Những kỳ vọng của một nhà giáo ưu tú vào Hội đồng quốc gia giáo dục

06/04/2017 07:28
Thùy Linh
(GDVN) - Theo thầy Tùng Lâm, đã đến lúc Hội đồng quốc gia giáo dục cần yêu cầu các cơ quan có chức năng có liên quan giải thích tại sao lương giáo viên chưa cao nhất?

Ngày 20/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm 26 thành viên.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) mong muốn Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực quan tâm và có giải pháp phù hợp với 4 vấn đề lớn đang tồn tại khiến cá nhân ông và rất nhiều người tâm huyết đối với nền giáo dục nước nhà trăn trở từ nhiều năm nay. 

Thứ nhất, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cần hỗ trợ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để ổn định phát triển giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay trên một số phương diện như: 

Cần chỉ rõ con đường thực hiện quốc sách giáo dục một cách rõ ràng, cụ thể và đầy đủ chứ không để tình trạng chỉ nói mà không làm như hiện nay. 

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Ảnh: Thùy Linh)
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Ảnh: Thùy Linh)

Bởi theo nhìn nhận của thầy Lâm, quan điểm của nhiều người, quốc sách là phải được ưu tiên hàng đầu thông qua đường lối chính sách rõ ràng và Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đã nêu rõ mục tiêu này tuy nhiên, tính đến nay việc thực thi đến đâu thì vẫn đang là câu hỏi lớn. 

Cũng theo thầy Lâm, mục tiêu thì Nghị quyết 29 đã đề ra nhưng dường như nhiều người còn đang chờ đợi điều gì đó, nhiều người không muốn chuyển động. 

Do đó, để đưa Nghị quyết đi vào thực tế thì Hội đồng cần nhanh chóng có giải pháp tác động để chúng ta tiến gần hơn với mục tiêu đề ra. 

Hơn nữa, hiện nay chúng ta luôn nói tới chính sách phát triển nguồn nhân lực gắn với đào tạo phải được đặt lên hàng đầu nhưng thực tế cho thấy hiệu quả cải tiến không nhiều. 

Bởi vấn đề dự báo phát triển giáo dục cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, các trường, các ngành chưa cập nhật được tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, chưa có việc làm là bao nhiêu. 

Những kỳ vọng của một nhà giáo ưu tú vào Hội đồng quốc gia giáo dục  ảnh 2

Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức

(GDVN) - Hy sinh giáo dục vì kinh tế ngắn hạn sẽ đẩy đất nước tụt hậu nhanh chóng mà không thể phục hồi, dù là dưới góc độ về kinh tế hoặc về nhân lực trình độ cao.

Chính vì vậy, Hội đồng giáo dục quốc gia và Phát triển nhân lực cần là trọng tài trong việc thực hiện những chính sách như vậy để đôn đốc các Bộ, ngành nhanh chóng thực thi. Chỉ có như vậy thì giáo dục mới có thể có bước tiến. 

Thứ hai, bấy lâu nay ta vẫn nói tới vấn đề chất lượng đội ngũ nhà giáo nhưng mức độ cải thiện chưa nhiều. 

Thầy Lâm khẳng định: “Hiện chất lượng nhà giáo vẫn bị xô lệch giữa chất lượng và số lượng, lúc thừa lúc thiếu, chỗ thừa bậc học này, chỗ thiếu bậc học kia. 

Đặc biệt, Hội đồng giáo dục quốc gia và Phát triển nhân lực cần xem xét tới vấn đề tiền lương nhà giáo bởi hiện nay, chúng ta nói lương giáo viên ở mức cao nhưng thực tế đã cao chưa khi mà mức lương toàn ngành vẫn xếp thứ mười mấy trong bảng xếp hạng các ngành nghề
”. 

Từ đó, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Hội đồng này cần yêu cầu các cơ quan có chức năng có liên quan giải thích tại sao lương giáo viên chưa cao nhất? 

Hơn nữa, theo thầy Lâm: “Đã đến lúc, nền giáo dục cần gắn đào tạo, sử dụng với chọn lọc và đãi ngộ để khuyến khích người tài vào nghề giáo đồng thời giảm sĩ số của ngành để Nhà nước không nặng về biên chế. Chỉ có vậy thì giáo dục mới đi lên, mới phát triển tốt”. 

Thứ ba, Hội đồng cần đôn đốc trong việc trao quyền tự chủ cho các trường học.

Thầy Lâm nói: “Muốn có dân chủ thì phải có tự chủ cho nên tất cả các trường từ phổ thông đến đại học cần có quyền này. Đây là những vấn đề chiến lược quyết định đến sự phát triển ngành giáo dục”. 

Những kỳ vọng của một nhà giáo ưu tú vào Hội đồng quốc gia giáo dục  ảnh 3

Nhóm Việt Cường nêu ý kiến với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Điều cuối cùng mà nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm mong muốn đó là, hàng năm Hội đồng giáo dục quốc gia và Phát triển nhân lực cần phải công khai những phiên họp như những kỳ họp Quốc hội để xã hội được tham gia giám sát.

Ngoài ra, thầy Lâm vẫn còn băn khoăn khi nhìn vào danh sách 26 thành viên của Hội đồng. 

Thầy Lâm nói: “Nhìn vào danh sách thành viên, tôi chưa thấy có những nhà giáo dục hoạt động thực tiễn hiện đang làm ở các vùng miền khác nhau đặc biệt ở bậc phổ thông. 

Theo tôi, nếu không có những nhà giáo hoạt động thực tiễn thì khó đưa ra giải pháp sát sườn và khó phản biện
”. 

Thiết nghĩ, sẽ rất nhiều công việc phức tạp và to lớn đang chờ Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực thực hiện nhưng trên đây là sự kỳ vọng của một nhà giáo đang công tác trực tiếp tại cơ sở giáo dục với mong muốn hệ thống giáo dục sớm đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 29 đã đề ra. 

Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm 26 thành viên.

Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực là tổ chức tư vấn, có nhiệm vụ tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đánh giá, tổng kết về sự nghiệp đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực.

Chỉ đạo hoàn thiện và triển khai các Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ giáo dục quốc gia, các chiến lược phát triển giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành, quyết định các chính sách, biện pháp quan trọng phát triển giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và phát triển nhân lực; nghiên cứu, tư vấn, góp ý kiến về việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, đề án quan trọng thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và những vấn đề chuyên môn khác do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực hoạt động theo Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thùy Linh