Nỗi lòng người thầy khi mùa chia tay học trò đang tới

16/05/2016 06:37
Nguyễn Cao
(GDVN) - Những ngày này, không chỉ những em học sinh cuối cấp cảm thấy nao nao, hẫng hụt khi phải rời xa mái trường mà nỗi lòng thầy cô cũng vậy.

LTS: Hè về, ve kêu, những khoảng trời rực đỏ chùm phượng vĩ... cũng là khi những cô cậu học trò rời ghế nhà trường với những bịn rịn, lưu luyến nói lời chia xa với thầy cô, bạn bè đặc biệt là những học sinh cuối cấp.

Nhưng không chỉ học trò mà ngay cả thầy cô cũng mang tâm trạng hụt hẫng khi phải rời xa học sinh thân yêu. 

Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao – một giáo viên đã gần chục năm dạy Văn lớp 9 bày tỏ cảm xúc khi ngày bế giảng sắp tới gần. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả dòng cảm xúc ấy. 


Mỗi năm, khi những cánh phượng hồng nghiêng nghiêng sắc đỏ, những tiếng ve râm ran như khúc nhạc buồn báo hiệu một mùa hè đang đến, một năm học đã từ từ khép lại. 

Những ngày này, không chỉ những em học sinh cuối cấp cảm thấy nao nao, hẫng hụt khi phải rời xa mái trường mà nỗi lòng thầy cô cũng vậy. 

Những nỗi buồn khi phải chia tay với các em, những niềm vui khi thấy các em đang trưởng thành, đã gặt hái được nhiều thành quả. Và, đó sẽ là tiền đề để các em bước tiếp những ngày mai đang tới.

Nỗi lòng người thầy khi mùa chia tay học trò đang tới ảnh 1
Nỗi lòng người thầy khi mùa chia tay học trò đang tới (Ảnh: doanthanhnien.vn)

Đã gần chục năm dạy học sinh cuối cấp, mỗi năm tôi chỉ dạy khoảng trên dưới 100 học trò. Mỗi tuần có 5 tiết/ lớp nên đã quen với các em- mỗi trò một tính cách, một khả năng tiếp cận kiến thức khác nhau.

Niềm vui của tôi cũng như bao thầy cô khác là đã truyền đạt cho các em tất cả những gì mình có: với cả tri thức, đạo lý và tâm huyết của người thầy. 

Vì thế mà mỗi khi các em ra trường cũng là lúc các em để lại cho những người thầy một khoảng trống, cả những day dứt, trăn trở với những điều thầy cô chưa làm được cho học trò.

giáo viên dạy Văn nên điều mà tôi trăn trở nhiều nhất đó là một số em còn chưa chăm ngoan, còn hổng về kiến thức, còn viết sai nhiều lỗi chính tả, nhất là các em có học lực trung bình và yếu. 

Rồi đây các em sẽ ra sao khi bước vào các cấp học cao hơn mà lời văn còn ngô nghê, câu chữ què cụt, sai chính tả? 

Rồi đây, những thầy cô dạy các em sẽ nghĩ gì về đội ngũ giáo viên cấp dưới như tôi bây giờ? 

Rồi đây xã hội sẽ nói gì về hệ thống giáo dục nước nhà đào tạo ra các em, sự khập khễnh về trình độ trong một cấp học? 

Nỗi lòng người thầy khi mùa chia tay học trò đang tới ảnh 2

Nước mắt học trò!

(GDVN) - "Ngày con lên đường đi nhập học, thầy không có gì nhiều ngoài những lời nhắn nhủ tâm huyết và một ít tiền dành dụm gởi con làm quà. Thầy ạ đối với con số tiền đó là nước mắt, là công sức lao động, là những đêm không ngủ soạn giáo án của thầy, cầm nó con lại nấc ngẹn không nói nên lời".

Có người khuyên tôi: kệ chúng nó, hơi đâu mà nghĩ cho mệt xác, nhiệm vụ của mình đã hoàn thành rồi. 

Đúng là nhiệm vụ của người thầy đã hoàn thành về mặt hành chính, đã dạy các em hết chương trình môn học trong một lớp, thầy cô đã cho điểm và phê vào học bạ các em.

Nhiệm vụ của người thầy cũng giống như người lái đò, khi khách cập bến là hoàn thành nhiệm vụ, rồi khách đi đâu thì là quyền của của họ. 

Nhưng có lẽ người thầy còn phải đảm nhận một thiên chức cao hơn đó là thầy cô “dạy người” nên vẫn dõi theo các em trên mỗi chặng đường, bởi các em là “sản phẩm” của người thầy, là những người chủ tương lai đất nước sau này.

Lúc dạy các em thầy luôn uốn nắn từng câu chữ, từng lời nói của các em để làm sao cho câu đúng ngữ pháp và không sai chính tả. Lời nói sao cho vừa người nghe: có đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ trong câu, có sự tôn trọng người giao tiếp với mình để làm sao không mất thiện cảm với đối tượng mình giao tiếp, thể hiện là một người có học…

Nhưng những lời thầy giảng không phải tất cả các em đều nghe, đều lĩnh hội được. Một năm học cuối cấp bộn bề với nhiều môn học, nhiều kiến thức phải học và bao nhiêu việc các em phải làm… 

Nỗi lòng người thầy khi mùa chia tay học trò đang tới ảnh 3

Thầy bịn rịn căn dặn trò trước ngày thi Quốc gia

(GDVN) - “Mỗi người phải hoàn thành nghĩa vụ tốt nghiệp, chuẩn bị tự lập chọn ngành, nghề cho tương lai, môi trường ĐH, CĐ, trường nghề hay phải kiếm một công việc".

Khi dạy các em, nhiều em vẫn nói nhiều thầy khắt khe, khó tính và cho điểm “keo” quá. Đúng là thầy khó tính thật.

Bởi trước khi dạy các em thì thầy cũng đã là học trò. Thầy đã thầm biết ơn những người thầy nghiêm khắc, khó tính, đầy trách nhiệm mà dạy dỗ thầy nên người. 

Và, điều quan trọng hơn, thầy là người dạy Văn, dạy các em về lòng trung thực, về nhân cách và lẽ sống, biết phân biệt đúng, sai, thiện, ác…

Những điểm số thầy cho các em thể hiện đúng khả năng học tập của các em, thầy không chạy theo thành tích, thầy muốn các em không ngủ quên trên những con điểm “trên trời” để rồi các em thất vọng nhận ra sự thật khi bước vào những lớp học cao hơn.

Những điểm số hôm nay để các em biết rằng mình đang ở đâu, mình sẽ làm gì và làm như thế nào ở những ngày đang tới…

Một năm dạy các em với biết bao buồn vui, trăn trở và  cả những nghĩ suy. Các em đi rồi, thầy vẫn lặng lẽ thực hiện thiên chức của một người thầy đứng trên bục giảng.

Rồi đây các em trưởng thành, đường đời trăm ngả rẽ, có em tìm nghề này, nghề khác nhưng chắc sẽ có em  chọn nghề sư phạm. Lúc ấy các em sẽ hiểu thầy hơn.

Chia tay các em như đã bao lần thầy chia tay với các anh chị học trò khóa trước, phía trước các em là con đường, thầy hi vọng các em sẽ có đủ niềm tin để đi trên con đường đang tới…

Nguyễn Cao