Mô hình thanh tra an toàn thực phẩm đạt kết quả cao cần được nhân rộng

02/10/2016 13:25
Mai Anh
(GDVN) - Theo đánh giá của Cục An toàn thực phẩm, kết quả mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại Hà Nội và TP.HCM đạt kết quả cao cần nhân rộng.

Thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 9/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và TP.HCM. 

Từ cuối năm 2015 đến nay, Hà Nội và TP. HCM đã chủ động, tích cực triển khai bài bản, đã đánh giá đúng thuận lợi, khó khăn và chủ động có biện pháp phù hợp để triển khai đúng và hiệu quả, có trách nhiệm cao: Tập huấn nghiệp vụ thanh tra và hướng dẫn quy trình, kinh nghiệm xử lý trong thanh tra, đoàn công tác giám sát hỗ trợ nhiệt tình trách nhiệm hướng dẫn đơn vị, thường xuyên cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra giám sát của Thành phố và có nhiều ý kiến giúp cho quận/huyện, xã/phường/thị trấn tiến hành thanh tra thuận lợi hơn.

Đoàn lãnh đạo Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm thanh tra an toàn thực phẩm tại siêu thị Metro - ảnh nguồn Cục An toàn thực phẩm.
Đoàn lãnh đạo Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm thanh tra an toàn thực phẩm tại siêu thị Metro - ảnh nguồn Cục An toàn thực phẩm.

Đối với các quận/huyện, xã/phường đã có trách nhiệm và quyết tâm cao triển khai thí điểm, tích cực triển khai các nội dung theo hướng dẫn của ngành chức năng và phù hợp với địa phương, làm tốt công tác tuyền truyền phổ biến Thanh tra chuyên ngành và các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Thành viên đoàn thanh tra chuyên ngành được đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, được cấp chứng chỉ nên công tác thanh tra và xử lý vi phạm được tiến hành thuận lợi, các đoàn thanh tra, đặc biệt đoàn thanh tra cấp phường/xã/ thị trấn đã mạnh dạn triển khai, áp dụng, chuyển đổi từ kiểm tra, nhắc nhở sang việc tiến hành thanh tra và xử lý vi phạm theo đúng trình tự, thủ tục đã được pháp luật quy định.

Theo kết quả sơ kết 6 tháng triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại thành phố Hà Nội, các đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đã thanh tra tại 5 quận huyện theo tiêu chí đa dạng về vị trí địa lý (3 quận nội thành, 2 huyện ngoại thành phía Tây, Đông thành phố; đa dạng về loại hình sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả thành thị và nông thôn). 

Mô hình thanh tra an toàn thực phẩm đạt kết quả cao cần được nhân rộng ảnh 2

Khẩn trương xây dựng định mức bồi thường thiệt hại từ sự cố môi trường biển

Mô hình thanh tra an toàn thực phẩm đạt kết quả cao cần được nhân rộng ảnh 3

Biển miền Trung đạt chuẩn nhưng thủy sản chưa chắc an toàn để ăn

Mô hình thanh tra an toàn thực phẩm đạt kết quả cao cần được nhân rộng ảnh 4

Lãnh đạo từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra thực phẩm bẩn

Các đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại Hà Nội đã thanh tra 710 cơ sở, số cơ sở vi phạm: 313 cơ sở, trong đó: nhắc nhở: 34 cơ sở, phạt cảnh cáo: 140 cơ sở, phạt tiền: 139 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 337 triệu đồng, đóng cửa 17 cơ sở.

So với 6 tháng cùng kỳ trước thực hiện thí điểm, tỷ lệ cơ sở vi phạm hành chính cao hơn (21,2% so với 17,6%), số tiền phạt cao hơn (750,3 triệu đồng so với 222, 98 triệu đồng).

Tại TP.Hồ Chí Minh, các đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận/huyện và 10 phường/xã/thị trấn. Cụ thể các đoàn đã tiến hành thanh tra: 446 cơ sở/7.097 cơ sở quản lý (tỷ lệ 6,3%). 

Trong đó tuyến quận/huyện thanh tra 124 cơ sở; tuyến phường/xã/thị trấn thanh tra 322 cơ sở. Phát hiện vi phạm: 99 cơ sở, xử lý vi phạm: phạt tiền 82 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 343 triệu đồng; (còn 17 cơ sở đang tiến hành xử lý).

Được biết tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại quận/huyện, phường/xã/thị trấn thí điểm được giữ lại 100% để chi cho hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đoàn thanh tra trong hoạt động lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm và các phí hoạt động khác.

Từ kết quả báo cáo của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Cục An toàn thực phẩm đánh giá qua 6 tháng triển khai thí điểm thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Kết quả xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cao hơn so với kiểm tra an toàn thực phẩm thể hiện tính răn đe, sự nghiêm khắc trong quá trình thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm. 

"Hoạt động này cần tiếp tục  duy trì và nghiên cứu mở rộng trên các quận, huyện khác. Đối với tuyến xã/phường đặc biệt là xã cần tiếp tục thí điểm thêm", Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Cùng với đó Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị đề xuất với Chính phủ một số nội dung như: Thanh tra Chính phủ cần ban hành quy trình, thủ tục áp dụng thống nhất cho thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, thủ tục cần đơn giản, dễ áp dụng cho mọi đối tượng đoàn thanh tra, đặc biệt tuyến phường/xã.

Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể trong việc thu chi tài chính từ nguồn thu xử phạt để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại địa phương.

Đối với Ủy ban nhân dân 5 quận/huyện thí điểm đề nghị tập trung công tác giám sát và hướng dẫn phường/xã/thị trấn thí điểm theo hướng dẫn của thành phố, hạn chế luân chuyển các cán bộ công chức, viên chức đã được huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Nhanh chóng chuyển hóa đoàn kiểm tra liên ngành thành đoàn thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, cơ cấu thành phần đoàn gọn nhẹ, tinh nhuệ để tăng chất lượng và số lượng cuộc thanh tra cũng như đảm bảo nhân sự thực hiện.

Hiện tại, pháp luật hiện hành chưa quy định về thanh tra chuyên ngành ở cấp quận, cấp phường trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp tỉnh/thành phố và Trung ương còn mỏng, thực tiễn đòi hỏi phải có lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp quận, cấp phường để đáp ứng yêu cầu quản lý.

Đồng thời, để có cơ sở thực tiễn xem xét điều chỉnh, bổ sung chính sách pháp luật về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm thì việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp quận, cấp phường tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết vì vậy Bộ Y tế tiếp tục đề xuất Chính phủ cho phép nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận/huyện, phường/xã trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Mai Anh