Nam thanh niên chết bất thường, bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ 60 triệu viện phí

24/02/2016 15:27
Phương Linh
(GDVN) - Chàng trai Dương Châu Toàn ra đi sau gần một tháng hôn mê bởi 1 tai nạn, nhưng cho đến nay đã hơn 10 ngày, nguyên nhân của cái chết này vẫn chưa được làm rõ.

Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa nhận được thông tin, gia đình nạn nhân Dương Châu Toàn (SN 1988, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, em Toàn tử vong tại nhà, sau khi được tổ chức phẫu thuật tại bệnh viện Thống Nhất, nhưng tới nay, cơ quan này vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cái chết của Toàn.

Gia đình của anh Toàn cho biết, Toàn bị ngã xe do tránh một xe chở hàng vào ngày 6/1 vừa qua, bị trầy chân và đau đầu gối, nên phải vào bệnh viện Thống Nhất làm phẫu thuật để nối dây chằng.

Các bác sĩ tại đây đã chẩn đoán Toàn bị đứt, móc nối dây chằng chân trái, nhưng vì máu bầm chưa tan, nên phải đợi 12 ngày sau mổ mới có thể phẫu thuật nối dây chằng.

Tối ngày 18/1, chị gái của Toàn đưa anh đến khoa Ngoại dịch vụ để phẫu thuật nối lại dây chằng. Ca phẫu thuật này diễn ra suôn sẻ từ 17h30 đến 19h.

Sau đó, Toàn không có biểu hiện gì lạ về mặt sức khỏe. Trong suốt khoảng thời gian nằm ở bệnh viện Thống Nhất, em gái của Toàn túc trực ngay bên cạnh anh để chăm sóc.

Khoảng gần 4h sáng ngày 19/1, Toàn thức dậy và kêu đau, nên em gái Toàn phải ra gọi cho y tá Dũng đang trực biết.

Y tá Dũng vào phòng, chích một mũi thuốc cho Toàn vào bắp tay trái. Sau khi chích thì lúc đó Toàn kêu khát nước, muốn được đi tiểu. Toàn tiểu hoàn toàn không tự chủ, và nước tiểu rất nóng.

Khoảng 40 phút sau, Toàn kêu đau. Khi em gái của Toàn hỏi đau ở đâu, thì Toàn lúc đó chỉ vỗ vỗ vào háng mà không nói được nữa, rồi bị co giật và chảy nước dãi nhiều.

Phải kêu đến lần thứ 2, thì y tá Dũng mới chịu vào phòng, đưa cho em gái Toàn chiếc muỗng để đưa vào miệng, cho Toàn không cắn lưỡi, rồi đẩy Toàn vào phòng cấp cứu.

Toàn đã ra đi mãi mãi, nhưng nguyên nhân gây ra cái chết cho Toàn vẫn chưa được làm rõ (Ảnh: gia đình cung cấp)
Toàn đã ra đi mãi mãi, nhưng nguyên nhân gây ra cái chết cho Toàn vẫn chưa được làm rõ (Ảnh: gia đình cung cấp)

Lúc đó, nhịp tim của Toàn thấp, nên các bác sĩ đã phải tiêm thuốc tăng áp, Atropin trước khi bác sĩ xuất hiện sau đó 5 phút.

Toàn được dùng thuốc kích tim, nếu kích thì tim đập, không thì tim ngừng đập. Cấp cứu được 1 tiếng, thì Toàn có nhịp tim và huyết áp trở lại. 

Chỉ vài phút sau, Toàn được đưa xuống phòng hồi sức/hậu phẫu, trong tình trạng hôn mê sâu liên tục cho đến khi mất. Gia đình nhận được chẩn đoán từ bệnh viện là Toàn bị ‘tim tiềm ẩn’.

Thế nhưng, gia đình hoàn toàn không đồng ý với kết luận này, do trước khi mổ, Toàn có sức khỏe hoàn toàn bình thường.

Toàn nằm ở phòng này được vài ngày, thì tình trạng sức khỏe ngày càng xấu hơn, phải đi lọc thận. Sau đó, Toàn được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực chống độc thêm một thời gian nữa, trước khi xuất huyết dạ dày, máu tràn ra miệng, mũi, đi vệ sinh ra máu trong khoảng 4 ngày cuối.

Toàn đã ra đi vào ngày 13/2, sau 26 ngày hôn mê sâu, điều trị ở bệnh viện Thống Nhất, dù rằng ai cũng mong sẽ có một phép màu xảy ra, có thể cứu sống được chàng trai 28 tuổi với nhiều hoài bão, ước mơ lớn.

Trong cuộc họp với gia đình nạn nhân, ban lãnh đạo bệnh viện Thống Nhất đã trả lời một cách đầy lẩn tránh, vòng vo và các thông tin đưa ra hoàn toàn không khớp nhau.

Trong đó, nội dung chính của bệnh viện đưa ra là mọi thứ đã làm đúng qui trình, còn nguyên nhân tử vong không thể xác định được.

Bệnh nhân bị suy hô hấp mà không rõ lý do

Chiều ngày 23/2, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bác sĩ Trương Quang Anh Vũ – Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM đã thẳng thắn trả lời những thắc mắc mà người thân bệnh nhân Dương Châu Toàn đang cần giải đáp.

Bác sĩ Vũ khẳng định, các quy trình giải quyết đối với bệnh nhân Toàn là hoàn toàn đúng theo qui định.

Nguyên nhân bệnh nhân Toàn tử vong được kết luận (khi bệnh nhân về nhà) là do suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương não không hồi phục sau ngưng tuần hòan mà không rõ lý do vì sao.

Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ cũng giải thích thêm, tình trạng này xảy ra là do có thể bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, do bệnh lý tim mạch tiềm ẩn, chưa thể phát hiện được trên điện tim , siêu âm điện tim trước đó, mà cần phải tới khảo sát điện sinh lý buồng tim mới biết được.

Về cơ bản, bác sĩ Vũ thông tin, bệnh viện đã tiếp nhận toàn bộ những thông tin mà người thân bệnh nhân Toàn đưa ra, nhưng có một số vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn, mà người thân của bệnh nhân không thể nào biết hết được.

Bác sĩ bệnh viện Thống Nhất đang khám, điều trị cho bệnh nhân (ảnh minh họa của P.L)
Bác sĩ bệnh viện Thống Nhất đang khám, điều trị cho bệnh nhân (ảnh minh họa của P.L)

Đối với thông tin mà gia đình bệnh nhân Toàn cho rằng, Toàn đã bị sốc thuốc, thì đại diện bệnh viện đã loại trừ yếu tố này.

Bác sĩ Vũ khẳng định rằng, Toàn hoàn toàn không có các biểu hiện của sốc thuốc, thuốc dùng để tiêm cho Toàn đều có một tỷ lệ phản ứng với thuộc rất nhỏ, nên nếu nói Toàn bị sốc thuốc là vô trách nhiệm.

Về tiêm thuốc cho bệnh nhân, sau khi kiểm tra kỹ càng, bác sĩ Vũ khẳng định rằng, thời gian đã được các y tá thực hiện theo đúng chu trình điều trị được quy định, chứ không phải thời gian không thống nhất, không khớp nhau giữa bác sĩ và y tá như người thân của bệnh nhân suy đoán.

Nhằm thực hiện việc san sẻ nỗi buồn với gia đình bệnh nhân Toàn, bệnh viện Thống Nhất đã chi trả một phần chi phí điều trị cho bệnh nhân Toàn (60 triệu đồng), phần còn lại cho bảo hiểm y tế chi trả (189 triệu đồng).

“Vì bệnh nhân mất đi là tổn thất lớn lao cho gia đình, người thân và cho cả chính bệnh viện vì kết quả điều trị không như ý muốn, bệnh viện cảm thấy cần phải chia sẻ nỗi buồn với gia đình, chứ không phải vì bệnh viện có trách nhiệm trước cái chết của bệnh nhân mà làm việc này” – bác sĩ Vũ kết luận.

Phương Linh