Nghịch lý xăng dầu cõng thêm thuế bảo vệ môi trường

26/02/2018 06:58
Hưng Long
(GDVN) - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân: "Sau khi tăng thuế bảo vệ môi trường thì tiền thu tăng thêm để dùng vào vấn đề gì?"

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của dư luận cho dự thảo nghị quyết trình Chính phủ về biểu Thuế bảo vệ môi trường. Từ ngày 01/07/2018, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của luật.

Với đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường như trên, mỗi năm, Bộ Tài chính sẽ thu được thêm gần 15.700 tỉ đồng.

Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế cao cấp khẳng định, các nước tiên tiến trên thế giới đều áp dụng thu Thuế bảo vệ môi trường nhưng có nhiều tiêu chí đi kèm.

Tiêu chí đầu tiên là giao thông không được tắc ngẽn, giao thông không bị chậm và không được ngập nước.

Hàng loạt các vấn đề trên dẫn đến lộ trình của phương tiện phải được thông thoáng. Thuế bảo vệ môi trường phản ánh trực tiếp đến lượng xăng, dầu được tiêu thụ.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Người dân đổ xăng, dầu sẽ bị đánh thuế là điều hiển nhiên. Nhưng việc đánh Thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn còn nghịch lý.

Tiến sĩ Nhân đưa ra ví dụ, một phương tiện đi từ điểm A đến điểm B lẽ ra chỉ mất 10 phút trong điều kiện giao thông tốt. Đối với đường giao thông ở Việt Nam, phương tiện di chuyển từ điểm A đến B lại mất 50 phút do tiêu tốn năng lượng hơn.

Trong đó, người dân đổ xăng đã phải “cõng” 4 loại thuế và 3 loại phí nên cần phải cân nhắc khi tăng Thuế bảo vệ môi trường bao nhiêu là phù hợp?

Thuế bảo vệ môi trường cần phải đáp ứng những tiêu chí, tiêu chuẩn trong điều kiện giao thông ở Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh, về nguyên tắc cơ chế thị trường, kinh tế thị trường phải đảm bảo vấn đề “win – win”. Có nghĩa, khi tăng thu Thuế bảo vệ môi trường thì phải minh bạch tiền thuế này để dùng vào vấn đề gì?

Ở nhiều nước trên thế giới, người dân được biết nhà nước dùng tiền thuế đã thu vào những mục đích, như: Trồng cây xanh, cải tạo ô nhiễm kênh rạch…

Thuế bảo vệ môi trường được các quốc gia sử dụng để cải tạo môi trường sạch đẹp hơn. Môi trường ở đây cũng là khí thải khi động cơ thải ra.

Tiến sĩ Nhân nói, nhà nước đặt vấn đề tăng Thuế bảo vệ môi trường nhưng cần phải đảm bảo được các điều kiện mục đích sử dụng tiền thuế của người dân cho phù hợp.  

Áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường theo dự thảo Luật bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, giá xăng chắc chắn sẽ phải tăng. Liệu có thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân? (Ảnh: TTXVN)
Áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường theo dự thảo Luật bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, giá xăng chắc chắn sẽ phải tăng. Liệu có thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân? (Ảnh: TTXVN)

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho rằng, nếu cơ quan nhà nước minh bạch và rõ ràng trong việc thu thuế của người dân thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ.

Cơ quan quản lý nhà nước nếu không minh bạch, không kiểm soát được số lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thị trường và tiền thuế thu được từ việc tăng thu thuế là rất khó.

Nghịch lý xăng dầu cõng thêm thuế bảo vệ môi trường ảnh 3

Vì sao thu thuế bảo vệ môi trường lại nhằm vào xăng dầu?

Không thể tăng thu Thuế bảo vệ môi trường để bù đắp cho những mất mát hay thiếu sót cho các lĩnh vực khác.

Phải cụ thể hóa, công khai hóa tiền Thuế bảo vệ môi trường và mục đích sử dụng. 

Tiến sĩ Nhân khẳng định, phải minh bạch, rõ ràng thì các cơ quan nhà nước mới có thể giải quyết tốt vấn đề môi trường. Khí hậu đang dần nóng lên thì ai cũng biết, nhưng phải có đề án cải tạo môi trường cụ thể.

Đề án này phải ngang tầm quốc gia thì mới có thể thực hiện được. Không thể cứ áp đặt người dân phải đóng Thuế bảo vệ môi trường nhưng cơ quan nhà nước không trả lời rõ ràng việc thu thuế này dùng vào mục đích gì?

“Ngay như hiện tại, người dân không thể chấp nhận việc thu phí bảo vệ cầu đường rồi còn tiếp tục thu thêm phí BOT”, ông Nhân chia sẻ. 

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dư luận cho dự thảo nghị quyết trình Chính phủ về biểu Thuế bảo vệ môi trường.

Theo đó, từ ngày 01/07/2018, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của luật.

Cụ thể, xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Mỡ nhờn từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.

Với đề nghị tăng Thuế bảo vệ môi trường như trên, mỗi năm, Bộ Tài chính sẽ thu được thêm gần 15.700 tỉ đồng.

Hưng Long