Những giọt nước mắt nghẹn ngào của nhiều giáo viên Thanh Hóa

16/03/2017 07:09
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Cô Huyên thấy việc điều chuyển không công bằng và không đặt tiêu chí giáo dục lên hàng đầu. Cô thuộc diện điều động vì là giáo viên Ngữ văn trẻ nhất trường.

Thời gian quan, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương dừng việc bồi dưỡng giáo viên để điều xuống dạy mầm non nhưng Thanh Hóa vẫn tiến hành các khóa đào tạo, bồi dưỡng để điều giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non.

Riêng tại tỉnh Thanh Hóa, 250 giáo viên phải chuyển công tác về trường mầm non trong thời gian từ 2 đến 3 năm tùy địa bàn.

Việc này khiến nhiều giáo viên bức xúc khi nằm trong diện bị điều chuyển bất hợp lý bởi họ bị ép buộc chứ không phải căn cứ vào tinh thần tự nguyện của các thầy cô như Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo. 

Trả lời phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam trong chương trình Thời sự 19h, phát sóng tối ngày 13/3, giáo viên Phạm Huyên, người nằm trong diện bị điều xuống dạy mầm non, không khỏi ấm ức khi nhìn lại quá trình phấn đấu 13 năm với các loại giấy khen đủ danh hiệu.

Nghĩ tới khoảng thời gian một tháng, thậm chí một năm tới không được đứng trên bục giảng, nữ giáo viên này bật khóc.

Giáo viên Thanh Hóa bật khóc khi nói về việc điều chuyển

Cô Huyên cảm thấy việc điều chuyển không công bằng và không đặt tiêu chí giáo dục lên hàng đầu. Cô thuộc diện điều động chỉ vì là giáo viên Ngữ văn trẻ nhất trường.

Cô Hà Thị Liễu, giáo viên trường Mầm non Thanh Kỳ ở Như Thanh không kìm nổi nước mắt khi nói về việc bị điều chuyển. Từ một giáo viên dạy Văn, cô bị phân làm công tác lau dọn phòng học, dọn nhà vệ sinh và hỗ trợ trông trẻ.

Nhớ trường, nhớ trò, thỉnh thoảng, cô Liễu vẫn về thăm trường cũ và hy vọng thời gian điều động sớm kết thúc để có thể trở về với công việc chuyên môn như trước.

Những giọt nước mắt nghẹn ngào của nhiều giáo viên Thanh Hóa ảnh 1

Bộ Giáo dục yêu cầu Thanh Hóa dừng ngay việc điều chuyển giáo viên

Ngày 3/3 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, đề nghị dừng việc bồi dưỡng giáo viên trong diện điều chuyển.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều giáo viên ở Thanh Hóa, mặc dù có chỉ đạo của Bộ trưởng nhưng họ vẫn nhận được thông báo tham gia khóa đào tạo ngắn hạn.

Theo thông báo, sở này tổ chức hai đợt, mỗi đợt kéo dài 6 tuần liên tiếp. Giáo viên tham gia các lớp học từ thứ hai đến thứ bảy, mỗi ngày hai buổi.

Thông báo chỉ được đưa ra hai ngày trước khi nhập học. Nhiều người phải vượt quãng đường hơn 400 km để đến trường, có trường hợp không kịp thu xếp thời gian, phải dẫn theo con đến Đại học Hồng Đức học.

Được biết, ngay sau khi nắm được thông tin, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này và các địa phương trong tỉnh thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đó là dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non khi chưa qua đào tạo. Và tỉnh Thanh Hóa đã cam kết sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Bộ cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm yêu cầu về công tác đào tạo lại giáo viên.

Sau khi Đại học Sư phạm Hà Nội hoàn thiện khung chương trình đào tạo chuẩn, bộ sẽ có thông báo để các cơ sở đào tạo sư phạm ở các địa phương triển khai.

Thùy Linh (ghi)