Ngày khai giảng thiêng liêng lắm, đừng mượn cớ để...xin tiền

26/08/2018 07:28
Thanh An
(GDVN) - Vì mỗi lần phụ huynh đến dự lễ khai giảng hay lễ gì đi nữa đều phải có phong bì nên nhiều phụ huynh được mời nhiều lần trong năm học họ cũng ngán ngại.

LTS: Thầy giáo Thanh An phản ánh những bất cập trong việc nhà trường kêu gọi các đơn vị, cá nhân ủng hộ vật chất cho nhà trường vào dịp khai giảng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày khai giảng năm học bao giờ cũng có một vị trí thiêng liêng cho cả thầy và trò ở các nhà trường, nhất là đối với những em học sinh đầu cấp.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngày này của một số trường chỉ còn mang danh nghĩa hình thức, là nơi để các Ban giám hiệu báo cáo thành tích và kêu gọi các ban ngành, các cá nhân ủng hộ vật chất cho nhà trường.

Lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành đến dự thì hùng hồn chỉ đạo từ cái này đến cái khác.

Thành ra, ngày khai giảng mất đi sự thiêng liêng và dẫn đến sự thờ ơ của giáo viên, học sinh trong nhà trường, cũng như phụ huynh đang có con theo học ở các nhà trường.

Hãy để lễ khai giảng là một ngày vui của con trẻ. Ảnh minh họa: TTXVN
Hãy để lễ khai giảng là một ngày vui của con trẻ. Ảnh minh họa: TTXVN

Nếu xét về khía cạnh trang trọng, hoành tráng thì đa số các trường ở thành phố và đồng bằng hiện nay đều có sự chuẩn bị rất chu đáo cho ngày khai giảng.

Trường nào cũng đầu tư, trang hoàng bằng những hình ảnh bắt mắt từ cổng trường đến khu vực làm lễ.

Cờ quạt được treo khắp nơi, rồi hoa, bóng bay được treo khắp khu vực làm lễ và con đường từ cổng trường đi vào. Loa đài rộn ràng, thầy cô và học trò đều đồng phục đẹp mắt.

Đội nghi lễ của nhà trường được tập luyện trước đó cả tuần trời nên những loạt trống chào mừng cứ vang vọng sau mỗi lần giới thiệu đại biểu.

Đó là chưa kể các đơn vị, các tổ chức trên địa bàn cũng gửi hoa đến chúc mừng… phải nói rằng sự chuẩn bị và cách tổ chức của đa phần các trường rất trang trọng và đẹp hết chỗ nói.

Ngày khai giảng thiêng liêng lắm, đừng mượn cớ để...xin tiền ảnh 2

Học chán rồi mới khai giảng, đích thị là ăn mấy món rồi mới khai tiệc

Song, có lẽ vì hoạt động dạy và học đã thực hiện trước đó đã mấy tuần rồi nên ngày khai giảng không còn là sự đón đợi của nhiều người.

Nhất là nhiều địa phương tổ chức lễ khai giảng trong phạm vi 2 tiết đầu, các tiết cuối của buổi khai giảng vẫn tổ chức dạy và học bình thường.

Thành ra, buổi lễ chỉ diễn ra trong vòng khoảng 45- 60 phút.

Với một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy nên buổi khai giảng chỉ được gói gọn một vài nội dung như: bài phát biểu của Hiệu trưởng, đọc thư Chủ tịch nước và phát biểu của lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương là hết thời gian.

Vì thế, những khách mời, phụ huynh đến dự khai giảng cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ, thầy cô trong trường cũng ngán ngẩm bởi đôi khi ngày khai giảng năm học lại là ngày toan tính của nhiều kế hoạch khác nữa.

Ở địa phương nơi chúng tôi công tác có một phong tục “rất lạ” không biết có tự bao giờ là khi những khách mời được mời đến dự khai giảng đều gửi “phong bì” cho nhà trường.

Như đã thành thông lệ, mỗi dịp lễ của nhà trường thì Ban giám hiệu nhà trường thường mời các cơ quan đầu ngành, các doanh nghiệp quen biết trong địa bàn.

Ngoài ra, còn mời phụ huynh đại diện của các lớp, mỗi lớp khoảng 3-5 phụ huynh được mời.

Những vị khách, những phụ huynh được mời phần lớn là những người có “vai vế, vị thế” ở địa phương.

Vì thế, mỗi khi được mời thì các quan chức, khách mời đều trả lại “bì thư” mà nhà trường đã gửi thư mời từ nhiều ngày trước đó. Chỉ khác, ruột của bì thư thì đều đựng tiền để hỗ trợ nhà trường.

Ngày khai giảng thiêng liêng lắm, đừng mượn cớ để...xin tiền ảnh 3Học trò thực sự muốn gì ở lễ khai giảng?

Những khoản tiền này đi về đâu chẳng ai được biết, chỉ có điều là tất cả các bao thư này đều được các giáo viên được phân công đón tiếp, giáo viên chủ nhiệm đưa lại cho Ban giám hiệu nhà trường.

Sự việc nhà trường nhận tiền của khách mời hoặc phụ huynh đã và đang diễn ra ở nhiều ngày lễ và nhiều năm qua.

Vì thế, nhiều Ban giám hiệu nhà trường còn bố trí cả “bàn đón khách” để “tiếp” những khách mời khi đến dự lễ của nhà trường.

Vì mỗi lần phụ huynh đến dự lễ khai giảng hay lễ gì đi nữa đều phải có phong bì nên nhiều phụ huynh được mời nhiều lần trong năm học họ cũng ngán ngại (khai giảng, 20/11, Tổng kết năm học…).

Vậy nên, nhiều giáo viên trong đơn vị có ý kiến là nhà trường không nên nhận tiền của phụ huynh nữa.

Nhưng, Ban giám hiệu nhà trường không chịu bởi theo các vị lãnh đạo này thì phụ huynh mà đi tiền thì cứ lấy.

Và, các điệp khúc mời khách dự khai giảng và nhận tiền cứ lặp đi, lặp lại từ năm này sang năm khác.

Sau lễ khai giảng thì Ban giám hiệu nhà trường mời lãnh đạo và các khách mời là phụ huynh vào “tọa đàm” thân mật.

Trường phổ thông mang tên “vua Đinh'” khai giảng năm học mớiTrường phổ thông mang tên “vua Đinh'” khai giảng năm học mới

Trong buổi tọa đàm này có rất nhiều chuyện nhưng chuyện xin hỗ trợ vật chất để xã hội hóa giáo dục là chuyện được đề cập và “tọa đàm” sâu nhất.

Những gợi ý của Ban giám hiệu luôn thể hiện “trách nhiệm” trước nhà trường và đặc biệt là với các em học sinh thân yêu của mình.

Nên, mọi lời kêu gọi đều hợp lí, hợp tình bởi tất cả các khoản nhà trường kêu gọi đều nhằm tới mục đích cuối cùng là phục vụ cho giáo dục xã nhà có điều kiện tốt nhất để thúc đẩy chất lượng.

Vì thế, công tác “tọa đàm” luôn đem lại hiệu quả cho công việc chung của nhà trường.

Có lẽ, chuyện tổ chức ngày khai giảng năm học chúng ta đã nghe rất nhiều về tính hình thức, về sự phô trương khả năng “báo cáo thành tích” và “phát biểu chỉ đạo” của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo địa phương.

Đặc biệt là sự “lồng ghép, tích hợp” việc xã hội hóa giáo dục vào trong các bài phát biểu của lãnh đạo nhà trường đã làm giảm đi sự thiêng liêng của buổi lễ và khiến cho những khách mời dự lễ cũng ngại ngùng.

Bởi lễ khai giảng của một số trường đâu chỉ còn là chuyện …khai giảng cho năm học mới mà nó đã mang tính thực dụng một cách lộ liễu.

Ngày trước, mỗi lần đến ngày khai giảng là học sinh vui vẻ vì gặp lại bạn bè, xúc động là được gặp lại thầy cô giáo sau 3 tháng nghỉ hè.

Còn bây giờ, có những địa phương đã tổ chức dạy và học cả tháng trời.

Nhiều khi, cha mẹ học sinh được mời dự Lễ không phải là cảm giác tự hào mà thay vào đó là sự nghi ngại. Vì thế, chuyện khai giảng bây giờ đã dần phai đi ý nghĩa đích thực của nó!

Thanh An