Nếu chương trình mới sử dụng mô hình, phương pháp VNEN sẽ là bước thụt lùi

12/05/2018 08:39
Phan Tuyết
(GDVN) - Nếu quả thật chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây dạy theo phương pháp VNEN như mô hình trường học mới đang triển khai sẽ là một bước lùi trong giáo dục

LTS: Bày tỏ lo lắng nếu chương trình mới đưa vào giảng dạy lại sử dụng phương pháp VNEN, tác giả Phan Tuyết đưa ra bài viết chia sẻ.

Qua đó, tác giả mong rằng những người trong ban soạn thảo chương trình mới sẽ có câu trả lời thật thẳng thắn để dư luận cùng những nhà giáo như cô được biết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Khi đưa mô hình trường học mới (VNEN) vào giảng dạy, người ta ca ngợi rằng, đó là phương pháp dạy học tích cực, hình thành và phát huy năng lực sáng tạo của học sinh. Nhưng thực tế, sau khi triển khai giảng dạy lại cho câu trả lời hoàn toàn khác.

Thời gian dành cho việc học thì ít, "diễn" thì nhiều

Trong lớp, học sinh ngồi quây lại theo "mâm", tự học, trao đổi nhóm đôi, nhóm lớn và báo cáo với giáo viên khi đã hoàn thành xong sản phẩm là phương pháp được dạy trong mô hình trường học mới VNEN.

Thế nên, giáo viên trong ngành thường gọi ngắn gọn luôn là phương pháp VNEN thì ai cũng hiểu.

Lớp học được tổ chức theo mô hình trường học mới VNEN (Ảnh minh họa: TTXVN).
Lớp học được tổ chức theo mô hình trường học mới VNEN (Ảnh minh họa: TTXVN).

Xét một cách công bằng thì phương pháp này chẳng có gì là mới. Nhiều năm về trước, giáo viên đã sử dụng phương pháp học nhóm để dạy trong các tiết học của mình.

Có điều, học sinh không phải ngồi quay mặt vào nhau một cách cố định suốt cả buổi học từ ngày này, qua ngày khác.

Khi có nội dung gì cần sự hợp tác, hợp sức của tập thể thì giáo viên chia nhóm (có thể nhóm đôi, nhóm ba, nhóm tư hay nhóm lớn hơn tùy vào nội dung cần trao đổi).

Học nhóm xong hoạt động ấy, các em lại trở về vị trí ngồi học nhìn thẳng lên bảng lớp.

Bởi thế, có thể nói phương pháp học VNEN chỉ là kiểu góp nhặt những phương pháp dạy học cũ (giáo viên vẫn thường dạy) thêm vào một số bước khác lạ.

Điều nguy hại là chỉ tốn thời gian chứ không mấy tác dụng cho việc tiếp thu kiến thức của học sinh như việc tiết học chỉ 35 phút (bậc tiểu học) nhưng những thủ tục hình thức chiếm mất khoảng 1/3 thời lượng.

Nếu chương trình mới sử dụng mô hình, phương pháp VNEN sẽ là bước thụt lùi ảnh 2Thực nghiệm chương trình mới liệu có lặp lại vết xe đổ VNEN?

Vào tiết học, học sinh khởi động (trò chơi, ca hát tập thể, giới thiệu cơ cấu lớp, báo cáo hoạt động ứng dụng, nhận xét, tuyên dương) sau đó mới chính thức vào bài học.

Chưa hết, trước khi đi vào tìm hiểu kiến thức của bài học, các em còn phải trải qua thời gian chia sẻ mục tiêu trong nhóm, trước lớp khoảng 5 phút nữa.

Trừ tất thảy những yêu cầu về hình thức thì thời gian học sinh tìm hiểu bài có lẽ chỉ chừng 20 phút.

Trong khi sách hướng dẫn học VNEN chép lại sách giáo khoa 2000 vốn đã nặng trịch kiến thức.

Thế nên mô hình trường học mới VNEN đã lặng lẽ, âm thầm teo lại rồi biến mất tại một số địa phương một cách không kèn, không trống, những nơi triển khai thì sáng VNEN, chiều truyền thống chẳng có gì lạ.

Những lo ngại cho chương trình mới

Nay thay đổi chương trình, giáo viên lo lắng liệu chương trình mới có khác cách dạy của mô hình VNEN hay không?

Câu trả lời được bật mí khi nghe Giáo sư Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình bộ môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhận định.

Mô hình VNEN là một bước chuyển tiếp để từ chương trình giáo dục hiện hành chủ yếu tiếp cận nội dung kiến thức bước sang một chương trình mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Nếu chương trình mới sử dụng mô hình, phương pháp VNEN sẽ là bước thụt lùi ảnh 3Chương trình mới sao chép VNEN thì thà giữ chương trình cũ còn hơn

Thế nên chúng tôi, những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cả hai mô hình hiện hành và VNEN cảm thấy lo lắng, băn khoăn rằng:

“Nếu quả thật chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây sẽ dạy theo phương pháp dạy VNEN như mô hình trường học mới đang triển khai sẽ là một bước lùi trong giáo dục”.

Nói điều này vì chúng tôi dựa vào thực tế dạy và học theo mô hình VNEN.

Chúng tôi thật sự lo lắng cho những học sinh của mình vừa bị mang ra “thực nghiệm” mô hình VNEN chưa xong, nay tiếp tục làm vật “thí nghiệm” cho chương trình mới mà nền tảng cũng từ một chương trình đang gặp phải phản ứng khá dữ dội từ dư luận.

Phần đông giáo viên chúng tôi chưa được dự, chưa được xem một tiết dạy thực nghiệm nào từ chương trình mới nhưng cũng thật may mắn có đồng nghiệp đã nói rằng:

“Mình có dự tiết thực nghiệm, thấy phương pháp mới mà báo cáo nói là phương pháp của VNEN, dạy theo 5 bước (khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng, tìm tòi mở rộng). Về nội dung và phương pháp chỉ là bản sao của VNEN mà thôi”.

Vì thế, chúng tôi tha thiết mong rằng ban soạn thảo chương trình mới có thể trả lời được điều mà nhiều nhà giáo đang quan tâm, bức xúc phương pháp dạy học mới trong lần thực nghiệm vừa qua là phương pháp gì?

Nếu chương trình mới sử dụng mô hình, phương pháp VNEN sẽ là bước thụt lùi ảnh 4Chương trình, sách giáo khoa mới đang đi theo vết xe đổ VNEN?

Liệu có giống như phương pháp VNEN trong mô hình trường học mới mà giáo viên dự thực nghiệm phản ánh không?

Mô hình trường học mới theo chúng tôi, thất bại chính là do phương pháp triển khai bài dạy không phù hợp với đối tượng học sinh của ta, không phù hợp với cơ cấu tổ chức lớp, với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại...

Một số tỉnh thành đã tẩy chay mô hình này. Những tỉnh còn lại thì ngành giáo dục "án binh bất động" và không có cơ chế nào minh bạch để cha mẹ học sinh được tự quyết định có tiếp tục học VNEN hay không.

Chúng tôi trông chờ những câu trả lời thật thẳng thắn từ các vị có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban phát triển chương trình.

Phan Tuyết