Nếu không phải thi, môn Văn sẽ chẳng mấy học sinh muốn học

11/04/2014 06:36
Xuân Trung
(GDVN) -Điều này được TS. Chu Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu lên cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các cơ quan phụ trách thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá môn văn

Trước thực trạng học sinh “chán” môn Ngữ văn, TS. Chu Văn Sơn ví đó chẳng khác nào như chuyện học sinh “ghét” môn Lịch sử, và giả thiết nếu tình trạng dạy và học văn hiện nay không sớm được khắc phục ngay từ bây giờ, thì e rầng, đến một ngày nào đó, nó sẽ có kết cục giống như môn Sử: học sinh sẽ vui mừng  xé bỏ tài liệu ôn tập văn khi Bộ có thông báo không thi tốt nghiệp môn Văn

Chưa bao giờ học sinh chán học văn như bây giờ

Học sinh và phụ huynh đều biết tới TS. Chu Văn Sơn  từ những năm trước đây khi ông thường dạy ôn Ngữ văn trên truyền hình, với giọng đọc truyền cảm và trái tim có lửa với nghề, luôn là niềm cảm hứng của nhiều thế hệ học trò khi yêu thích Ngữ văn khi được ông truyền cảm hứng. 

Nhân Hội thảo về đổi mới cách kiểm tra đánh giá môn Ngữ Văn, với sự có mặt của đông đảo người trong giới, TS. Chu Văn Sơn đã nêu lên nghịch lí trong thực trạng dạy học văn hiện nay. TS. Chu Văn Sơn đã cảnh báo xót xa rằng, việc dạy và học môn Ngữ văn hiện nay đang khiến ông lo ngại, đặc biệt là ở khu vực trường đại trà và trường miền núi. Và nghịch lý ở đây là gì?  

TS. Chu Văn Sơn buồn thay cho thực trạng học sinh chán môn Ngữ văn như hiện nay. Ảnh Xuân Trung
TS. Chu Văn Sơn buồn thay cho thực trạng học sinh chán môn Ngữ văn như hiện nay. Ảnh Xuân Trung

Theo TS. Sơn chưa có bao giờ người dạy văn ở Việt Nam được trang bị nhiều kiến thức như bây giờ, chưa bao giờ người dạy văn được trang bị nhiều phương pháp như bây giờ, chưa bao giờ người dạy văn có được sự hỗ trợ bởi những phương tiện tối tân như bây giờ. Với sự hỗ trợ như vậy đáng ra chất lượng học văn sẽ cao hơn, đáng ra tình yêu môn văn của học trò phải cao hơn, nhưng nghịch lý là : chưa bao giờ học trò lại chán học văn như bây giờ.

TS. Chu Văn Sơn cho rằng, không thể né tránh điều này vì chúng ta là người trong cuộc, để dẫn đến tình trạng này có nguyên nhân khách quan nằm ngoài tầm tay của Bộ GD&ĐT, nằm ngoài sự nỗ lực của giáo viên. 

Một lý giải được đưa ra hiện nay là nhu cầu về giải trí của con người mạnh lên, sự lên ngôi của công nghệ giải trí cũng ồ ạt hơn, và kéo theo về công nghệ nghe nhìn, làm cho văn hóa nghe nhìn chiếm ưu thế, văn hóa đọc bị suy giảm, dẫn tới học sinh không thích học văn. 

TS. Sơn hoài nghi rằng, hình như sự lựa chọn của con người giờ cũng trở nên thực tế đến mức thực dụng hơn trước. Ngay những người theo nghề dạy văn, nhưng khi định hướng cho con vào nghề nào trong tương lai, thì nhiều người cũng không khuyên con mình thi vào những khối những trường  thuộc về văn. Bởi môn văn là môn sau này không hứa hẹn nhiều về thu nhập, vị trí, đời sống. Thực tế này cũng ảnh hưởng tới việc học sinh không thích học văn.

Qua tìm hiểu của TS. Chu Văn Sơn, thực chất học sinh chúng ta không chán văn nói chung, mà chỉ chán văn trong nhà trường, văn bên ngoài học sinh vẫn thích. Vậy tình trạng này nhà trường phải chịu trách nhiệm chính. Cần tìm nguyên nhân thuộc về “cỗ máy dạy – học văn” của chúng ta.

Theo TS. Chu Văn Sơn, có thể khắc phục tình trạng này ở 6 khía cạnh: Thứ nhất, triết lý bộ môn Ngữ văn (tư tưởng lớn) còn nhiều điểm bất cập.  Ở bậc phổ thông, nên xem môn Ngữ văn là môn công cụ có tính nhânn văn. Trong đó, tư cách nhân văn phải dặt lên hàng đầu. Tức là,  trước hết không nên xem dạy văn như  cung cấp những tri thức và kĩ năng của một môn nghệ thuật hay môn khoa học xã hội cho học trò. Chuyện ấy thuộc hàng hai, hàng ba thôi. Hàng đầu phải là bồi đắp các giá trị nhân văn cho học trò. Khía cạnh này trước đây có được nói tới, nhưng chưa đúng mức, đúng tầm quan trọng của nó.

Thứ hai, chương trình là sản phẩm trực tiếp được xây dựng dựa trên triết lý bộ môn, chương trình môn Ngữ văn hiện nay có khá hơn trước nhưng so với yêu cầu vẫn phải điều chỉnh, bởi chương trình đang có sự lấn áp của nhiều tiêu chí ngoài văn. 

Thứ ba, tuy sách giáo khoa được biên soạn ưu việt hơn trước, nhưng do triết lý bộ môn, định hướng như vậy nên sách giáo khoa cũng có lệch, bởi sách quyết định tới hệ thống, phương hướng đào sâu vào văn bản, câu hỏi. Nếu coi Ngữ văn là bộ môn khoa học xã hội thì hệ thống câu hỏi sẽ tập trung vào việc nhồi kiến thức, rèn rũa kỹ năng chứ không đi theo hướng bồi đắp năng lực như ta mong muốn.

Thứ tư là phương pháp, theo TS. Sơn vấn đề đọc hiểu cũng còn nhiều chuyện phải làm lại, chưa thể yên tâm vì nếu yên tâm thì tại sao học sinh lại chán văn? Vận dụng phương pháp còn nhiều lổn nhổn

Thứ năm; Về kiểm tra đánh giá, do trượt theo triết lý bộ môn như thế, chương trình và sách biên soạn như thế, cách dạy như thế, nên kiểm tra đánh giá cũng bất cập: chỉ nghiêng về kiểm tra kiến thức và kĩ năng

Cách hiểu về năng lực còn rất lôi thôi. Nhiều người còn hiểu nhầm giữa kỹ năng và năng lực. Theo TS. Sơn kỹ năng là kỹ thuật, quy trình, còn năng lực thuộc về tố chất.  Kỹ năng là phương tiện để phát triển năng lực, nhưng kỹ năng không phải là năng lực.

Trao đổi về cách ra đề Ngữ văn theo hướng mở, TS. Chu Văn Sơn cho rằng đó là vấn đề tích cực, góp phần thay đổi kiểm tra, đánh giá. “Tuy nhiên, nếu thay đổi bằng dạng đề mở như chúng ta mong muốn thì liệu có làm cho học sinh yêu văn hơn không? Hào hứng hơn không? Cách đánh giá mới này có vẻ khoa học hơn, nhưng nếu chỉ trông vào cách đánh giá này để hi vọng học sinh yêu văn hơn, thì tôi không dám chắc” TS. Sơn nhận định.

Vấn đề thứ sáu, học sinh chán văn cũng một phần do TÂM người dạy văn hiện nay khác trước nhiều, khác theo hướng sa sút. Số giáo viên tâm đắc với nghề, muốn truyền lửa văn chương cho học trò ngày càng ít, phần lớn hiện nay giáo viên lên lớp bởi những lý do khác nhiều hơn. 

“Trong lòng thầy cô không có lửa thì làm sao giờ văn có lửa, giờ không có lửa thì làm sao học sinh yêu văn được? Khái quát nhất để nhận diện tình trạng của môn văn hiện nay là : những giờ văn thiếu chất văn. Tôi cho rằng đây là bệnh tràn lan. Phải có nỗ lực tổng thể trên tất cả các khâu ấy chứ không chỉ riêng một khâu nào, dù đó là khâu quan trọng như đánh giá kiểm tra” TS. Chu Văn Sơn cảnh báo.

Học sinh xác định đúng nhiệm vụ và yêu cầu của đề

Trao đổi thêm về vấn đề đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo hình thức đánh giá tư duy, năng lực. Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 cho biết, về thực trạng đánh giá, kiểm tra môn Ngữ văn ở trường phổ thông vẫn còn bất cập, mặc dù đã được sự chỉ đạo và sự nỗ lực của tác giả ra đề. Trong thời gian qua những người ra đề Ngữ văn đã thực hiện tốt định hướng đổi mới, trong đó có ra theo hướng mở. 

Tuy nhiên, theo ông Thống việc đổi mới đó vẫn nằm trong cái cũ, tức là vẫn đánh giá theo nội dung, theo trí nhớ, đánh giá về mặt hiểu cụ thể theo một chương trình, tác phẩm, vấn đề đã học sẵn nên hạn chế nhiều tính sáng tạo, không đánh giá được năng lực thực sự của học sinh.

Ông Thống cho rằng, năng lực này không phải chờ tới sau năm 2015 (khi đổi mới chương trình sách giáo khoa), vì không ai dạy năng lực một cách trực tiếp, năng lực chỉ qua kiến thức và kỹ năng. Nếu như trước đây chúng ta tách rời thì bây giờ phải vận dụng tổng hợp vào để cho học sinh vận dụng được vào đời sống. 

Muốn đánh giá đúng được năng lực người học thì hiểu thế nào là năng lực? Ông Đỗ Ngọc Thống nhận định, năng lực trước hết thể hiện ở năng lực giao tiếp hiểu theo nghĩa rộng (năng lực tiếp nhận văn bản gồm đọc và nghe, nói và viết). Khi hiểu được văn bản thì người học sẽ phát triển những năng lực chuyên biệt, đó là cái chất của vấn đề. 

Việc đánh giá năng lực này như thế nào sẽ liên quan đến việc xây dựng ma trận trong đề Ngữ văn sắp tới. Ông Thống nghĩ rằng, việc đánh giá năng lực tiếp nhận văn bản hiểu theo nghĩa rộng cần phải hạn chế. Theo gợi ý của ông Thống, thầy cô giáo khi ôn thi cho học sinh cũng cần phải hướng vào một nội dung cụ thể như: tiếp nhận văn bản. Nắm được nội dung chính, những thông tin quan trọng của văn bản, những ý nghĩa của tên văn bản. Muốn hiểu được văn bản trước hết phải hiểu từ ngữ, cú pháp, chấm câu, hình thức, biểu tượng, ký hiệu ngôn ngữ. 

Việc đánh giá năng lực tạo lập, ông Thống lưu ý các giáo viên ôn tập cho học sinh cấu trúc văn bản, quá trình tạo lập, đặc biệt lưu ý học sinh nhận thức đúng nhiệm vụ và yêu cầu của đề. Cần phải xem yêu cầu chính của đề đáp ứng gì? Không thể nói về một Chí phèo mà chỉ có những nội dung chung chung, như thế là không đạt về mặt tư duy. Ngoài ra các kỹ năng viết từ đúng chính tả, ngữ pháp cho tới cách thức một đoạn văn, cấu trúc một bài. 

“Dù có mở tới mức nào nhưng vẫn phải có những quy tắc, quy chuẩn của văn chương” ông Thống nói về tính mở của đề Ngữ văn. 

Ông Đỗ Ngọc Thống cũng cho rằng, đề mở là không bó buộc học sinh từ nội dung, hình thức, cách thức biểu đạt, nhưng cũng không mở tới mức giáo viên không chấm nổi hoặc nói lung tung. Mở tới mức nào thì đề đó cũng đã giới hạn chủ đề, đề tài. 

“Chúng ta đang lo quá cho học sinh, thực tế học sinh không kém tới mức như các thầy cô lo lắng. Đề mở sẽ phải có đáp án mở, nhưng sẽ có những ý rất căn cốt. Khuyến khích thêm tính sáng tạo của học sinh, cách tiếp cận mới, cách cảm phong phú từ học sinh. Định hướng ra đề thi tốt nghiệp, theo đó sẽ có những nguyên tắc đổi mới. Có hai vấn đề dứt khoát phải có trong đề thi: Đọc hiểu văn bản và năng lực viết,  tạo lập” ông Thống khẳng định.

Xuân Trung