Một số phỏng đoán mới về tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc

25/12/2013 11:14
Đông Bình
(GDVN) - Tàu sân bay này sẽ chế tạo tại Đại Liên, sử dụng máy phóng điện từ, có thể lượng giãn nước lên tới 110.000 tấn; căn cứ huấn luyện đầy tham vọng...
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc đang thử nghiệm và huấn luyện trên Biển Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc đang thử nghiệm và huấn luyện trên Biển Đông.

Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc chế tạo ở Đại Liên?

Tờ “Jane's Defense Weekly” Anh gần đây công bố báo cáo quốc phòng thường niên toàn cầu đã liệt kê chi tiết nhiều thành tựu của Quân đội Trung Quốc trong lĩnh vực trang bị năm 2013 cho biết, dư luận bên ngoài phổ biến cho rằng, tàu sân bay nội địa Trung Quốc sẽ chế tạo ở nhà máy đóng tàu Đại Liên.

Theo bài báo, “Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy”, “tranh chấp biển khu vực”, “tranh chấp mua sắm vũ khí Ấn Độ”, “bất ổn ở Afghanistan” đều được cho là các sự kiện quan trọng của năm 2013. Báo cáo còn liệt kê chi tiết nhiều thành tựu của Quân đội Trung Quốc trong lĩnh vực trang bị năm 2013.

Theo báo cáo, hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc duy trì nhịp điệu phát triển tốc độ cao, đáng quan tâm nhất vẫn là tàu chiến cỡ lớn. Trong mô tả tiến triển tàu sân bay các nước, báo cáo có nhắc đến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, cho rằng:

“Tàu Liêu Ninh chính thức đưa vào hoạt động đánh dấu Trung Quốc bước vào câu lạc bộ tàu sân bay. Sau khi tàu sân bay Liên Xô cũ có lượng giãn nước 59.000 tấn này đi vào hoạt động, lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc cũng có đột phá, trong vài tháng tới sẽ có rất nhiều máy bay cất cánh từ tàu sân bay, hạ cánh có hãm đà. Ngày 28 tháng 11, tàu Liêu Ninh lần đầu tiên vượt qua eo biển Đài Loan, đi xuống Biển Đông huấn luyện”.

Tàu tấn công đổ bộ kiểu mới Trung Quốc (tưởng tượng)
Tàu tấn công đổ bộ kiểu mới Trung Quốc (tưởng tượng)

Báo cáo cho rằng, có tin cho biết, tàu tấn công đổ bộ Type 081 do Trung Quốc thiết kế  mới đã khởi công chế tạo, nhưng chưa được xác nhận bằng hình ảnh vệ tinh. Song, đoạn thân tàu đang chế tạo trong bến của nhà máy đóng tàu Trường Hưng, Thượng Hải rất có thể chính là loại tàu tấn công đổ bộ Trung Quốc đầu tiên áp dụng bố cục boong tàu nối thẳng.

Theo bài báo trước đây của tờ Jane’s, loại tàu tấn công đổ bộ này có thể mang theo nhiều máy bay trực thăng thực hiện tác chiến đổ bộ lập thể. Theo báo cáo, có tin suy đoán, đoạn thân tàu này là một phần của tàu sân bay nội địa đầu tiên Trung Quốc, nhưng dư luận phổ biến cho rằng, tàu sân bay nội địa sẽ chế tạo ở nhà máy đóng tàu Đại Liên. Việc sửa chữa tàu Liêu Ninh đã được tiến hành ở nhà máy đóng tàu này.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt lý giải suy đoán trên cho rằng có 3 nguyên nhân sau: Một là tàu Liêu Ninh đã hoạt động trên 1 năm, nó do nhà máy đóng tàu Đại Liên khôi phục và cải tạo. Nhà máy đóng tàu Đại Liên tương đối có kinh nghiệm, hơn nữa nhà máy này đã đào tạo được một đội ngũ nhân viên kỹ thuật và công nhân thông thạo, nếu nhà máy này chế tạo tàu sân bay thì hợp logic.

Hai là nhà máy đóng tàu Đại Liên có lịch sử lâu đời; tàu ngầm tên lửa, thuyền máy, tàu khu trục tên lửa, tàu tiếp tế dầu đầu tiên của Trung Quốc đều do nhà máy này chế tạo, cho nên nó rất có kinh nghiệm đóng tàu quân sự.

Tàu sân bay Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh

Ba là nhà máy đóng tàu Đại Liên là công ty lớn nhất sở hữu cổ phần khống chế của Tập đoàn tàu thủy công nghiệp nặng Trung Quốc (CSIC), đứng đầu tập đoàn này về cả tài lực, vật lực và nhân lực, vì vậy dư luận suy đoán nhà máy này phải chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc.

Tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc sẽ dùng máy phóng điện từ?

Tờ “Jane's Defense Weekly” Anh đưa tin, Trung Quốc hiện đang tiến hành công tác nghiên cứu khoa học cuối cùng cho phương thức phóng của tàu sân bay nội địa, trực tiếp chuyển đổi từ cất cánh kiểu nhảy cầu sang phóng điện từ.

Theo bài báo, thông tin chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên đang chế tạo của Trung Quốc sẽ dùng công nghệ phóng điện từ không phải không có lý do. Tại một hội nghị khoa học công nghệ quân sự quan trọng, chủ nhiệm “Viện nghiên cứu hợp tác và xung đột toàn cầu” của Đại học California từng phát biểu cho rằng, Quân đội Trung Quốc hiện nay đã từ bỏ phương thức kiểu nhảy cầu, từ đó chuyển sang nghiên cứu công nghệ cất cánh phóng điện từ, tìm cách chế tạo một chiếc tàu sân bay cấp thế giới.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân Gerald R. Ford Mỹ sử dụng máy phóng điện từ (ảnh minh họa)
Tàu sân bay động cơ hạt nhân Gerald R. Ford Mỹ sử dụng máy phóng điện từ (ảnh minh họa)

Về vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, phóng điện từ mặc dù là một công nghệ mới, nhưng nếu thông qua nghiên cứu lâu dài và thử nghiệm rất nhiều, công nghệ thực sự vượt qua, sẽ trực tiếp áp dụng nó cho tàu sân bay, đây là điều không phải không thể.

Hiện nay trên thế giới có 9 nước sở hữu tàu sân bay, 6 nước đều cất cánh kiểu nhảy cầu, 3 nước cất cánh bằng phóng hơi nước, hơn nữa phóng hơi nước cũng là công nghệ Mỹ. Về cất cánh phóng hơi nước, Mỹ luôn sử dụng có hiệu quả, nhưng không đáp ứng nhu cầu chiến tranh tương lai.

Cho nên, Mỹ muốn nghiên cứu phát triển cất cánh phóng điện từ thế hệ mới, đây cũng là kết quả tích lũy rất nhiều công nghệ mới của Mỹ. Tuy hiện Mỹ còn đang tiến hành rất nhiều hoạt động thử nghiệm, nhưng, vào năm 2015 hoặc 2016, về cơ bản có thể hoàn thành yêu cầu thử nghiệm, có thể áp dụng cho tàu sân bay.

Lý Kiệt cho rằng, trên phương diện nghiên cứu phóng điện từ, Trung Quốc nếu có nỗ lực rất lớn, đầu tư khá nhiều tiền của cho thử nghiệm, cuối cùng có thể đột phá công nghệ, thì tương lai sẽ từ cất cánh kiểu nhảy cầu trực tiếp tiến lên cất cánh phóng điện từ - điều này không hẳn là không thể.

Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh kiểu nhảy cầu trên tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh kiểu nhảy cầu trên tàu sân bay Liêu Ninh

Lý Kiệt cho rằng, dư luận quan tâm đến phương thức cất cánh của máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Trung Quốc là do phương thức cất cánh có liên quan đến tần suất điều động máy bay chiến đấu. Trong một phút, phóng hơi nước có thể cất cánh 2 máy bay chiến đấu, kiểu nhảy cầu chỉ có thể cất cánh 1 máy bay, sức chiến đấu giảm đáng kể. Trên thực tế, dư luận quan tâm đến phương thức cất cánh máy bay tàu sân bay Trung Quốc thực chất là quan tâm đến sức chiến đấu của tàu sân bay Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ có tàu sân bay khổng lồ lớp 110.000 tấn?

Đài truyền hình “Nước Nga ngày nay” ngày 23 suy đoán: Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc sẽ lớn hơn tàu Liêu Ninh, đạt 110.000 tấn, đủ để so tài với tàu sân bay lớn nhất của Mỹ.

Đối với vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, thông tin này rõ ràng không tin cậy. Ông nói: “Chúng ta chế tạo tàu sân bay lớn như vậy không thành vấn đề, quan trọng là chế ra có tác dụng gì?

Ngoài ra, liên quan đến một loạt vấn đề công nghệ, chẳng hạn tàu sân nay chế tạo lớn như vậy, số lượng máy bay cần bao nhiêu, cần áp dụng phương thức cất/hạ cánh như thế nào, phải dùng hệ thống động lực gì, mớn nước của tàu sân bay này cần cảng sâu như thế nào, hơn nữa hoạt động trên biển của nó sẽ bị hạn chế…”.

Tàu sân bay Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh

Học giả Kim Xán Vinh, Đại học Nhân dân Trung Quốc nói với tờ “Thời báo Hoàn Cầu” rằng, bên ngoài có mối quan tâm chiến lược đối với tàu sân bay Trung Quốc, đằng sau tàu sân bay Liêu Ninh là trình độ công nghệ và hệ thống công nghiệp lớn và hoàn thiện của Trung Quốc, tiềm lực phát triển của Trung Quốc “quá lớn” và có chiến lược phát triển lâu dài.

Căn cứ huấn luyện máy bay lộ rõ tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc

Tờ “Jane's Defense Weekly” Anh ngày 20 tháng 12 đưa tin, gần đây, các hình ảnh vệ tinh về căn cứ không quân Hoang Địa Thôn của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc xuất hiện, cho thấy, tiến triển xây dựng căn cứ huấn luyện máy bay chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc có tiến bộ rõ rệt, đồng thời cũng thể hiện tham vọng phát triển lực lượng trên không của Hải quân nước này.

Điều này cũng cho thấy, việc Ukraine thuyết phục Trung Quốc thuê Trung tâm huấn luyện cất/hạ cánh máy bay tàu sân bay thời đại Liên Xô cũ (NITKA) đã thất bại. Vào tháng 11, tờ Jane’s từng cho rằng, do Hải quân Nga từ chối tăng giá tiếp tục thuê căn cứ NITKA, Kiev trông chờ Trung Quốc trở thành khách thuê tiềm năng của căn cứ này.

Căn cứ không quân Hoàng Địa Thôn
Căn cứ không quân Hoàng Địa Thôn

Căn cứ không quân Hoang Địa Thôn nằm ở ven bờ phía tây bắc vịnh Bột Hải, mặt nam của căn cứ không quân Hưng Thành, Đại quân khu Thẩm Dương, cách căn cứ không quân Hưng Thành 8 km. Trung tâm huấn luyện này khởi công xây dựng vào năm 2008, hoàn thành năm 2012. Tháng 1 năm 2012, cơ sở mới của căn cứ này tiến hành bay thử công khai lần đầu tiên – do máy bay chiến đấu J-15 Phi Sa của Công ty máy bay Thẩm Dương thực hiện.

Các phương tiện, công trình huấn luyện của căn cứ không quân này có chức năng đầy đủ, trong tương lai có thể cung cấp các điều kiện huấn luyện cần thiết cho phi công hải quân trên tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu sân bay khác trong tương lai. Hai đoạn đường băng chính lần lượt bố trí mô phỏng boong tàu trên tàu sân bay, lắp cáp hãm đà đồng bộ và ký hiệu/dấu mốc boong tàu tương tự cấu trúc công trình trên tàu Liêu Ninh. Khu tiếp giáp đường băng chính còn có sườn dốc kiểu nhảy cầu, cũng có dấu mốc boong tàu mô phỏng đồng bộ.

Căn cứ có 24 kho chứa máy bay J-15, nhưng trông giống lều chứa máy bay có thể thu lại, chứ không phải là công trình vĩnh viễn. Ngoài ra, căn cứ còn có 3 kho chứa máy bay vĩnh viễn 36-55 m2, có thể dùng để đậu máy bay cánh xoay. Kho chứa máy bay kích cỡ như vậy có thể chứa máy bay hỗ trợ cánh cố định như máy bay cảnh báo sớm trên không.

Tàu sân bay Liêu Ninh thử nghiệm trên Biển Đông
Tàu sân bay Liêu Ninh thử nghiệm trên Biển Đông

Mãi cho đến tháng 10, khu ăn ở độc lập quanh căn cứ không quân vẫn chưa hoàn thành. Điều này phần nào cho thấy, tại sao hiện nay hoạt động của căn cứ này cơ bản chưa có nhiều. Ngoài ra, căn cứ không có công trình dự trữ vũ khí, cộng với không có công trình đậu máy bay lâu dài thích hợp, cho thấy tính chất của căn cứ này là huấn luyện, chứ không phải tác chiến.

So với căn cứ bay dành cho máy bay trên tàu chiến khác (căn cứ Diêm Lương, Tây An) của Hải quân Trung Quốc, căn cứ Hoang Địa Thôn đã tiến hành nâng cấp quan trọng về hạ tầng đồng bộ. Căn cứ Diêm Lương, Tây An nằm ở Viện nghiên cứu thử nghiệm bay Trung Quốc, cũng là nơi bay thử J-15. Tuy huấn luyện giai đoạn đầu của máy bay mẫu J-15 được tiến hành ở cơ sở cất cánh kiểu nhảy cầu Diêm Lương, nhưng căn cứ này không có thiết bị chặn/hãm đà.

Căn cứ không quân Hoang Địa Thôn cũng đã làm giảm nhu cầu tìm cơ sở huấn luyện bay ở nước ngoài của Trung Quốc, chẳng hạn NITKA của Ukraine. Đối với người Trung Quốc thiếu kinh nghiệm tác chiến tàu sân bay, NITKA của Ukraine là một phương án giải quyết lý tưởng.

Căn cứ không quân Hoang Địa Thôn giúp người ta có thể nhìn rõ thiết kế tàu sân bay tương lai của Trung Quốc. Chẳng hạn, hai công trình cất cánh kiểu nhảy cầu và đường băng hạ cánh có cáp hãm đà độc lập khẳng định, tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc sẽ giữ lại phương án hạ cánh hãm đà cất cánh cự ly ngắn của tàu sân bay Liêu Ninh.

Vùng biển Trung Quốc cấm tàu thuyền, có thể là nơi thử nghiệm và huấn luyện tàu sân bay Liêu Ninh
Vùng biển Trung Quốc cấm tàu thuyền, có thể là nơi thử nghiệm và huấn luyện tàu sân bay Liêu Ninh

Như vậy, suy đoán này lại trái ngược với suy đoán, tàu sân bay nội địa Trung Quốc sẽ trực tiếp tiến lên sử dụng phóng điện từ cho cất cánh máy bay chiến đấu. 

Đông Bình