Nâng hạng nhà giáo, đoạn trường ai có qua cầu mới hay

01/03/2018 06:49
THIÊN ẤN
(GDVN) - Giáo viên đăng ký thăng hạng không chỉ tốn kém về tiền bạc, kinh phí (học, thi) mà còn khổ sở, vật vã với hàng tá loại biểu mẫu, hồ sơ khi gửi lên cấp trên...

LTS: Bàn về việc nâng hạng giáo viên, thầy giáo Thiên Ấn phản ánh những gian nan, vất vả của giáo viên khi cố gắng đáp ứng những yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có thể nói, nhiều thầy cô giáo ở các trường mầm non, phổ thông công lập trong cả nước đều trông mong và có nhu cầu được thăng hạng giáo viên (từ bậc 4 lên bậc 3, từ bậc 3 lên bậc 2, từ bậc 2 lên bậc 1) để có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, bố trí vào những chức danh nghề nghiệp của hạng mới và được hưởng chế độ, mức lương cao hơn.

Nhưng trước đây, các văn bản của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào không quy định, đề cập đến các điều kiện, quy chuẩn như chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ nghiệp vụ... đối với giáo viên bậc mầm non, bậc phổ thông (ngoài quy chuẩn về văn bằng: trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm hoặc học tổng hợp, có chứng chỉ sư phạm).

Vì vậy, phần lớn giáo viên sau khi tốt nghiệp sư phạm ra trường, đi dạy học tới nay còn thiếu các chứng chỉ nêu trên.

Việc thăng hạng giáo viên vẫn còn lắm gian nan. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Việc thăng hạng giáo viên vẫn còn lắm gian nan. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Đây là một điều kiện cần cho việc bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở và giáo viên trung học phổ thông theo các Thông tư liên tịch số 20, số 21, số 22 và số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non đến giáo viên trung học phổ thông công lập.

Có lãnh đạo nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo từng cảnh báo giáo viên:

Từ năm 2015, nhà nước đã ban hành mã số, quy chuẩn về chức danh nghề nghiệp  giáo viên các cấp học bậc phổ thông rồi, các thầy cô nên đọc kỹ các tiêu chuẩn, điều kiện cần phải có.

Nếu thầy, cô nào còn thiếu các chứng chỉ như: ngoại ngữ, tin học… thì phải tranh thủ thời gian, lo đi học, thi và bổ sung vào hồ sơ viên chức cho đầy đủ.

Mai đây, khi dư thừa giáo viên, không bố trí được công việc khác thì các cấp quản lý sẽ thanh lọc những thầy cô giáo chưa đủ chuẩn trước tiên”.

Nâng hạng nhà giáo, đoạn trường ai có qua cầu mới hay ảnh 2Giáo viên "khổ càng thêm khổ" với Thông tư 20/2017/BGDĐT

Ý lo xa của họ là hoàn toàn có cơ sở.

Những giáo viên chưa đủ tiêu chuẩn ở hạng đang giữ (nhất là hạng 3 trở lên) cần đặc biệt lưu ý.

Giáo viên ở hạng đang giữ đã thấy mệt, còn các thầy cô giáo có yêu cầu thăng hạng càng thấy lo lắng và vất vả hơn nhiều.

Theo Thông tư số 20 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà giáo đăng ký thăng hạng chức danh nghề nghiệp bậc mầm non, phổ thông công lập phải đáp ứng các điều kiện:

Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi thi;

Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp…

Ngoài ra, các thầy cô giáo còn phải tham gia dự thi 4 nội dung gồm: môn kiến thức chung, chuyên môn, tin học, ngoại ngữ.

Phần dự thi có tới 4 nội dung thi khác nhau, đây thật sự là quá khó đối với giáo viên phổ thông, nhất là các thầy cô giáo đã lớn tuổi.

Thế nên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BGDĐT về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, giáo viên không phải dự thi thăng hạng (4 bài) như Thông tư số 20 mà chỉ cần nộp hồ sơ xét thăng hạng, song lại kèm nội dung phỏng vấn hoặc làm một bài kiến thức pháp luật.

Như vậy, giáo viên vẫn phải thi, có khác nào “rượu cũ bình mới”.

Hầu hết giáo viên cảm thấy thất vọng trước Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.  

Cái vòng luẩn quẩn của đời giáo viên phổ thông ở nước ta là thi và thi.

Nâng hạng nhà giáo, đoạn trường ai có qua cầu mới hay ảnh 3Bộ Giáo dục ban hành mẫu chứng chỉ năng lực ngoại ngữ sử dụng thống nhất

Còn hiệu quả, tác động tích cực của nó đối với công việc, nghiệp vụ của nhà giáo thì cơ quan chủ quản (Bộ Giáo dục và Đào tạo) các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo chưa thấy có một thống kê, so sánh, phân tích nào?

Về tiêu chuẩn chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều giáo viên băn khoăn, liệu các chỉ chứng ngoại ngữ của họ được các trường, trung tâm cấp trước Thông tư số 01 năm 2014 ban hành, có còn giá trị tham gia xét thăng hạng nữa hay không khi tại Điều 2 của Thông tư này quy định:

Các quy định trước đây về chương trình ngoại ngữ trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ”.

Nắm bắt nhu cầu giáo viên các địa phương có nhu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ nhà giáo, nhiều trường đại học, trung tâm ngoại ngữ và tin học, trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề, chớp lấy thời cơ “vàng”, liên kết lại với nhau, thông báo chiêu sinh và tổ chức học, ôn tập, thi liên tục.

Mỗi cơ sở tổ chức đưa ra một mức phí học, ôn tập và thi rất khác nhau.

Với chứng chỉ tin học cơ bản, nơi thì 600.000 đồng/ người, nơi lấy 1 triệu đồng/ người, có nơi lên đến gần 1,4 triệu đồng.

Nội dung học và thi đều giống nhau cả theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11//2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, thế mà lệ phí học và thi mỗi chỗ mỗi kiểu.

Nâng hạng nhà giáo, đoạn trường ai có qua cầu mới hay ảnh 4"Lương giáo viên sẽ cao hơn sĩ quan công an, quân đội" có phải bánh vẽ?

Tại sao Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính không quy định thống nhất được mức lệ phí chung, áp dụng cho cả nước (trừ những thành phố lớn)?

3 triệu đồng/ người là mức học phí mà các trường đại học liên kết với các cơ sở giáo dục ở các địa phương thu của mỗi học viên để tham gia lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (điều kiện cần trong thăng hạng).  

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cho phép 10 trường Đại học cả nước (đủ điều kiện) để tổ chức chiêu sinh, học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ từ B1 trở lên cho các học viên.

Tuy vậy, một số trường, trung tâm vẫn tổ chức học, thi và cấp chứng chỉ “chui”, nhiều người, giáo viên có nhu cầu vẫn tìm đến đây.

Nếu quá trình rà soát về điều kiện, tiêu chuẩn để thăng hạng được tiến hành, kiểm tra kỹ lưỡng thì chắc chắn sẽ có không hiếm những chứng chỉ ngoại ngữ B1, B2 của nhà giáo không hợp lệ theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên đăng ký thăng hạng không chỉ tốn kém về tiền bạc, kinh phí (học, thi) mà còn khổ sở, vật vã với hàng tá loại biểu mẫu, hồ sơ khi gửi lên cấp trên:

Sơ yếu lý lịch, đơn xin nâng hạng, giấy khám sức khỏe, xác nhận 3 năm hoàn thành tốt/ xuất sắc nhiệm vụ, các văn bằng, chứng chỉ, các minh chứng về thành tích của cá nhân…

Tất cả thầy cô giáo ở nhà trường phổ thông và nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương (Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo) đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi Thông tư số 29 mới ban hành theo hướng loại bỏ hẳn bài thi phỏng vấn hoặc bài thi tìm hiểu về pháp luật.

Bởi vì một trong hai bài thi này cũng chỉ là hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”, không phản ánh được năng lực, chuyên môn của giáo viên.

Mặt khác, tổ chức thi cử, nếu làm không tốt, dễ nảy sinh những biểu hiện trục lợi, tiêu cực, phức tạp, gây bức xúc trong đội ngũ nhà giáo và dư luận xã hội.

Tốt nhất là thành lập các hội đồng tổ chức xét từ dưới cơ sở giáo dục đến Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc ngược lại.

Theo đó, căn cứ vào nhu cầu bố trí việc làm của từng đơn vị, năng lực, mức độ cống hiến, thành tích của các giáo viên đăng ký nâng hạng mà Phòng, Sở Giáo dục giao chỉ tiêu, số lượng, tiêu chuẩn về cho các nhà trường xem xét, lựa chọn, một cách công khai, dân chủ, nếu thấy cần thiết có thể lấy phiến kín của cả hội đồng sư phạm nhà trường.

THIÊN ẤN