Ở lễ khai giảng, lãnh đạo địa phương dự là được rồi, cần gì phải phát biểu!

01/09/2016 08:24
Nguyễn Cao
(GDVN) - Đây là chỉ đạo kịp thời để tránh những phát biểu rườm rà, không cần thiết trong ngày lễ có ý nghĩa trọng đại, thiêng liêng đối với các em này!

LTS: Mới đây, trong văn bản hướng dẫn tổ chức lễ khai giảng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo không báo cáo thành tích và mời lãnh đạo các cấp (thành phố, địa phương) phát biểu, thống nhất tổ chức vào ngày 5/9.

Như vậy, phần lễ khai giảng sẽ được tiến hành đơn giản, nhẹ nhàng hơn các năm trước rất nhiều nhằm hướng đến một lễ khai giảng phục vụ cho các em.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy giáo Nguyễn Cao đã có bài viết phân tích và mong muốn nhiều tỉnh, địa phương khác cũng áp dụng chủ trương này để ngày trọng đại này có thể lưu dấu đẹp đẽ, sâu sắc trong đời mỗi học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Một năm học tại các trường có ba ngày lễ lớn đó là lễ khai giảng, lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và ngày lễ tổng kết năm học. Và, điều dĩ nhiên là cả ba ngày lễ này Ban giám hiệu đều phải mời lãnh đạo địa phương và lãnh đạo ngành giáo dục về dự.

Phần không thể thiếu là các vị lãnh đạo này thường có những bài “phát biểu chỉ đạo”…

Trước thềm khai giảng năm học 2016-2017, thành phố Hồ Chí Minh đã có một chỉ đạo gây được sự chú ý của toàn ngành đó là trong lễ khai giảng năm học năm nay, các trường không mời lãnh đạo phát biểu.

Có lẽ đây cũng là chỉ đạo kịp thời để tránh những phát biểu rườm rà, không cần thiết trong một ngày lễ có ý nghĩa trọng đại và thiêng liêng đối với các em này.

Học sinh cả nước khai giảng vào 5/9 (Ảnh: vtc.vn).

Thông thường, một ngày lễ sẽ thiếu đi phần “long trọng” nếu không có các vị lãnh đạo địa phương về dự lễ ở các trường, bởi từ lâu, điều này đã trở thành một thói quen ở các trường (cấp Trung học Phổ thông mời các lãnh đạo tỉnh, Uỷ ban Nhân dân huyện, các trường cấp Trung học Cơ sở và Tiểu học thì mời lãnh đạo của huyện, xã).

Vì các trường trong địa bàn cùng tổ chức khai giảng một ngày nên trong những dịp như thế, đại diện các cấp cũng phải phân công nhau dự.

Ở lễ khai giảng, lãnh đạo địa phương dự là được rồi, cần gì phải phát biểu! ảnh 2

Đây là lễ khai giảng đúng nghĩa trong mắt một cô giáo!

Thường, thì các trường lớn là các  lãnh đạo chủ chốt dự, còn các trường được xem là “nhỏ” thì các trưởng phòng, ban dự; nhưng họ là đại diện cho lãnh đạo địa phương nên đa số được mời phát biểu.

Nhiều vị lên phát biểu thể hiện được sự đĩnh đạc, khiêm tốn nhưng cũng hong ít vị tỏ thái độ lúng túng, nên đôi khi phát biểu xong lại trở thành đề tài đàm tiếu cho những người tham dự.

Nơi tôi hiện công tác, có rất nhiều lãnh đạo trẻ, nhất là lãnh đạo cấp xã, điều này cũng đồng nghĩa các vị rời ghế nhà trường chưa lâu.

Chỉ mươi năm trước họ cũng là học trò từ trường ra, nhiều cô cậu do phá phách nên còn được thầy cô nhớ mãi.

Bẵng đi thời gian, các vị ấy trở thành Phó chủ tịch, hay Chủ tịch xã, thậm chí là lên đến cấp huyện, khi trở về trường trở thành cấp trên của giáo viên, nhiều người cũng muốn tìm gặp để ôn lại nhưng kỉ niệm đối với giáo viên cũ của mình.

Những cái bắt tay của lãnh đạo với “cấp dưới” không có gì phải bàn luận nhưng có nhiều vị khi gặp lại giáo viên cũ, không thể hiện được cả tình cảm và thái độ của người học trò cũ, vì thế cũng cảm thấy sỗ sàng và bị tổn thương.

Ví dụ như khi dự lễ kỉ niệm 20/11, họ không chỉ là lãnh đạo mà họ còn là học trò cũ về thăm trường, thăm giáo viên từng dạy mình mà lên phát biểu cứ “chỉ đạo” hết cái này đến cái khác, nghe riết rồi cũng cảm thấy nản.

Thực ra, trong ngày khai giảng hay ngày lễ nào cũng vậy, sự có mặt của lãnh đạo địa phương thể hiện được sự quan tâm của các các ban ngành với ngành giáo dục.

Ở lễ khai giảng, lãnh đạo địa phương dự là được rồi, cần gì phải phát biểu! ảnh 3

Mấy lâu rồi, lễ khai giảng bị biến thành nơi người lớn tung hô nhau

Sự có mặt của các lãnh đạo hay đại diện các đoàn thể địa phương cho ta thấy được sự quan tâm của cấp lãnh đạo với ngành,  nhất là ở một số địa phương còn khó khăn thì đây còn là sự kiểm định về công tác vận động học sinh ra lớp đầu năm học.

Song có một thực tế là lâu nay ở một số nơi, ta  thấy có nhiều lãnh đạo phát biểu quá lan man, không cần thiết và không đúng trọng tâm.

Những bài phát biểu cứ na ná như nhau thành ra người tham dự không còn thấy sự thiêng liêng, trang trọng của nó; nhiều khi trời nắng nóng, để các em học sinh ngồi ở sân trường hàng tiếng đồng hồ cũng là điều làm cho người lớn phải suy nghĩ.

Thiết nghĩ, thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu không mời lãnh đạo phát biểu trong ngày khai giảng và các địa phương khác cũng nên làm như vậy.              

Nguyễn Cao