Người dân và doanh nghiệp vẫn kêu về thủ tục hành chính

03/07/2017 13:46
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề này tại cuộc họp trực tuyến sáng 3/7 với các địa phương, đồng thời yêu cầu cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa.

Hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng dự kiến diễn ra 1,5 ngày, tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2017, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm năm 2017.

Trong cả ngày 3/7, hội nghị sẽ bàn về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017; tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017;

Kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2017;

Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng; báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; báo cáo công tác cải cách hành chính;

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; báo cáo thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Sáng ngày 4/7, Chính phủ sẽ họp bàn về thể chế.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ phục vụ người dân và doanh nghiệp. ảnh: VGP.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ phục vụ người dân và doanh nghiệp. ảnh: VGP.

Tại phiên khai mạc sáng nay, Thủ tướng cho biết trong nửa đầu năm 2017, công tác chỉ đạo điều hành đã có nhiều đổi mới, quyết liệt; tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Thủ tướng ví von rằng, 6 tháng đầu năm nay có thể nói là 6 tháng có thiên thời, địa lợi, nhân hòa của đất nước. Người dân phấn khởi làm ăn, kinh doanh, khởi nghiệp, xu hướng kinh doanh tốt hơn, giống như một con người đi khám sức khỏe, các chỉ số cơ bản như huyết áp, mỡ máu, men gan… đều tốt.

Các bộ ngành đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, nhất là các Nghị quyết 01, 19, 35 và Chỉ thị số 24 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 và nhất quán quan điểm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%, nhưng không tăng trưởng bằng mọi giá;

Tăng trưởng phải gắn với ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng và phát triển bền vững.

Người dân và doanh nghiệp vẫn kêu về thủ tục hành chính ảnh 2

Chất lượng cán bộ thấp và "luật bất thành văn"… khiến doanh nghiệp chịu trận

Đến nay, tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt 5,73%, cao hơn mức 5,52% cùng kỳ năm ngoái (cả năm 2016 đạt 6,21%), muốn đạt được tăng trưởng 6,7%, thì 6 tháng cuối năm phải đạt được tăng trưởng 7,4%.

Đáng chú ý, các ngành nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh, Việt Nam là một trong 12 quốc gia dẫn đầu tăng trưởng du lịch.

Sáu tháng đầu năm có hơn 61.000 doanh nghiệp đăng ký mới, với tổng số vốn hơn 600.000 tỷ đồng.

Các lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo... đều thu được những kết quả tốt.

Dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ rõ tại hội nghị này cần phải “thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, khó khăn, thách thức”.

Đó là tình trạng tiêu thụ nông sản, gia súc, gia cầm còn khó khăn, giá giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất.

Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm sâu, trong đó riêng dầu khí giảm hơn 11%.

Sản xuất kinh doanh có phát triển, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, một bộ phận doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ, phá sản.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn rất chậm, đến nay mới thoái vốn được 11.000 tỷ đồng so với kế hoạch 60.000 tỷ đồng.

Còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc như mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngộ độc tập thể, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em…

Ngoài ra còn một loạt các vấn đề khác như: Ô nhiễm môi trường; Nạn chặt phá rừng; Khai thác khoáng sản trái phép; Sạt lở bờ sông, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp; Nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng.

Từ thực tế trên, Thủ tướng đánh giá: “Chúng ta thấy nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Tôi nói riêng về tăng trưởng, muốn tăng trưởng được 6,7% cả năm thì 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 7,42%, đây là con số không phải dễ dàng, bởi chúng ta chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ...

Chúng ta phải quyết tâm hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, các địa phương mà đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn lớn”.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương phát biểu ý kiến, đề cập đến những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tăng trưởng vừa ổn định vĩ mô, tạo nền tảng phát triển bền vững, nhất là phải cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính.

“Người dân và doanh nghiệp vẫn còn kêu vấn đề này rất nhiều đến Chính phủ, các cấp, các ngành và lãnh đạo các địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Sau báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Thủ tướng tiếp tục nhắc các địa phương trong báo cáo cần nhấn mạnh vào những điểm quan trọng đưa ra thảo luận và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Đánh giá sau báo cáo của Hà Nội, Thủ tướng nói: “Cải cách hành chính ở Hà Nội mặt được cũng nhiều, nhưng chưa được cũng lắm. Dân còn kêu! Bây giờ làm tiếp ra làm sao? Phải cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa để phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp”.

Ngọc Quang