Nguyên Chuyên gia trưởng VNEN nhận xét gì về báo cáo của Ngân hàng Thế giới?

12/09/2017 11:18
Đặng Tự Ân
(GDVN) - Cha mẹ học sinh do ít kiến thức, và số đông làm ăn xa nhà nên hạn chế việc thực hiện hoạt động hướng dẫn học ở nhà cho con em họ.

LTS: Ông Đặng Tự Ân, nguyên Chuyên gia trưởng Dự án Mô hình Trường học mới Việt Nam (GPE-VNEN) đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về báo cáo đánh giá tác động của VNEN mà Ngân hàng Thế giới công bố hôm 15/8/2017. 

Tôn trọng tính khách quan, đa chiều trong thảo luận các vấn đề nóng của giáo dục được bạn đọc quan tâm, Tòa soạn xin giới thiệu bài viết này đến quý bạn đọc.

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả. Tòa soạn trân trọng cảm ơn ông Đặng Tự Ân!

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam kính mời các thầy cô giáo, phụ huynh và những ai quan tâm đến VNEN cùng trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề ông Đặng Tự Ân đặt ra trong bài viết này.

Bài viết xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.

Nguyên Chuyên gia trưởng của Dự án VNEN nhận xét gì về báo cáo của Ngân hàng Thế giới?

Tổ chức Ngân hàng Thế giới và nghiên cứu đánh giá tác động VNEN

Như chúng ta biết, Ngân hàng Thế giới là một tổ chức tài chính quốc tế lớn với 188 nước thành viên, có nhiệm vụ trung tâm là cải cách cơ cấu kinh tế và điều chỉnh chính sách cho nhiều quốc gia trên thế giới. 

Chính vì vậy, Ngân hàng Thế giới cần có một đội ngũ chuyên gia giỏi để thực hiện nhiệm vụ của mình, đồng thời có năng lực tổ chức đánh giá các chương trình, dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Báo cáo đánh giá tác động của VNEN (gọi tắt là báo cáo) do Ngân hàng Thế giới thực hiện, được nghiên cứu độc lập tại 1.447 trường tiểu học do Tổ chức Hợp tác giáo dục toàn cầu (GPE) viện trợ không hoàn lại cho Dự án.

Ông Đặng Tự Ân chụp ảnh chung với các học sinh học theo mô hình VNEN tại Lào Cai, ảnh do tác giả cung cấp.
Ông Đặng Tự Ân chụp ảnh chung với các học sinh học theo mô hình VNEN tại Lào Cai, ảnh do tác giả cung cấp.

Giới hạn của nghiên cứu đánh giá không bao gồm các trường mở rộng áp dụng VNEN ở cấp tiểu học và trung học cơ sở;

Không đánh giá năng lực thực hiện và hiệu quả sử dụng vốn Dự án của các bên liên quan; 

Không quá tham vọng nghiên cứu tổng thể đổi mới giáo dục Việt Nam vốn là lĩnh vực mang tính đa chiều và phức tạp; 

Và không quá đi sâu phân tích khái niệm học thuật VNEN. 

Tôi nghĩ rằng cần có những báo cáo nghiên cứu riêng tới những lĩnh vực này.

Ngân hàng Thế giới đã chọn mẫu trên diện rộng, bao gồm 650 trường (một nửa số trường trong Dựa án và nửa còn lại là các trường đối chứng ngoài Dự án) ở 51 tỉnh để khảo sát lặp liên tục trong ba năm học 2013-2014, 2014-2015 và 2015-2016.  

Tại mỗi trường tổ chức nghiên cứu định tính thông qua lấy phiếu hỏi tất cả Hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, cũng như thu thập thông tin về trường học. 

Đồng thời, 810 video VNEN cũng được các chuyên gia nghiên cứu và phân tích.

Nguyên Chuyên gia trưởng VNEN nhận xét gì về báo cáo của Ngân hàng Thế giới? ảnh 2

"Tôi có mấy kiến nghị VNEN gửi Bộ Giáo dục"

Ngoài ra học sinh cũng được đánh giá định lượng bằng cách làm bài kiểm tra môn Toán và Tiếng Việt ở các lớp 3,4,5 theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và theo hướng đổi mới đánh giá của Bộ.

Kết quả Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã khẳng định sự phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục trên thế giới của VNEN. 

Đồng thời Báo cáo cũng đã chỉ ra dưới đây (một số nhỏ trong gần 200 trang báo cáo) những bất cập và khuyến cáo về thách thức của VNEN trong quá trình thực hiện, đặc biệt sau khi Dự án kết thúc.

Thứ nhất, về học sinh

Việc chuyển từ tiếp nhận kiến thức sang tự khám phá kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên và giúp đỡ của bạn học là trọng tâm phương pháp học VNEN. 

Đây là khó khăn chung cho các em và cần được hướng dẫn từng bước cách học.

Trong nhóm ưu tiên 1 (khoảng 80 % tổng số trường VNEN) có khoảng 33% học sinh người dân tộc ít người, nên hạn chế lớn về khả năng đọc hiểu Tiếng Việt trong bài học. 

Có lớp có tới 70% học sinh người dân tộc dẫn đến các em thiếu tự tin khi trình bày trước tập thể hoặc làm lãnh đạo nhóm hay hội đồng tự quản.

Tuy nhiên hạn chế trên đã được giải quyết và tốt dần lên từng năm từ lớp 2 tới lớp 5. 

Thứ hai, về giáo viên

Phương pháp dạy học truyền thống đã ăn sâu vào tâm trí của một phận giáo viên nên rất khó thay đổi.

Khi nghiên cứu băng hình có 23% giáo viên không thực hiện đúng thời lượng tiết học và 67% % thực hiện khác biệt về hoạt động trong hướng dẫn học. 

Nguyên Chuyên gia trưởng VNEN nhận xét gì về báo cáo của Ngân hàng Thế giới? ảnh 3

VNEN và sự vô cảm với thày cô

Điều chỉnh cho phù hợp thực tế lớp học là được phép, tuy nhiên có tới 20% giáo viên người dân tộc của nhóm 1 lại là sự thách thức.

Có khoảng 50% giáo viên nói là có khó khăn về dạy học theo nhóm. Do dạy học theo nhóm VNEN không giống với dạy học theo nhóm mà giáo viên đã biết trước đó.

Tập huấn qua thực tế cho giáo viên tại trường, đặc biệt là cụm trường VNEN chưa được chú ý và chưa có hệ thống cũng là một hạn chế được báo cáo chỉ ra. 

Nếu tập huấn chỉ giới hạn 1 tuần trong hè mà không được địa phương nhắc lại thường xuyên tại trường là sẽ là khó khăn rất lớn cho giáo viên

Do đó, giáo viên còn gặp khó khăn trong những tình huống và kỹ thuật dạy học cụ thể và chủ yếu trên lớp, trong đó có các kỹ năng đặt câu hỏi cho học sinh. 

Việc vận dụng các công cụ hỗ trợ học tập trong lớp, như Hội đồng tự quản học sinh, các góc học tập, góc cộng đồng, các hòm thư... chưa thường xuyên và hiệu quả, nhất là chưa thấy được yếu tố tích cực cho phát triển năng lực cảm xúc hay xã hội cho học sinh.

Thứ ba, về cha mẹ học sinh

Có 40% thích mô hình truyền thống hơn, 73% không tham gia hoạt động trên lớp và 54 % không tham gia hoạt động ở trường. 

Tuy nhiên ở những nơi có sự phối hợp thường xuyên tốt, có thực tế sống động thì lại có tới 85%  cha mẹ học sinh ủng hộ VNEN.

Cha mẹ học sinh do ít kiến thức, và số đông làm ăn xa nhà nên hạn chế việc thực hiện hoạt động hướng dẫn học ở nhà cho con em họ. 

Cha mẹ học sinh phần lớn có xu hướng ủng hộ VNEN vì đã mang lại cho con em họ sự phát triển các kỹ năng phi nhận thức trong khi đó kết quả học tập vẫn bằng hoặc tốt hơn khi học theo truyền thống. 

Tuy nhiên, một bộ phận cha mẹ học sinh phản đối VNEN, có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lo ngại về học sinh sẽ gặp khó khăn khi phải tham gia các kỳ thi chuyển cấp hay vào đại học. 

Đây chính là sự thiếu đồng bộ cần được khắc phục giữa quá trình học VNEN (là rèn luyện cách học, phát triển tư duy, phát triển nhân cách) với việc học sinh vẫn phải qua kỳ thi cử (nặng kiến thức nâng cao, ít chú ý kiến thức cơ bản và khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tế của học sinh).

Thứ tư, về lãnh đạo và quản lý nhà trường

Nguyên Chuyên gia trưởng VNEN nhận xét gì về báo cáo của Ngân hàng Thế giới? ảnh 4

Báo cáo đánh giá VNEN và những điều phi thực tế

Có tới 25 % Hiệu trưởng các trường VNEN vẫn muốn duy trì mô hình truyền thống, không muốn đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực và hợp tác. 

Đây là dấu hiệu thách thức khi thực hiện định hướng đổi mới giáo dục nhằm chủ yếu phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh thì vai trò Hiệu trưởng là “chủ trường”, đầu tầu nên rất quan trọng. 

Tuy nhiên, tỷ lệ trên giảm dần qua các năm khi Hiệu trưởng được “làm VNEN” hơn là chỉ được “nghe nói về VNEN”, tức là Hiệu trưởng được trải nghiệm VNEN thì nhận thức đã có thay đổi theo hướng tích cực.

Trong Báo cáo có khuyến cáo, cần coi trọng sự lãnh đạo và đi đầu ở các cấp quản lý. 

Trên thực tế, đó là điều kiện đảm bảo cho sự thành công của VNEN. 

Vai trò của các chủ thể giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh rất quan trọng cho sự đổi mới. Tuy nhiên cần nhìn nhận theo từng góc độ với từng chủ thể. 

Với vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, những lĩnh vực chuyên môn có tính sư phạm đặc thù chuyên sâu thì nhất thiết Hiệu trưởng (nhà trường), giáo viên và học sinh phải là những đối tượng có quyền quyết định chủ yếu.

Thứ năm, về phổ biến kinh nghiệm và truyền thông

Chưa biết tận dụng những kinh nghiệm dạy học và hiệu quả động của trường để phổ biến, lan tỏa sang trường khác. 

Các cấp quản lý và những nhà hoạch định chính sách ở các cấp nếu hiểu và biết thực tế dạy và học VNEN thì họ càng ủng hộ cho đổi mới của VNEN.

Tuy nhiên phổ biến kiến thức và truyền thông VNEN làm chưa đủ là hạn chế trong báo cáo đưa ra.

Đôi điều suy nghĩ của cá nhân

Những nội dung trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới, theo tôi phản ánh đúng thực tiễn các trường VNEN trong ba năm học thực hiện Dự án. 

Kết luận của báo cáo không chỉ nhìn nhận theo góc độ phát triển giáo dục hiện đại của VNEN, mà cái chính là đã so sánh được tính hơn hẳn về hiệu quả của các trường VNEN và không VNEN.

Việc duy trì để đảm tính bền vững của Dự án là việc làm rất khó và đã cố gắng nhiều để thực hiện ở Việt Nam, nhất là các Dự án có cấu phần mang tính phi vật chất. 

Nguyên Chuyên gia trưởng VNEN nhận xét gì về báo cáo của Ngân hàng Thế giới? ảnh 5

Mục đích của chúng tôi là thấy được một tâm hồn Việt ở từng tế bào xã hội

Điều đó đòi hỏi cần các nhà trường, các địa phương và cả cấp quản lý cao nhất là Bộ giáo dục và Đào tạo phải có sự quyết tâm và sự kế thừa để tận dụng những thành quả, công sức đổi mới giáo dục đã có. 

Thực tế, tư tưởng VNEN và phương thức dạy học VNEN ít nhiều đã thấm trong Nghị quyết 29 của Trung ương. 

Đồng thời, có thể hiểu làm VNEN là triển khai một giải pháp theo định hướng của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, hay nói khác đi đây là một phép thử về nhận thức, về cách làm đổi mới giáo dục. 

Theo tôi, VNEN chỉ cung cấp một mô hình cụ thể, chúng ta đã tiếp thu mô hình ấy theo tinh thần tiếp tục vận dụng phù hợp, sáng tạo với thực tiễn Việt Nam và đã rút ra được bài học (cả thành công và chưa thành công) trong quá trình triển khai VNEN. 

Ngành Giáo dục cần chủ động bắt tay ngay vào việc này, không nên để lãng phí những gì đã đạt được, do công sức của bao người, để rồi đến lúc nào đó lại phải làm lại từ đầu. 

Hoặc là chúng ta sẽ làm thay đổi thế hệ trẻ Việt Nam, để hội nhập vào sự phát triển của thế giới, theo Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội;

Hoặc là trì hoãn hay làm chậm các bước đi đổi mới sẽ có lỗi lớn với thế hệ trẻ và rộng hơn là đất nước Việt Nam, sự lựa chọn phụ thuộc vào thái độ và hành động của mỗi chúng ta!

Đặng Tự Ân