Mỗi năm có hàng nghìn trẻ chết đuối

13/06/2011 03:47
Mỗi năm, cả nước ta có hơn 6.000 trẻ em chết do đuối nước và mùa hè thường là thời điểm hay xảy ra đuối nước nhiều nhất...

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm, cả nước ta có hơn 6.000 trẻ em chết do đuối nước và mùa hè thường là thời điểm hay xảy ra đuối nước nhiều nhất. Từ năm 2007 - 2011, tỉ lệ trẻ em chết do đuối nước có chiều hướng gia tăng, chỉ xếp sau tai nạn giao thông. Cũng theo Liên đoàn Cứu sinh quốc tế, tỉ lệ trẻ em chết vì đuối nước ở Việt Nam cao gấp hai hoặc gấp ba tỉ lệ bình quân của thế giới.

Tử vong vẫn gia tăng

Trong ngày nắng nóng, trẻ thường tắm sông suối, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Trong ngày nắng nóng, trẻ thường tắm sông suối, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Bộ LĐTB&XH cho biết: Hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng vào đầu hè đã có nhiều tỉnh như Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh… xuất hiện các vụ đuối nước. Theo số liệu so sánh 3 năm liền cho thấy, dù nỗ lực phòng tránh nhưng từ năm 2007 - 2010, tỉ suất tử vong chung vẫn có chiều hướng gia tăng. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ em, hiện chỉ xếp sau tai nạn giao thông. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của bố mẹ thiếu quan tâm. Nhiều gia đình mải làm ăn cho nên không có thời gian dành cho con em mình. Tiếp đến là nguyên nhân trẻ em không biết bơi. Thực tế có nhiều vụ đuối nước thương tâm là do sự bất cẩn của người lớn. Ðặc biệt, ở những vùng có nhiều sông, suối, ngòi, việc thiếu những cây cầu bắc qua khiến hàng trăm học sinh ngày ngày phải đi thuyền bè đến trường đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dẫn đến đuối nước... Bên cạnh đó, những quy định về an toàn giao thông đường thủy đang bị xem thường. Ðã có không ít trường hợp các công trường xây dựng các công trình hoặc người dân đào hố vôi để xây nhà nhưng không có cảnh báo hoặc sau khi kết thúc công trình không san lấp, để trẻ em sa xuống hố sâu bị chết đuối. Ðáng chú ý, Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em cao nhất cũng chỉ ở mức 4 triệu đồng.

TS. Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Mọi người vẫn nói để chống đuối nước thì phải dạy bơi cho trẻ và việc đó “đổ” lên các nhà trường. Nhưng thực tế hiện nay, số trường có bể bơi chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhất là ở nông thôn. Thậm chí, nhiều tỉnh chỉ có một, hai bể bơi.

Vì thế, phương án của chúng tôi là khuyến khích xây dựng “cuốn chiếu” bể bơi ở từng địa phương, đầu tư dần, mỗi năm một số trường để hy vọng tới một lúc nào đó chúng ta sẽ đạt được tất cả những cơ sở vật chất cần và đủ trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh.
 Trẻ tắm sông suối dễ bị đuối nước.

Cần có sự chung tay của toàn xã hội

Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt Dự thảo Chiến lược phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2020, trong đó có việc phòng, chống đuối nước trẻ em, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng xã hội; tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành và các tổ chức trong việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy phòng, chống đuối nước, trên cơ sở hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, chính sách và các tiêu chuẩn, quy chuẩn; các trường THCS và THPT cần tổ chức học bơi và hội thi bơi cứu đuối; các địa phương xây dựng “bến đò, bến tàu an toàn”; “bể bơi, bãi tắm an toàn’; phấn đấu 80% số trẻ em sử dụng áo phao hoặc sử dụng cặp phao (với học sinh nghèo nên cấp miễn phí) khi tham gia giao thông đường thủy, từng bước hạn chế tai nạn đuối nước, tiến tới giảm 10% tỷ lệ trẻ em chết do đuối nước. Ðược biết, với đặc thù là địa hình ven biển, Ðà Nẵng đã triển khai Dự án “bơi an toàn” thu hút 5.000 trẻ em trên địa bàn tham gia các lớp học bơi an toàn; cách sơ, cấp cứu trong trường hợp xảy ra đuối nước, nhờ vậy, số trẻ em chết do đuối nước ở thành phố đã giảm hẳn trong các năm qua. Thiết nghĩ, cần nhân rộng mô hình này trong cả nước.

Theo Sức khỏe đời sống