Phải thay tư duy nhiệm kỳ bằng tư duy Lịch sử!

05/08/2011 09:08
(GDVN) - Vì sao học sinh ghẻ lạnh với môn lịch sử? Dạy lịch sử cần tôn trọng những nguyên tắc nào?

(GDVN) - Vì sao học sinh ghẻ lạnh với môn lịch sử? Dạy lịch sử cần tôn trọng những nguyên tắc nào? Làm sao để kích thích tư duy lịch sử? Đó là những vấn đề được đăng tải trên các báo ngày hôm nay.

Dạy lịch sử với tinh thần phản biện

Trên Tuổi trẻ đăng tải bài viết của Phó giáo sư lịch sử Johann N. Neem thuộc Đại học Western Washington (Mỹ) (bài viết đăng trên tạp chí The Chronicle of Higher Education) với lời kêu gọi cần thực hiện tốt hơn việc giáo dục lịch sử dân tộc.

Johann N.Neem nhấn mạnh lịch sử dân tộc thúc đẩy lòng yêu nước. “Các câu chuyện về dân tộc phải được dạy để khơi gợi sự phấn khởi, lòng tự hào, nhưng cũng phải mang tinh thần phản biện. Dạy lịch sử không có nghĩa chỉ nói về những hào quang sáng chói của người Mỹ, cũng không phải chỉ tập trung vào những thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử. Như bất kỳ câu chuyện của một đất nước nào khác, lịch sử Mỹ đầy tự hào, đầy lý tưởng và cũng đầy những chuyện phản bội.

Các câu chuyện hào hùng khiến người ta thêm yêu đất nước, còn các câu chuyện phản biện được kể lại để đảm bảo tình yêu nước đó không trở thành sự dấn thân mù quáng. Đó là sự kết hợp của tình yêu đất nước và sự nhận biết những thất bại của đất nước để có hành động đúng đắn mà một công dân cần phải có... Không có sự nhận thức mang tính phản biện thì làm sao đảm bảo được mỗi công dân đã hiểu đúng các câu chuyện về quốc gia mình và tìm cách làm mọi việc tốt đẹp hơn?”.

a
Điểm thi đại học môn Lịch sử năm nay được xem là thấp không ngờ. Ảnh minh họa

Quan điểm đối với môn Lịch sử: Phải dũng cảm nhận sai

Đó là những chia sẻ của PGS.TS Phạm Quốc Sử, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội đăng tải trên VietNamnet

Theo PGS.TS Phạm Quốc Sử, có 3 nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dạy học Lịch sử tại trường phổ thông.

a
 PGS.TS Phạm Quốc Sử
 Thứ nhất: Sách GK viết không hấp dẫn, và nói thẳng là không khách quan, nặng về số liệu mà không nâng tầm nhận thức cho người học.

Thứ hai: Chương trình mới nặng vì bài học được giải quyết với số giờ dậy cực kỳ hạn chế trong tuần khiến cho cả thầy lẫn trò đều thấy vất vả, nặng nề.

Thứ ba: Đội ngũ dạy có vấn đề. Các thầy cô chịu nhiều thiệt thòi ngay từ khi còn trong quá trình đào tạo ở đại học, đó là chương trình đào tạo đại học khá nghèo về tri thức văn hoá, chỉ có chuyên môn sử trần trụi, mà cũng không thật khách quan, khoa học.

Và ông khẳng định: Đã đến lúc phải vứt bỏ cách nghĩ học lịch sử chỉ đơn thuần để khơi gợi niềm tự hào dân tộc đi. Và hoàn toàn không sợ mất niềm tin. Mất niềm tin làm sao được. Chỉ thiếu sự dũng cảm để thay đổi thôi. Bây giờ cái người ta cần là sự thật. Mặt nạ đeo mãi đến lúc cũng phải rơi xuống. Nhưng nhận thức về nó cần phải đúng đắn, có trách nhiệm và dũng cảm. Phải dũng cảm nhận sai: sai về quan điểm chỉ đạo giảng dạy môn lịch sử và cả những môn KHXH khác nữa”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần một tư duy lịch sử  

Trong cuộc phỏng vấn báo Đại đoàn kết, nhà sử học Dương Trung Quốc đã chia sẻ những đánh giá của cá nhân xung quanh vấn đề nóng đang là tâm điểm trong dư luận thời gian gần đây.

a
Nhà sử học Dương Trung Quốc
 Tôi không tán thành với việc qua hiện tượng ấy đánh giá là giới trẻ quay lưng với lịch sử. Lịch sử là cái gì đó ở trong tâm can con người, vấn đề là nó có được đánh thức hay không thôi. Thực tế vừa qua chúng ta thấy nếu có một cái gì đó liên quan đến vận mệnh quốc gia, rõ ràng giới trẻ sẽ quan tâm và thể hiện thái độ của họ.  

Vậy là ở đây có vấn đề liên quan đến giáo dục, đến đời sống xã hội. Về giáo dục, hiện tượng này kéo dài bởi vì hơn 10 năm nay giáo dục có thay đổi cơ bản gì đâu. Chắc các nhà lãnh đạo ngành giáo dục cũng có quan tâm, các thầy cô cũng trăn trở nhiều, phụ huynh cũng trăn trở. Nhưng chúng ta đã có thay đổi gì đặc biệt trên 2 phương diện cơ bản của giáo dục là chương trình và sách giáo khoa.

Rồi liên quan trực tiếp là đội ngũ thầy cô nữa. Rõ ràng các em là những người trực tiếp tiếp cận, có thể các em sẽ thấy sách giáo khoa nhạt nhẽo chẳng có gì bổ ích cả, khó nhớ, thành một thứ khổ sai. Rồi thi cử nữa, cách đặt câu hỏi thế nào, cách chấm thi thế nào. Kích thích các cháu thành một thứ trí nhớ cơ học hay kích thích các cháu một tư duy lịch sử.

Lịch sử là một môn khoa học nên nó có sự cần thiết về độ chính xác, những con số, những dữ kiện chính xác, nhưng quan trọng nhất nó là sự vận động của tư duy, tính ngụ ngôn của lịch sử. Nếu chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh trí nhớ thuần túy thì rất dễ dẫn đến việc học đối phó, trong điều kiện thế này, sức ép về thời gian thế này thì điểm kém là khó tránh.

Chúng ta phải đấu tranh chống tư duy nhiệm kỳ, thay vào đó chúng ta phải tư duy lịch sử. Chúng ta sẽ để lại gì cho lịch sử? Tư duy như thế thì mỗi cá nhân các nhà lãnh đạo mới thận trọng trước quyết định của họ được.

Hải Hà (tổng hợp)

{iarelatednews articleid='9068,8912,8853,8775,8701,7671,6961,1372,9651,9621,9608,9523,9394,9437,9411,9330,9247,9242'}