Ngành giáo dục nên xem lại Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi

25/11/2015 07:43
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Hiện còn nhiều cơ sở giáo dục chưa mặn mà trong việc triển khai, thực hiện Điều lệ Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi.

LTS: Nhìn nhận từ thực tế của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc mạnh dạn đưa ra nhìn nhận, đánh giá về Điều lệ Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ GD&ĐT.
 
Đồng thời, tác giả  cũng nêu ra những hạn chế mà nhiều cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt mong muốn xây dựng một nền giáo dục toàn diện và chất lượng hơn. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Trước tình trạng  học sinh sa sút về đạo đức, hư hỏng, cá biệt, bỏ nhà đi hoang, đánh nhau hội đồng, đâm chém, vi phạm điều lệ nhà trường phổ thông, vi phạm pháp luật…ngày càng gia tăng, phức tạp, với tính chất nghiêm trọng hơn; nhiều giáo viên thiếu kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm, xử lý học sinh chưa ngoan…  

Trong thời gian qua, ngành giáo dục, nhà trường đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, biện pháp  như tổ chức các lớp tập huấn, diễn đàn, hội nghị, triển khai các nội dung, chỉ thị, văn bản về tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức trong nhà trường…nhằm góp phần ngăn chặn, hạn chế học sinh yếu kém, sa sút về đạo đức. 

Điểm mới nhất cho nỗ lực ấy là gần đây, Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (kèm theo Thông tư số 43/2012/TT-BGDĐT) với mục đích tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm. 

Đồng thời phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, có những đóng góp và giải pháp tốt trong giáo dục đạo đức học sinh; thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục học sinh. 

Cần siết chặt công tác triển khai, thực hiện Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi (Ảnh minh họa của hanam.gov.vn)
Cần siết chặt công tác triển khai, thực hiện Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi (Ảnh minh họa của hanam.gov.vn)

Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục, nhà trường, trung tâm, hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi được tổ chức hằng năm. Đối với cấp huyện, Phòng giáo dục, 2 năm tổ chức 1 lần. Đối với cấp tỉnh, Sở giáo dục, 4 năm tổ chức 1 lần và cấp toàn quốc, cứ 5 năm tổ chức 1 lần. 

Các tiêu chuẩn bình bầu, đánh giá thi ở cấp trường là mức độ hoàn thành nhiệm vụ; sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đã hiệu quả, có tính thực tiễn; biện pháp giáo dục học sinh nói chung và giáo dục học sinh cá biệt nói riêng, công tác phối hợp với các lực lượng gia đình và xã hội tham gia giáo dục học sinh; sự tín nhiệm của học sinh, phụ huynh và các cá nhân, tổ chức có liên quan. 

Thi cấp huyện và tỉnh gắn với các hình thức: hồ sơ chủ nhiệm, bài thi  hiểu biết, ứng xử tình huống sư phạm, bài  thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm…. 

Theo chúng tôi nhận định, những nội dung, tiêu chuẩn đưa ra bình bầu, đánh giá như vậy là khoa học, là  phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của công tác chủ nhiệm. 

Ngành giáo dục nên xem lại Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi ảnh 2

Thi giáo viên dạy giỏi, sao lại bỏ đi?

(GDVN) - Thi giáo viên dạy giỏi để kích thích thầy, cô dạy học, giáo dục học sinh tốt hơn nữa, không bao giờ chủ quan, tự mãn, bằng lòng với những cái đã đạt được.

Sau mỗi hội thi, có tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và khen thưởng các giáo viên chủ nhiệm đạt giải. Mức khen thưởng được thực hiện theo mức, theo quy định của Luật thi đua khen thưởng hiện hành. 

Theo chúng tôi, việc ban hành và triển khai hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi là hết sức cần thiết, đánh thức ý thức, trách nhiệm, kể cả củng cố kỹ năng, nghiệp vụ của nhà trường, thầy cô giáo trong giáo dục, uốn nắn hạnh kiểm học sinh, nhất là học sinh cá biệt , khi mà tình hình giáo dục đạo đức học sinh nhiều nơi thực hiện chưa tốt, còn nặng dạy chữ hơn dạy người. 

Được biết, đến nay chỉ mới có một số nhà trường, địa phương tiến hành tổ chức Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi, bước đầu thu được kết quả khá tốt. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường, nhiều Sở, Phòng GD&ĐT chưa mặn mà trong việc triển khai, thực hiện Thông tư trên. 

Riêng ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi chúng tôi, về phía Sở GD&ĐT vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các cơ sở giáo dục thực hiện nội dung quan trọng, có ý nghĩa này. 

Điều chúng tôi băn khoăn, lo ngại là hội thi được tổ chức từ cấp cơ sở đến cấp toàn quốc làm sao quy tụ được nhiều nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm tham gia, tạo nên hội thi, phong trào thật sự? 

Ngành giáo dục nên xem lại Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi ảnh 3

Đừng “ép” giáo viên đi thi dạy giỏi!

(GDVN) - Nhiều quan điểm cho rằng, việc tổ chức thi giáo viên giỏi các cấp như lâu nay chúng vẫn làm chỉ là hình thức, là “đi diễn”, là sáo rỗng và đòi bỏ thi.

Vì nhiều hội thi về văn nghệ, đồ dùng dạy học, giáo viên dạy giỏi… do ngành giáo dục tổ chức các năm gần đây thường rất thưa vắng, buồn bèo, nhiều trường, thầy cô giáo thờ ơ, ít quan tâm, tham gia chiếu lệ, làm cho lấy có. 

Nguyên nhân cơ bản là do giá trị giải thưởng của các Hội thi còn quá thấp, giải nhất, giải nhì được nhận vài ba trăm nghìn là xong chưa tương xứng với công sức, đầu tư của những thầy cô đi thi bỏ ra, chưa có sức khuyến khích, động viên về mặt vật chất đối với họ. 

Chính vì vậy, để những hội thi lớn  như hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi của ngành giáo dục có sức thu hút, lan tỏa lớn, ngành giáo dục, từng Sở giáo dục, từng Phòng giáo dục cần thay đổi cơ chế khen thưởng hiện hành, có cơ chế, chế độ khen thưởng, đãi ngộ thỏa đáng. 

Đồng thời, các đơn vị chủ quản, Sở, Phòng GD&ĐT cần có những biện pháp cụ thể, xử lý nghiêm những đơn vị, cơ sở giáo dục hời hợt, thiếu quan tâm, trách nhiệm, không cử người tham gia Hội thi, không để tình trạng cuối năm, trường có người đi thi cũng giống như trường không có người đi thi. 

Đỗ Tấn Ngọc