Một giáo viên ở Krông Pắk bị cắt lương, không cho lên lớp mà không có lý do

19/03/2018 09:27
Phương Linh
(GDVN) - Cô Bình cho biết, mình bị nhà trường cắt lương từ tháng 6/2017 đến nay, nhưng không hiểu sao vẫn được đóng bảo hiểm tới hết tháng 2/2018.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn khiếu nại của cô Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1988, giáo viên Trường trung học cơ sở Eakly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) nói về trường hợp của mình bị nhà trường đối xử thật lạ lùng.

Bị cắt lương, không phân giảng dạy không lý do 

Theo phản ánh của cô Bình, năm 2012, cô được Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk nhận về hợp đồng giảng dạy tại Trường Eakly, bộ môn tiếng Anh.

Từ khi được nhận về công tác tại trường, cô Bình luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao phó, được nhận rất nhiều giấy khen của các cấp có thẩm quyền.

Chúng ta đang đối xử với nhà giáo theo kiểu tư duy vừa tiểu nông vừa địa chủ

Tại hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế ký năm 2012 của cô Bình có ghi rõ, cô sẽ được nhận đầy đủ chế độ lương hàng tháng, bắt đầu từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2017 (kể cả những tháng nghỉ hè).

Thế nhưng, trong đợt nghỉ hè năm 2017, ông Nguyễn Trung Hiếu – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Eakly đưa ra lý do, nhà trường không đủ ngân sách để chi trả, nên đã cắt lương của giáo viên hợp đồng, trong đó có cả của cô Bình.

Ngày 16/8/2017, nhà trường tổ chức một cuộc họp hội đồng, trong đó thành phần tham dự có cả Hiệu trưởng, và lãnh đạo các ban ngành khác của trường họp với 5 giáo viên hợp đồng, có cả cô Bình tham dự.

Cô Nguyễn Thị Bình, giáo viên Trường Eakly của huyện Krông Pắk, Đắk Lắk (ảnh: P.L)
Cô Nguyễn Thị Bình, giáo viên Trường Eakly của huyện Krông Pắk, Đắk Lắk (ảnh: P.L)

Lý do được ông Nguyễn Trung Hiếu đưa ra, là do giáo viên biên chế của nhà trường dư thừa, ngân sách cấp phát không đủ trả, nên giáo viên hợp đồng sẽ được hợp đồng trả lương theo tiết dạy, ai không đồng ý thì nhà trường sẽ không bố trí giảng dạy.

Tuy nhiên, theo cô Bình cho biết, các giáo viên hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế như cô Bình ở các trường khác trong huyện thì lại vẫn có lương đầy đủ khi nghỉ hè. Ngoài ra, một số cô giáo thuộc diện này lại còn được nhận quyết định của Ủy ban nhân dân huyện nâng bậc lương.

Ngoài ra, cô Bình còn thông tin, ngay cả chính trong Trường trung học cơ sở Eakly, có 2 giáo viên nữ cũng hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế, mà vẫn được nhà trường sắp xếp giảng dạy, tiền lương hàng tháng vẫn được chi trả bình thường.

Cho tới tháng 12/2017, ông Nguyễn Trung Hiếu – Hiệu trưởng bị cô Bình phản ánh là vẫn giữ nguyên quan điểm bảo thủ, là sẽ hợp đồng trả lương cho cô Bình theo tiết, nếu cô không đồng ý thì sẽ không bố trí giảng dạy.

Cô Nguyễn Thị Bình khẳng định, việc này cô hoàn toàn không nhất trí. Nguyên nhân: Cô Bình là diện hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế, kinh phí chi trả lương từ nguồn ngân sách giao trong chỉ tiêu biên chế của trường. 

Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc làm rõ thông tin giáo viên “chạy” việc trăm triệu

Nguyện vọng chính đáng của cô Nguyễn Thị Bình đã không được lãnh đạo Trường Eakly đồng ý, mà thậm chí còn không bố trí giảng dạy cho cô bắt đầu từ tuần thứ 7 của năm học (2/10/2017).

Ngày 6/11/2017, nhà trường lại bố trí giảng dạy lại cho cô Bình, rồi yêu cầu cô ký vào bản cam kết là bố trí cho cô đi dạy lại, nhưng chế độ lương thì phải chờ cấp trên giải quyết.

Do cô giáo không đồng ý với cách giải quyết của nhà trường, nên một lần nữa, trường lại tiếp tục không bố chuyên môn cho cô từ tuần thứ 13 (từ 13/11/2017) trở đi.

Trong quá trình đó, cô Nguyễn Thị Bình đã làm đơn kiến nghị, gửi tới các cơ quan chức năng của huyện, như: Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội Vụ, Ủy ban nhân dân huyện, Liên Đoàn Lao Động, Thanh tra Nhà nước huyện, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được sự trả lời.

Đến ngày 29/12/2017, nhà trường lại tổ chức một cuộc họp chi bộ, có nội dung liên quan đến việc chi trả lương, bố trí công việc, hợp đồng lao động 3 tháng/lần với các giáo viên hợp đồng, trong đó có cô Bích, yêu cầu dạy 15 tiết/tuần, lương trả theo lương cơ bản.

Theo cô Nguyễn Thị Bình, việc nhà trường trả lương cơ bản cho cô, yêu cầu dạy 15 tiết/tuần là chưa đảm bảo, do chưa có tiền đứng lớp, phụ cấp và các khoản khác, là chưa đúng với quyết định 1793 của huyện ký vào ngày 26/6/2012.

Do cô Bình không đồng ý ký thỏa thuận với trường, nên trường không bố trí giảng dạy cho cô.

Từ đó đến nay, cô Bình đã rất nhiều lần đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk cần có giải quyết cụ thể trường hợp này (bà Trinh – Phó Chủ tịch), nhưng tới giờ vẫn chưa được giải quyết.

Tại sao bị cắt lương, nhưng vẫn được đóng bảo hiểm?

Vào cuối giờ học buổi sáng ngày 15/3/2018, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trực tiếp có mặt tại Trường trung học cơ sở Eakly, huyện Krông Pắk, để xin được gặp Ban Giám hiệu nhằm tìm hiểu thêm sự việc.

Ở thời điểm này, ông Nguyễn Trung Hiếu – Hiệu trưởng đã được nhân viên trường nói với phóng viên là đi họp, chỉ còn ông Phan Hữu Tài – Phó Hiệu trưởng ở lại trường trực.

Đại diện lãnh đạo nhà trường cho biết, cô Bình vào trường dạy môn tiếng Anh từ năm 2012, theo dạng giáo viên hợp đồng.

Cắt lương giáo viên, nhưng Trường Eakly bị giáo viên tố vẫn đóng bảo hiểm (ảnh: P.L)
Cắt lương giáo viên, nhưng Trường Eakly bị giáo viên tố vẫn đóng bảo hiểm (ảnh: P.L)

Đợt này, cô Bình cùng với hàng trăm giáo viên khác của huyện đang bị chấm dứt hợp đồng lao động, do dôi dư, nên ông Tài không trả lời gì thêm chi tiết, mà đợi cơ quan chức năng của huyện đang giải quyết.

Chiều ngày 15/3, tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắk, ông Phạm Xuân Vinh – Trưởng phòng đã xác nhận, có nắm và biết thông tin vụ việc của cô Nguyễn Thị Bình – giáo viên Trường trung học cơ sở Eakly.

Theo thầy Phạm Xuân Vinh, sự việc của cô Bình xảy ra đã lâu (từ năm 2017), các cơ quan chức năng của huyện đã giải quyết, trả lời cho cô giáo rồi, nhưng cô vẫn không chịu.

Mọi việc, người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắk tóm gọn lại là: Phòng Tài chính giao tiền lương đầu năm cho giáo viên không đảm bảo, khiến Hiệu trưởng một số trường phải hợp đồng lại với giáo viên.

Rất nhiều giáo viên đã chia sẻ việc này với trường rất bình thường, nhưng cô Bình và một số giáo viên lại không làm được chuyện này, và cứ bắt là phải chi tiền đúng như cũ, như quyết định đã ký, mấu chốt nhất là ngân sách không đủ.

Chuyện này phòng Tài Chính quyết, phòng Giáo dục thì thầy Vinh nói chỉ lo tới chuyện chuyên môn.

Ngay sau khi biết được thông tin do nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắk cung cấp cho phóng viên về việc của mình, cô Nguyễn Thị Bình chia sẻ: Trường cắt lương của cô từ tháng 6/2017, nhưng qua tìm hiểu tại Bảo hiểm xã hội huyện Krông Pắk, trường vẫn đóng cho giáo viên này đầy đủ tới tháng 2/2018.

Đồng thời, cô Bình cũng đã cung cấp cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tài liệu, chứng minh rằng, trường Eakly đã đóng bảo hiểm cho cô đến tháng 11/2017.

Phương Linh