều, bàn nhiều về đồng lương của giáo viên, có những diễn đàn để cộng đồng mạng chia sẻ và cảm thông với cuộc sống người thầy...

Cũng có nhiều ý kiến dè bỉu, chê bai giáo viên sao cứ “than nghèo, kể khổ” mãi. 

Song, thực sự đời sống của phần nhiều giáo viên vẫn gặp muôn vàn khó khăn (nhất là những giáo viên lập nghiệp xa quê mà có thâm niên còn thấp).

Dù cho lương thường xuyên vẫn tăng liên tục nhưng giá trị của đồng lương đối với giá cả hiện tại vẫn nằm nguyên như nhiều năm trước.

Đất nước ta còn khó khăn, những người thầy hiểu điều này hơn ai hết, vẫn có hàng ngàn giáo viên ngày ngày bám trụ trên các vùng bản xa xôi để đem con chữ gieo các mầm xanh cho tương lai. 

Phần lớn giáo viên vẫn luôn giữ vững đạo lý của người thầy, vẫn tận tụy với nghề mà mình đã yêu thích và lựa chọn để đêm đêm bên trang giáo án, canh cánh một nỗi niềm truyền tải cho các em được cả tri thức, tâm hồn, hướng các em đến cái đẹp của cuộc sống. 

Và, vẫn có hàng ngàn giáo sinh ra trường không tìm được việc làm, phải làm việc trái ngành nghề hoặc ở làm làm ruộng. 

Lương ít, tiền không có, thêm một mùa xuân con không về… ảnh 3

Thầy cô eo hẹp về vật chất nhưng giàu có về tiếng cười

Hoặc, có hàng trăm giáo viên có nghề rồi vẫn nơm nớp so sợ bị mất việc.

Rồi, bao nhiêu người phải ký họp đồng ngắn hạn với các trường học mỗi tuần được vài tiết để không bị thui chột kiến thức!

Có nhiều người nói rằng lương giáo viên cao, lại còn dạy thêm nữa.

Nhưng không phải chỗ nào cũng dạy thêm được, môn nào cũng có thể kéo học sinh đến với mình. 

Đất nước vẫn còn nghèo và phần lớn làm nông nghiệp, cái ăn, cái mặc còn chạy từng bữa thì làm sao có tiền cho con cái học thêm. 

Nhiều nơi giáo viên còn phải đóng tiền xây dựng quỹ khuyến học để giúp đỡ cho các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường, nhiều thầy cô còn phải đóng học phí cho các em...

Mùa xuân đến, các thầy cô chung tay góp những đồng lương ít ỏi của mình cho học sinh nghèo đón tết.

Mười năm “vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ” bởi một phần vì đồng lương eo hẹp, phần vì quãng đường quá xa xôi mà nếu chỉ tính chuyện đi - về cũng đã mất 4-5 ngày ngồi trên tàu, xe. 

Trong khi chỉ được nghỉ tử 8-10 ngày nên rồi cứ lần lữa mãi trong những ngày xuân đến rồi lại qua… Và, năm nay lại một năm nữa đón Tết xa nhà…

Một mùa xuân nữa lại đang về, lại thêm một mùa xuân hy vọng: Hy vọng người giáo viên sống được bằng lương. 

Hy vọng những người người thầy xa quê có đủ điều kiện để được về thăm gia đình, bè bạn trong những ngày đầu năm mới. 

Và, chỉ mong những ước nguyện sum vầy cùng gia đình trong những ngày Tết sớm trở thành hiện thực.

Khánh Văn