Nhiều doanh nghiệp lớn dừng quảng cáo trên YouTube vì sợ thương hiệu bị hủy hoại

06/12/2017 16:41
Diệu Linh
(GDVN) - Việc tẩy chay, hay ngừng quảng cáo sẽ gây áp lực lên chính các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, buộc họ phải có biện pháp “làm sạch” kênh quảng cáo.

Liên quan tới sự việc nhiều quảng cáo bị gắn các nội dung phản cảm, dung tục, thậm chí có tính “ấu dâm” trên Youtube, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư-Tiến sĩ Vũ Thái Hà - Chủ tịch Công ty Luật YouMe cho biết, mục đích của quảng cáo là để thu hút sự chú ý của khách hàng, thuyết phục hoặc củng cố niềm tin của người tiêu dùng về những lợi ích, sự hấp dẫn của sản phẩm.

“Các mục tiêu chính nêu trên của doanh nghiệp không những không đạt được khi các quảng cáo sản phẩm xuất hiện trên, bên cạnh những nội dung dung tục, mà ngược lại, nó còn tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực từ phía người tiêu dùng khi xem những quảng cáo này.

Trong trường hợp tiêu cực nhất, người tiêu dùng có thể sẽ tẩy chay những sản phẩm được quảng cáo xuất hiện trên hoặc bên cạnh các clip có nội dung xấu”, Luật sư Hà nhận định.

Cần phải có những biện pháp thật nghiêm khắc với những clip gây tác hại cho trẻ trên Youtube.
Cần phải có những biện pháp thật nghiêm khắc với những clip gây tác hại cho trẻ trên Youtube.

Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tuy nhiên tình trạng này vẫn đang diễn ra, các doanh nghiệp vẫn đang bị ảnh hưởng bởi những quảng cáo sản phẩm của họ bị gắn các nội dung dung tục, không phù hợp chuẩn mực văn hóa ở cả Việt Nam và thế giới.

Trước tình trạng này thì các thương hiệu cần phải làm gì để bảo vệ mình? Và liệu họ có thể khởi kiện để đòi đền bù thiệt hại?

Theo Luật sư Vũ Thái Hà, đã có rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới khi quảng cáo trên YouTube và Google bị dính bê bối quảng cảo độc hại trong thời gian qua.

Cũng chính điều này đã làm dấy lên làn sóng tẩy chay YouTube và Google lan rộng tại nhiều quốc gia. Rất nhiều cơ quan chính phủ, nhiều doanh nghiệp lớn đã ngừng quảng cáo trên YouTube và trên nhiều nền tảng khác của Google.

Nhiều doanh nghiệp lớn dừng quảng cáo trên YouTube vì sợ thương hiệu bị hủy hoại ảnh 2

Cần chấm dứt các hành vi quảng cáo có nội dung "ấu dâm" trên Youtube

“Để bảo vệ thương hiệu của mình, tránh không xuất hiện trong những nội dung độc hại, các nhanh nhất mà các doanh nghiệp nên áp dụng là ngừng quảng cáo trên các kênh có nội dung không lành mạnh này.

Việc tẩy chay, hay ngừng quảng cáo sẽ gây áp lực lên chính các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, buộc họ phải có biện pháp “làm sạch” kênh quảng cáo của mình.

Việc các doanh nghiệp có thể khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo hay không phụ thuộc vào thỏa thuận quảng cáo giữa hai bên”, Luật sư Hà cho biết.

Nhiều bình luận dung tục được gắn kèm ở các quảng cáo, khiến thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Nhiều bình luận dung tục được gắn kèm ở các quảng cáo, khiến thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Đánh giá ở góc độ xã hội, những clip có chứa nội dung “ấu dâm” có ảnh hưởng như thế nào tới trẻ nhỏ và các cơ quan chức năng cần phải làm gì để giải quyết vấn đề này trên Youtube?

Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh Xã hội tại Việt Nam, cứ 400 trẻ em thì có 78% trẻ có sử dụng Internet.

Việc để các nội dung xấu phát tán tới đối tượng người xem là trẻ nhỏ có ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ tương lai khi mà các em còn non nớt về nhận thức, chưa phân biệt được cái xấu, cái tốt.

Luật sư Hà đưa ra lời khuyên: “Trước hết, để bảo vệ trẻ, cha mẹ phải là nhân tố đầu tiên hướng dẫn và bảo vệ trẻ, vì hơn ai hết, cha mẹ là người gần gũi với con cái nhất.

Để làm được điều này, cha mẹ cần phải biết các sử dụng và biết được tất cả những dịch vụ Internet và trang web mà con truy cập. Cha mẹ cũng cần đặt ra những quy tắc, hướng dẫn trẻ sử dụng máy tính sao cho hợp lý.

Ở góc độ vĩ mô, việc kiểm soát, ngăn chặn các nội dung vi phạm pháp luật là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Nhiệm vụ này không chỉ được thực hiện riêng lẻ bởi Bộ Thông tin truyền thông mà cần phải có sự phối kết hợp của nhiều cơ quan chức năng để đạt tính hiệu quả cao nhất.

Việc kiểm soát, ngăn chặn các nội dung xấu phát tán trên YouTube nói riêng hay trên mạng Internet nói chung là khó không phải vì chúng ta thiếu căn cứ pháp lý mà cái khó nằm ở việc kiểm tra, giám sát và thực thi các biện pháp xử lý do môi trường Internet là môi trường không biên giới”.

Cũng theo Luật sư-Tiến sĩ Vũ Thái Hà: “Cơ quan chức năng cần căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm trong clip quảng cáo có nội dung dung tục, ấu dâm, chủ thể sản xuất, phát hành có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố trách nhiệm hình sự”.

Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ  Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện

Điều 65. Vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thông tin cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không công khai thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội;

b) Chủ động cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm quy định pháp luật;

c) Không có biện pháp bảo vệ thông tin riêng hoặc thông tin cá nhân của người sử dụng;

d) Không thông báo cho người sử dụng về quyền, trách nhiệm, rủi ro khi lưu trữ trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng;

đ) Không bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng đối với việc cho tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội sử dụng thông tin cá nhân của mình;

e) Thực hiện không đúng quy định trong giấy phép thiết lập mạng xã hội.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định;

c) Chủ động sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

d) Chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam;

đ) Chủ động cung cấp thông tin có nội dung mê tín dị đoan;

e) Không có hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chủ động cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Chủ động cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước;

c) Chủ động đăng, phát bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;

d) Chủ động đăng phát các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

đ) Không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm quy định pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.

Diệu Linh