Nhà văn Ma Văn Kháng và những kỷ niệm về người thầy NGND Nguyễn Lân

05/02/2014 07:12
Xuân Trung (ghi)
(GDVN) - “Tôi là một kẻ được hưởng cái vinh dự của cuộc đời- được làm học trò – được hưởng cái sung sướng của một thời trẻ dại, được là học trò trực tiếp của thầy".

Nhà văn Ma Văn Kháng xúc động khi kể về người thầy của mình – NGND. GS. Nguyễn Lân. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn có một thời gian gắn với người thầy của mình, thành công của nhà văn không thể không kể đến công lao dạy dỗ của NGND. GS. Nguyễn Lân. Bài viết dưới đây của nhà văn Ma Văn Kháng thể hiện tình cảm sâu sắc với người thầy đáng kính của mình.

Nhà văn Ma Văn Kháng kể!

Có bao nhiêu người đã là học trò ngồi trong các lớp học, được hàng ngày hàng giờ nghe thầy Nguyễn Lân dạy bảo? Có bao nhiêu người được là học trò thầy theo cái nghĩa được cái ân ông thầy là người dẫn lộ? Có cả triệu người! Tôi là một kẻ được hưởng cái vinh dự của cuộc đời- được làm học trò – được hưởng cái sung sướng của một thời trẻ dại, được là học trò trực tiếp của thầy Nguyễn Lân.

Được nghe thầy dạy. Được thầy uốn nắn từ cách dùng từ, ngắt câu trong nói năng, viết lách. Đó là những năm đầu của thập kỉ 50 thế kỉ trước. Tôi cùng các nhà văn, nhà báo Hoàng Tiến, Bùi Công Hùng, Nguyễn Quang Vinh, Đào Dậu…và nhiều bạn học khác theo học trường sư phạm Trung cấp khoa học xã hội ở khu học xá, Nam Ninh, Trung Quốc.

Thầy dạy chúng tôi là giáo sư Đinh Gia Khánh và Hoàng Như Mai. Dạy Sử là thầy Trần Văn Khang, danh xưng thân mật hàng ngày là Ba Khang. Thầy dạy Địa lí là giáo sư Lê Bá Thảo và thầy dạy Tâm lí – Giáo dục học là thầy Nguyễn Lân. Toàn các tên tuổi làm danh giá cho nền giáo dục quốc gia! Riêng thầy Nguyễn Lân đa tài, nhiều buổi thầy còn dạy cả môn Văn và Sử. Hơn nửa thế kỉ đã qua rồi nhưng ấn tượng về những bài thầy Nguyễn Lân dạy vẫn chưa hề phai mờ trong kí ức tôi.

Nhà văn Ma Văn Kháng vẫn nhớ như in những kỷ niệm với người thầy - NGND. GS. Nguyễn Lân. Ảnh Xuân Trung
Nhà văn Ma Văn Kháng vẫn nhớ như in những kỷ niệm với người thầy - NGND. GS. Nguyễn Lân. Ảnh Xuân Trung

Cho đến lúc đó , quả thật, tôi chưa thấy ai có thể dạy hay như thầy, đặc biệt là môn Tâm lí- Giáo dục học, một môn học mới lạ còn chưa thoát khỏi những khái niệm khô khan. “Nhớ những giờ ra chơi, tất cả chúng em đều không muốn tung tăng chạy nhảy, chỉ thích ngồi quây lại bên thầy, xin thầy giảng tiếp vì thầy dạy hay quá…”. Đó là trích đoạn một lá thư của mấy cô cựu học sinh Trường Đồng Khánh (Huế) đã vào tuổi 70, đang ở Paris gửi cho thầy Lân tháng 8/1990.

Một giọng nói thanh trong, trẻ trung, một nguồn sinh lực tràn trề trong từng âm tiết. Một tâm tình tha thiết hướng vào đối tượng thân yêu là học trò. Một khối lượng kiến thức uyên thâm có được sau những miệt mài, nhẫn nại. Tất cả tạo nên một trường quyến rũ, một sức hấp dẫn mãnh liệt. Kỉ niệm đầu tiên về thầy và cũng là bài học quý giá đầu tiên tôi tiếp nhận được từ thầy, để trở thành tâm niệm đinh ninh trên bước đường làm thầy và sau đó là làm nghề viết văn của tôi là vậy. 

Là một con người trước hết hãy tạo ra một hấp lực, bằng sự tỏa sáng từ nội lực và tâm hồn mình!

Tháng 5 năm 2000, nhận lời viết một bài về thầy Nguyễn Lân để in trong cuốn “Những người lao động sáng tạo của thế kỉ”, đây là tên một seria sách viết về các danh nhân đất nước, tôi xin đến gặp thầy. Sau gần 50 năm rồi còn gì, kể từ ngày được học thầy ở trường Sư phạm. Vậy mà thầy vẫn còn nhớ tôi. “Ông bây giờ đã là nhà văn nổi tiếng rồi nhỉ?” Tay bắt mặt mừng thật bình đẳng không chút cách bức. 

Thầy nói, tôi ngượng ngùng, thấy mình bé nhỏ như ông Carnot trong chuyện xưa về thăm thầy giáo cũ, rụt rè đáp: Dạ, thưa thầy, đó cũng là nhờ cái lộc được học thầy, được nhận từ thầy cái phẩm tính trong sáng và nhiệt thành của một nhà văn từ thuở khơi nguồn nền văn xuôi hiện đại nước ta.

Thầy cười nhè nhẹ và rót nước mời tôi. Hai thầy trò ngồi trên một cái giường đơn gỗ mộc rải chiếc chiếu cói đã sờn. Một căn buồng nho nhỏ, cũ kĩ trong khu tập thể Kim Liên, nhà cửa thảy đã qua kì khấu hao. Một không gian yên tĩnh thanh bình. Dung dị và thanh bạch. Thì vẫn là cốt cách của những văn nhân với một hệ giá trị đã được chế định. Vâng, thì vẫn là tinh cốt của danh nhân khi vào câu chuyện, với một bầu không khí chan hòa và một sức truyền dẫn không gì có thể cưỡng lại được.

Thầy Lân kể chuyện đời mình. Kể bằng một giọng trẻ trung đến bất ngờ. Có cảm giác đó là những ẫm thanh của giọng thầy cách đây nửa thế kỉ. Thầy không biết già. Thầy trẻ trung trong cảm hứng nghề thầy, trong gắn bó với cuộc đời. “Khổ quá, xin đừng gọi tôi là anh. Tôi đã 90 rồi”, đó là lời thầy nhắc mấy cô tổng đài điện thoại ở khách sạn Sài Gòn hồi thầy vào đó họp ban Chấp hàng Trung ương Mặt trận Tổ quốc.

Mấy cô này văn kì thanh bất kiến kỳ hình. Nhưng mà thôi, khỏi phải dông dài nhắc lại đây tất cả những gì đã được thấy, được nghe từ thầy. Vì cảm xúc dâng chàn biến hóa thành lời văn, trong một đà văng hiếm có của một ngọn bút đang có cơ hội xuất thần, tôi đã hoàn thành một bài bút kí dài 5000 chữ, nhan đề: “Nguyễn Lân, trọn đời với nghề thầy”, kí bút danh là Khánh Hoan, in trong tập 3 của loạt sách nói trên.

Vợ chồng NGND. GS Nguyễn Lân
Vợ chồng NGND. GS Nguyễn Lân

Trong bài đó, có đoạn nhà văn Ma Văn Kháng viết:

“Sinh năm 1906, khai triển đến cùng cái tài và tình trong một cuộc đời dài xuyên gần hết thế kỉ, vào năm 2000, kỉ niệm đại thọ 95 tuổi, thầy Nguyễn Lân đã là một nhà văn sáng giá những năm 30 của thế kỉ trước, một bậc đại lão, một người ông, một người cha, nêu cao gương sống mẫu mực trong một gia đình con cái đều thành đạt, một nhà ngữ pháp học, một nhà biên soạn từ điển, một nhà quản lí giáo dục và một nhà hoạt động xã hội có tài, một trí thức yêu nước, yêu nhân dân và trên hết, một nhà giáo mô phạm, bậc sư biểu, người đã góp công xây dựng nền giáo dục Việt Nam, người thầy đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh thành những nhân tài của đất nước”.

Giá trị của một con người là những năm tháng dâng hiến và những gì người đó để lại cho đời. Bắt nguồn thật sâu vào đạo lí làm người của dân tộc, thầy, từ những năm xa xưa, trong thế đơn phương độc mã, độc hành kì thiện, một thân một mình đề xuất chủ trương “tiên học lễ, hậu học văn” trong trường học. 

Giờ đây khi đã cao tuổi, lòng tha thiết với sự học hành của con em ở nơi thầy được thể hiện tập trung ở công việc rất căn bản là biện soạn từ điển. Mải mê với công việc và tháng ngày, ngẩng lên nhìn lại đoạn đời qua, khi đã vào tuổi đại lão, đã có người giật mình thay thầy: Bộ óc lớn không ngơi nghỉ của thầy với một nỗ lực phi thường đã soạn thảo liên tục tới 10 cuốn từ điển đồ sộ, một tổng thể lao động lớn lao, những cuốn sách kết tinh nền tảng của học vấn, có tiếng vang ra cả các nước bạn bè.

Đã tưởng viết thế là đã đến tận cùng của sự kiện rồi. Vậy mà không. Ngẫm lại mới thấy, vùng thẩm mĩ để khám phá về ông thầy mình còn dài rộng hơn thế nhiều. Và sức thấu triệt của mình còn kém cỏi lắm. 

Bây giờ thì, với nhãn quan của một kẻ viết văn, tôi mới nhận ra cuộc đời ông thầy mình phong phú và đẹp đến viên mãn, kì lạ quá. Trời ạ, thật là thế đấy, cả một cuộc đời dài dằng dặc xuyên suốt suýt soát một thế kỉ mà đâu có phải sống chỉ là tồn tại  theo cái nghĩa sinh học là ăn, ngủ hít thở! Dĩ nhiên, giá trị cuộc sống không chỉ tính bằng thời gian, nhưng lại rất cần thời gian để lượng hóa thành chất. Sống – với thầy tôi – là làm việc, là óc nghĩ tay viết cho đến phút tận cùng khi con tim ngừng đập, là cháy tới tận cùng giọt dầu ngọn bấc. 

Từ 90 đến 95 tuổi, là thời gian cặm cụi mỗi ngày để làm xong bộ từ điển đồ sộ 2110 trang in. Trên thế gian này hỏi có mấy người được như ông cụ. Người như thế đã thành thần tựng, thành huyền thoại của nhân gian rồi còn gì?

Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời. Mỗi số phận gắn liền với lịch sử. Đó là hai câu thơ của  E.Evtoushenko. Tẻ nhạt thì hoàn toàn không rồi.Trái lại là khác. Vì gắn với lịch sử từng bước một thì đúng là mỗi trang tiểu sử đời thầy rồi. Thầy là một phần biên niên sử của cái ngành nghề trồng người cao quý của nước ta. Cái chung thì có sức khái quát, còn cái riêng thì làm phong phú cho cái chung. Đời thầy tô điểm cho lịch sử nghề thầy tráng lệ thêm biết bao.

Thủy ư vi sĩ. Chung ư vi thánh nhân. Bắt đầu là học trò, chung cục là người thánh. Đó là lời Khổng Tử. Mạnh bạo tôi nghĩ, đời ông cụ thầy mình có nét hao hao vậy. 98 tuổi đời. Là học trò của các bậc đại sư như Dương Quảng Hàm, Bùi Kỉ, cùng các danh sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Tạ Quang Bửu,….khai mở nền móng giáo dục quốc gia. Góp phần tạo lập ngọn nguồn văn chương nước Việt thời hiện đại. 

Cứng cỏi đối mặt với bè lũ quan học thực dân tàn bạo. Chạm mặt với vua bù nhìn Bảo Đại. Hân hoan chào ngọn cờ đỏ sao vàng phấp phới trên cửa Ngọ Môn Huế ngày cách mạng tháng 8 năm 1945. Kết liên cùng bạn bè đồng chí chung tay sức gây dựng phong trào khai mở dân trí.Ruổi rong một mình con ngựa sắt trên con đường rừng trong vai người chủ trì ngành giáo dục Khu 10.

Đứng trên bục giảng truyền bá bao điều hay lẽ phải. Dạy dỗ bảo ban hình thành bao nhân tài cho đất nước.Vật lộn với từng con chữ, chắt chiu từng giọt kiến thức, trước tác đẳng thân, cao hẳn bằng người chứ đâu có ít. Nuôi dạy từng ấy người con trở thành những tài năng của đất nước. Một đời là chứng nhân của bao biến thiên trầm bổng của vận mệnh non sông dân tộc. Trải bao vui buồn, hạnh phúc, khổ đau, kể cả có lúc rơi vào cơn phân tâm, lo sợ..vẫn một dạ trung trinh, vẫn một hồn cốt, nhân cách trong xanh, một tình yêu con người và tổ quốc.

Thầy tôi – một tập đại thành! Một tầm vóc đang được đo lường tiếp. Thầy tôi, những trang đời phong phú, tráng lệ hiếm hoi. Thầy tôi – một hình tượng cao đẹp của văn chương. Nói đến thầy như một hình tượng của văn chương, tôi muốn bày tỏ ước ao mình. Một bạn đọc bảo tôi: Nước ta, cho đến nay về thời hiện đại, tức thời điểm chúng ta đang sống đây, có thể kể tên cả loạt các tên tuổi được ghi nhận là danh nhân, là nguyên khí quốc gia, sao không thấy nhà văn các anh cho xuất bản loại sách về các cụ nhỉ? Cam đoan với các nhà văn, đây là đòi hỏi chính đáng của bạn đọc. Hình ảnh lớp các cụ nhà mình đẹp lắm, đừng nên để mất đi. 

Thế đấy, văn chương hơn rất nhiều thể loại khác, là nơi lưu giữ đặc hiệu, chân xác nhất bóng hình cuộc đời và con người. Văn chương mang sứ mệnh lớn lao là truyền cảm, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người, văn chương đem đến cho con người ta những cảm xúc mãnh liệt, cho ta tận hưởng vẻ đẹp từ đó tỏa ra. Từ lâu rồi, thế giới đã có loạt sách về các danh nhân. Những Galile,Niuton, Anhxtanh…Còn ta, dữ kiện trong kho lưu trữ đã đầy ắp. Bây giờ cần một chủ trương, một tổ chức, một hành động. Không thì rất phí hoài và thiệt thòi cho lớp hậu sinh./.
Xuân Trung (ghi)